Biên phòng - Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Vì vậy, việc gỡ thẻ vàng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo chống khai thác IUU nhấn mạnh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cũng là một bước quan trọng để ngành thủy sản phát triển bền vững.
Ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì Việt Nam thực hiện chưa tốt quy định về chống khai thác IUU. 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Sau thời gian thử thách, nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Khi đó, tất cả sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Những nỗ lực của Việt Nam
Trong gần 2 năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã nỗ lực triển khai các giải pháp cấp bách thực hiện các khuyến nghị của EC để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”, chống khai thác IUU. Kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận với việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển ngành thủy sản Việt Nam. Các địa phương cũng bước đầu thực hiện các quy định về khai báo, ghi chép, quản trị hoạt động khai thác cá bằng phần mềm.
Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU, Bộ NN&PTNT và Bộ Quốc phòng đã ký kết các quy chế phối hợp để tăng cường thực thi pháp luật trên biển. Qua đó, tăng cường sự hiện diện của các lực lượng thực thi pháp luật như Kiểm ngư, Hải quân, Cảnh sát biển tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để xử lý tàu cá vi phạm; hỗ trợ kịp thời tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã phối hợp, tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, phát hiện một số vụ tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, không còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước quốc đảo Thái Bình Dương.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, nước ta đã triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cho 31.500 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Từ khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, thông qua hình ảnh hệ thống giám sát tàu cá, đã phát hiện 110 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tổng cục Thủy sản đã ban hành 60 văn bản gửi các địa phương có liên quan để xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động chống khai thác IUU chưa tạo ra được đột phá. Đặc biệt, tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra, chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2018 xảy ra 85 vụ/137tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tiếp tục tăng so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019, xảy ra 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm gồm Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định...
Tái cơ cấu để phát triển thủy sản bền vững
Bàn về giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” EC, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Chúng ta phải tái cơ cấu để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững. Đây là hoạt động lâu dài, bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, chứ không phải chúng ta chỉ nhăm nhăm gỡ “thẻ vàng” theo một số khuyến nghị của EC.
Theo đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, trong đó, chú trọng nuôi trồng, chế biến thủy sản song song với hiện đại hóa ngành khai thác, đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển ngành hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá (đảm bảo kiểm soát được tàu cá, nguồn gốc chất lượng thủy sản...).
Với mục tiêu cao nhất là hoàn thành các khuyến nghị của EC, trong cuộc họp đầu tiên, ngày 21-6, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đã xác định một số nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai, trong đó, trọng tâm nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Cụ thể, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện chống khai thác IUU; kiến nghị, đề xuất hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU trong công tác chống khai thác IUU. Bộ Quốc phòng chủ trì, chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiên quyết xử lý các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU.
Bộ Ngoại giao chủ động trong công tác bảo hộ ngư dân, kiên quyết đấu tranh với các nước sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực khi bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chưa phân định, chồng lấn. Chủ động tham mưu kịp thời các biện pháp ngoại giao và đối sách cần thiết. Hỗ trợ ngư dân hoạt động hợp pháp bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép.
Nguyễn Bích