Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Nguy cơ cháy rừng ở Tây Nguyên

Biên phòng - Hiện nay, địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đang bước vào thời kỳ cao điểm của nạn cháy rừng. Hầu hết diện tích rừng đều có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên, ở cấp độ nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.

r56g_17b-1.jpg
Một cánh rừng ở Tây Nguyên bị cháy rụi do bất cẩn trong việc đốt rừng làm rẫy.

Đầu mùa khô năm 2015, nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên đã bị thiêu rụi, cụ thể: Tại Đắk Nông, hơn 2.000m2 rừng tại tiểu khu 1807 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (huyện Đắk Glong) đã bị cháy, hơn 0,6ha rừng thông thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sê-rê-pốk và ít nhất 3ha rừng thông thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (Gia Lai) bị thiêu cháy.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ nạn cháy rừng ở Tây Nguyên trở nên "nóng bỏng" là do từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, nắng nóng gay gắt, mực nước các sông, kênh, rạch xuống thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Bên cạnh đó, diện tích rừng nằm xen với đất sản xuất nông nghiệp cũng là điều kiện dễ gây ra cháy do sau khi thu hoạch, người dân thường đốt rơm, rạ vệ sinh đồng ruộng, xâm nhập rừng để chặt cây, đánh bắt cá, bắt ong lấy mật, săn bắt động vật hoang dã, sử dụng lửa bừa bãi nên rất dễ xảy ra tình trạng cháy lan vào rừng...

Khi xảy ra các vụ cháy rừng, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn nói chung và BĐBP nói riêng đã tích cực ứng trực và tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do thực bì quá dày cộng với thời tiết khô nóng, thiếu trang thiết bị chữa cháy nên rất vất vả trong việc khống chế ngọn lửa. Mặt khác, công tác xử lý và nhận định ban đầu của địa phương chưa phù hợp nên khi xảy ra cháy mới huy động lực lượng dẫn tới thiệt hại do các vụ cháy rừng rất lớn.

Một điều rất đáng lo ngại là tâm lý thờ ơ, đứng ngoài cuộc của một bộ phận người dân. "Có những người dân không tham gia chữa cháy rừng dù đã được địa phương huy động. Họ không có quyền lợi ở đó nên đứng ngoài cuộc. Bởi vậy đề nghị cơ quan chức năng cần có những chính sách đối với người dân khi tham gia chữa cháy, cứu rừng. Để hạn chế thấp nhất những vụ cháy rừng trong những mùa nắng hạn, đề nghị lãnh đạo các địa phương nên hợp đồng với các đơn vị quân đội để dọn thực bì, chủ động phòng ngừa các vụ cháy rừng có thể xảy ra" - Đại tá Vũ Trọng Tiệp, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai nêu ý kiến.

Theo ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 4, để hạn chế nguy cơ cháy rừng, thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai lực lượng trực kiểm tra phòng cháy, chữa cháy (PCCC) 24/24 giờ trong ngày, sửa chữa, nâng cấp phương tiện PCCC, làm mới chòi canh lửa tạm thời và cố định, làm đường ranh cản lửa, giảm vật liệu, thực bì dễ bắt lửa, tăng cường hệ thống biển cảnh báo, theo dõi tình hình thời tiết...

Nhờ chủ động triển khai thực hiện và làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng nên thời gian qua trên địa bàn không xảy ra cháy rừng, số vụ vi phạm xâm nhập rừng trái phép cũng hạn chế. Các đơn vị chủ rừng luôn ý thức trong việc bảo vệ rừng, nhất là trong thời điểm khô hanh; củng cố và kiện toàn Ban Chỉ huy PCCC rừng ở cơ sở, các tổ đội chữa cháy chuyên trách, bán chuyên trách, tổ đội chữa cháy vành đai rừng. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị được chuẩn bị chu đáo. Các đơn vị còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng đến từng người dân sống xung quanh vành đai rừng.

atlj_17a-1.jpg
Các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia chữa cháy rừng.    
 
Cũng theo ông Dũng, để chủ động phòng, chống cháy rừng trong những ngày tới, ngành nông nghiệp và kiểm lâm các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên cần bố trí lực lượng thu dọn thực bì, đồng thời thiết kế lại đường băng cản lửa đủ rộng để đạt hiệu quả trong việc ngăn lửa lây lan ra diện rộng. Cùng với việc chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm tra, một việc hết sức quan trọng là nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc phòng, chữa cháy. Bên cạnh đó, ngoài việc bố trí ngân sách trang bị thiết bị phòng, chữa cháy rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên cần sớm xem xét giao đất rừng (kể cả giao và khoán rừng) cho người dân chăm sóc, quản lý và bảo vệ. Mặt khác, ngành kiểm lâm bố trí thêm các điểm, chòi canh lửa trong các khu rừng để kịp thời phát hiện các nguy cơ xảy ra cháy.

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng cần tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm lâm gắn với chính quyền, với dân, với rừng để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện công tác PCCC rừng. Nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời các đám cháy phát sinh ngay từ ban đầu, không để bùng phát thành các đám cháy lớn. Các địa phương cũng cần chú trọng kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy đúng quy hoạch, quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về PCCC rừng, đặc biệt của các chủ rừng không tuân thu các quy định về PCCC rừng.
Hoàng Anh - Hữu Phúc

Bình luận

ZALO