Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 09:58 GMT+7

Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An và Tây Nguyên

Biên phòng - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp với vùng xoáy thấp trên mực 5.000 m hoạt động mạnh nên từ đêm 17-8 đến ngày 19-8, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông (lượng mưa phổ biến 30-70 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm/24

Nước sông Mã đoạn qua xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Trọng tâm của đợt mưa tập trung từ đêm 17-8 đến đêm 18-8.

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to (thời gian mưa tập trung vào khoảng chiều và tối). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Trên lưu vực sông Mã và các sông ở khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ thượng lưu các sông ở Thanh Hóa có khả năng lên mức báo động 1 - báo động 2; hạ lưu các sông ở dưới mức báo động 1; các sông suối nhỏ ở khu vực Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2- báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, các khu đô thị và thành phố như: Thanh Hóa, Vinh, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Đà Lạt, Bảo Lộc. Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở cấp 1.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng dự báo, các tỉnh ở Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa, có nơi mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Phú Thọ, Hòa Bình và Thái Nguyên. Cảnh báo độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lũ quét thường phát sinh bất ngờ, xảy ra trong phạm vi hẹp nhưng rất khốc liệt và gây những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Hơn nữa, lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng đồi núi, nơi có nhiều sườn dốc, khi xảy ra mưa có cường độ lớn mà đường thoát nước bất lợi hoặc do vỡ hồ chứa nhỏ, sạt lở đất lấp dòng chảy…

Do đó, phương châm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên là "Chủ động phòng tránh". Tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện cần hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã xây dựng phương án chủ động phòng tránh, ứng phó khi xảy ra lũ quét. Phương án này phải đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp phương châm 4 tại chỗ.

Theo Diệu Thúy/Báo Tin tức

Bình luận

ZALO