Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 04:07 GMT+7

Nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu ở Tây Nguyên

Biên phòng - Là nơi có diện tích rừng tự nhiên bao phủ lớn, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loài dược liệu quý sinh trưởng và phát triển, từ trước đến nay, rừng Tây Nguyên vẫn được xem là cái "kho" khổng lồ chứa trong đó nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, do công tác quản lý, bảo tồn, khai thác nguồn "vàng xanh" này ở các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên còn nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng khai thác tràn lan, làm cho nhiều cây dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt.

582958b6deafa4ee8b000041
Tình trạng thu mua, buôn bán dược liệu tràn lan là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn "vàng xanh" ở Tây Nguyên. Ảnh: Phan Hưng

Đào tận gốc, trốc tận rễ

Theo tài liệu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), tiềm năng dược liệu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên rất dồi dào, với 1.657 loài thực vật (thuộc 197 họ) có giá trị làm thuốc chữa bệnh. Trong đó có nhiều cây dược liệu quý, như kim mao cẩu tích (còn gọi là cây xương sống chó, cu li) dùng để trị bệnh gân xương nhức mỏi, đau lưng, đặc biệt, có tác dụng cầm máu rất tốt; thổ phục linh có tác dụng chữa trị bệnh thoái hóa xương khớp, đau thần kinh tọa, giải độc; vàng đắng có thể chế ra thuốc lợi mật, sát trùng, tiêu chảy. Hay cây lan kim tuyến (còn gọi là lan gấm) có tác dụng làm khí huyết lưu thông, tăng cường sức khỏe và chữa các bệnh suy nhược thần kinh, viêm gan mãn tính…; cây bình vôi có thể trị bệnh nhức đầu, đau dạ dày, mất ngủ, sốt nóng...

Tài liệu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, cách đây 2 thập kỷ, nhiều loài cây thuốc quý ở Tây Nguyên đã được giới chuyên gia cảnh báo là đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu được nhắc đến là do việc quản lý còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng khai thác ồ ạt theo kiểu "đào tận gốc, trốc tận rễ". Đặc biệt, trong cuốn Sách đỏ xuất bản lần 2 năm 2007, 57 loài cây thuốc thuộc 36 họ thực vật bậc cao ở Tây Nguyên cũng được khuyến cáo là cần phải bảo tồn, trong đó có 2 loài bị đe dọa tuyệt chủng ở mức nguy cấp.

Một điều đáng quan ngại cũng được các nhà khoa học báo động là chỉ có một tỷ lệ nhỏ cây dược liệu được khai thác với mục đích sử dụng làm thuốc chữa bệnh, còn phần lớn được bán cho các thương lái, để sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Có thể lấy ví dụ, thời gian qua, ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum xuất hiện nhiều cơ sở thu mua củ kim mao cẩu tích với quy mô lớn, người dân trên địa bàn từng tốp lớn, nhỏ tấp nập vào rừng đào, bới khai thác loại cây này chở đi bán cho các thương lái với giá rẻ mạt, chỉ 2.000-2.500 đồng mỗi kg củ tươi. Sau khi đủ số lượng cho mỗi chuyến xe, các thương lái chở hàng đến thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, thuê người sơ chế, phơi khô để đóng bao, rồi chở ra các tỉnh biên giới phía Bắc tiêu thụ.

Ông Y Doa, một bậc cao niên ở thị trấn Plei Kần giãi bày: "Thấy đống dược liệu quý chất cao trên những chuyến xe mà thấy xót xa. Ở vùng Tây Nguyên này, không chỉ những người già như tui, mà hầu như ai cũng biết rõ giá trị chữa bệnh của kim mao cẩu tích. Vì thế, khi thấy chúng bị khai thác tràn lan mang tính hủy diệt như thế, ai cũng thấy đau lòng nhưng chẳng biết làm sao...". Điều mà ông Y Doan bức xúc là phần lớn những người tham gia khai thác kim mao cẩu tích để bán cho thương lái đều không biết về giá trị thực của loài dược liệu quý này. Họ chỉ biết vào rừng đào càng được nhiều càng tốt để bán lấy tiền mưu sinh. Mà đâu chỉ có kim mao cẩu tích, trước đó, đội quân chuyên hành nghề khai thác cây dược liệu cũng đã "ra quân" săn tìm các loại cây mật nhân, máu chó... Hậu quả là những loài dược liệu này bị truy lùng, tận diệt ở khắp đồi nghèo đến rừng sâu và đến nay trở nên cạn kiệt.

Cần siết chặt quản lý

Bà Hồ Thị Thúy, người chuyên làm nghề thu mua các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum để bán lại cho chủ các đại lý lớn ở hai huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei cho biết, trước đây ở các xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ngoài kim mao cẩu tích, xương sống chó, mật nhân, nhiều loại cây có tác dụng chữa bệnh khác như thổ phục linh, lan kim tuyến, bình vôi, vàng đắng... mọc ở khắp nơi, nhưng cho đến nay, các loại cây này ngày càng hiếm. "Tuần trước, tôi sang bên huyện Tu Mơ Rông đặt mua mấy chục ký đương quy nhưng các mối quen ở đó nói loại này bây giờ hiếm lắm rồi. Tôi cũng không ngạc nhiên vì đương quy, cũng như nhiều loại thảo dược khác cũng bị khai thác tràn lan quá mức, nên ngày càng khó tìm cũng là chuyện dễ hiểu..." - bà Hồ Thị Thúy cho hay.

Được biết, thời gian qua, nhằm tăng cường biện pháp quản lý đối với hoạt động quản lý, khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây dược liệu trên địa bàn, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng địa phương trong việc quản lý, bảo tồn các loại cây dược liệu. Tuy nhiên, theo đánh giá của lực lượng Kiểm lâm địa phương thì việc quản lý hoạt động khai thác các loại cây dược liệu trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, xuất phát từ nhiều vấn đề mang tính cơ chế.

Theo ý kiến của nhiều cán bộ thuộc lực lượng Kiểm lâm các tỉnh Tây Nguyên thì thời gian qua, do một số loài dược liệu được thương lái thu mua với giá cao nên nhiều người dân trên địa bàn rủ nhau bỏ sản xuất nương rẫy lũ lượt kéo nhau vào rừng khai thác càng nhiều càng tốt. Về phía các thương lái có hoạt động thu gom dược liệu, ban đầu họ thường chở đi một cách công khai, cho đến khi cơ quan chức năng phát hiện và triển khai ngăn chặn, họ mới rút vào hoạt động bí mật. Trong điều kiện địa bàn vùng rừng núi Tây Nguyên rất rộng, người khai thác dược liệu hoạt động đơn lẻ, các biện pháp tuần tra, mật phục và bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Biện pháp thu giữ, xử phạt cũng chỉ là biện pháp tình thế mà không mang tính bền vững, lâu dài. Đó là chưa kể, trên thực tế, việc phân biệt các loại cây dược liệu được phép khai thác với những loài nằm trong danh sách cấm là rất khó...

Cũng theo vị cán bộ này, nguyên nhân chính của tình trạng khai thác tận diệt cây dược liệu là do sự thiếu hiểu biết của người dân về giá trị của các cây thuốc cùng với hạn chế về nhận thức gìn giữ, bảo tồn của cộng đồng. Nên chỉ cần một chút lợi nhuận trước mắt, người dân sẵn sàng săn lùng, triệt phá nhiều cây thuốc để bán cho thương lái với giá rẻ hơn giá trị thực của nó nhiều lần.

Để chấm dứt được tình trạng này, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân không được khai thác cây dược liệu ồ ạt, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, gây nguy cơ cạn kiệt nguồn gen quý giá, các địa phương cần đưa ra giới hạn thời gian, người dân chỉ được phép khai thác trong chừng mực nhất định. Quá trình khai thác phải để lại gốc tối thiểu trong chừng mực nào đó tùy loại dược liệu, tạo điều kiện cho chúng sinh trưởng, phát triển. Riêng đối với những loài nằm trong danh sách bảo tồn, phải duy trì lệnh cấm khai thác cũng như cấm hoạt động thu mua, xuất khẩu một cách nghiêm ngặt. Nếu ai vi phạm phải có chế tài, xử lý nghiêm khắc. Có như vậy mới vừa tạo điều kiện thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn được những loài thực vật có tác dụng chữa bệnh một cách bền vững, lâu dài.

Phan Hưng

Bình luận

ZALO