Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 01:11 GMT+7

Nguy cơ “bùng nổ” chiến tranh tại Libya

Biên phòng - Trong khi Liên hợp quốc (LHQ) nỗ lực hối thúc giải pháp hòa bình trong cuộc nội chiến dai dẳng tại Libya, thì sự “đứng sau giật dây” của những quốc gia khác đang làm cận kề nguy cơ “bùng nổ” một cuộc chiến tranh giữa các lực lượng nước ngoài mà chiến trường chính là lãnh thổ của quốc gia Bắc Phi này.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tuyên bố sẽ đưa quân đội nước này tham chiến tại Libya, nếu nổ ra chiến sự tại thành phố Sirte. Ảnh: Strategia News

Những ngày qua, 2 lực lượng đối địch tại Libya là Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya tự xưng (LNA) liên tục dồn quân đến đầu chiến tuyến. Nguy cơ xung đột đẫm máu bao trùm thành phố Sirte - nơi được coi là “cửa ngõ” dẫn tới các cơ sở dầu mỏ lớn nhất tại Libya. GNA tuyên bố cương quyết giành lại quyền kiểm soát Sirte từ LNA.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhìn nhận, Ai Cập đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi Quốc hội nước này, ngày 20-7, “bật đèn xanh” cho chính phủ điều quân tham chiến Libya thông qua các điều luật cho phép quân đội Ai Cập được điều động ra ngoài đất nước. Động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tuyên bố sẽ dùng vũ lực để chống lại các lực lượng tại Libya được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhằm bảo đảm an ninh quốc gia từ bên ngoài đất nước.

Chiến sự tại Libya vốn không chỉ là cuộc nội chiến giữa 2 phe đối lập LNA - GNA trong nước, mà còn hiện hữu cuộc chiến ủy nhiệm của nhiều quốc gia khác. Trong đó, LNA được hậu thuẫn bởi Ai Cập, Nga, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE); còn GNA được Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Qatar hậu thuẫn.

Theo quan điểm của Tổng thống Sisi, chiến sự tại quốc gia láng giềng Libya, đặc biệt là việc GNA tiến quân đánh chiếm Sirte được coi là “lằn ranh đỏ” đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Ai Cập và đương nhiên, nước này sẽ can thiệp quân sự vào Libya, thay vì “ngồi yên”. Đây cũng là động cơ chính để Ai Cập có hành động “lên gân” ngày 20-7 vừa qua, bất chấp việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ liên tục yêu cầu Ai Cập ngừng hậu thuẫn cho tướng Khalifa Haftar - thủ lĩnh của LNA.

Mặt khác, truyền thông thế giới cho biết, nội bộ Ai Cập hết sức lo lắng trước quyết tâm chiếm đánh Sirte của GNA, trong khi LNA và các thủ lĩnh bộ tộc tại Libya đã trực tiếp kêu gọi Ai Cập đưa quân tới can thiệp trước sức ép đang rất mạnh từ GNA. Bởi lẽ, những lực lượng này luôn coi phía bên kia chiến tuyến là “sự chiếm đóng của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Còn đối với GNA, chính phủ được quốc tế công nhận này đang chiếm thế “thượng phong” khi liên tục đánh lùi LNA và chiếm lại hầu hết vùng lãnh thổ mà LNA kiểm soát ở phía Tây Bắc Libya. Điều này đồng nghĩa với việc đặt “dấu chấm hết” cho tham vọng thống nhất đất nước bằng vũ lực của LNA khi phát động chiến dịch chiếm đánh Thủ đô Tripoli của GNA vào tháng 4 năm ngoái.

Một tuyên bố mới nhất của GNA cho biết, lực lượng này đặt quyết tâm rất lớn và đang sẵn sàng đợi phát lệnh tấn công, cũng như đợi tin thắng trận giải phóng 2 thành phố chiến lược là Sirte và Jufra.

Theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, nếu Ai Cập tham chiến Libya thì gần như chắc chắn sẽ nổ ra cuộc chiến trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, mà chiến trường chính là Libya. Giới quan sát chiến sự Libya đánh giá, xuyên suốt cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay, chưa bao giờ nguy cơ bùng nổ chiến sự từ các lực lượng bên ngoài Libya lại lớn như lúc này. Thậm chí, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định rằng, nội chiến Libya đã bước sang giai đoạn mới với sự can thiệp từ nước ngoài cùng mức độ và quy mô chưa từng có.

Ngay sau những diễn biến leo thang căng thẳng này, bà Stephanie Williams - Đại diện đặc biệt của LHQ về Libya đã bày tỏ sự lo lắng đối với an nguy của hàng trăm nghìn dân thường, đồng thời gay gắt gọi những hành động “đạn lên nòng” này là vi phạm trắng trợn lệnh cấm vận vũ khí của LHQ.

Tuần trước, Đức, Pháp và Italia đưa ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt sự can thiệp từ nước ngoài vào Libya, đồng thời đe dọa trừng phạt nếu vi phạm các lệnh cấm của quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ quan điểm phải duy trì lệnh ngừng bắn và cần thiết áp dụng những biện pháp “hạ nhiệt” căng thẳng ngay lập tức.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO