Biên phòng - Để tiết kiệm thời gian, công sức, tăng năng suất, hiệu quả trong lao động sản xuất, nhiều nông dân đã đầu tư mua sắm các loại máy móc nông cụ nhằm cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Những tiện ích từ việc cơ giới hóa ai cũng thấy rõ, tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ) khi sử dụng máy móc nông nghiệp là vấn đề cần cảnh báo đối với bà con nông dân.

Cảnh báo từ những vụ tai nạn lao động
Anh Cứ A Lử, dân tộc Mông, ở bản Ma Seo Phìn Cao, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phát triển kinh tế gia đình thông qua việc trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để tiết kiệm thời gian, công sức trong chăn nuôi, anh Lử đã mua một chiếc máy trộn thức ăn cho gia súc với giá gần 10 triệu đồng.
Ngày 14/4/2020, trong lúc sử dụng máy trộn bột cám cùng ngô để cho lợn ăn, anh đã chủ quan thò tay vào bên trong để vét bột và bị máy chém dập nát toàn bộ 4 ngón của bàn tay phải. Gia đình đưa anh đi bệnh viện cấp cứu và bác sĩ chỉ định phải tháo bỏ toàn bộ khớp của 4 ngón tay phải. Mặc dù hiện nay, vết sẹo đã lành, nhưng anh Lử trở thành người bị thương tật, mọi sinh hoạt, lao động gặp khó khăn hơn trước bởi bàn tay không còn nguyên vẹn.
Cũng tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, anh Quàng Văn Sinh, dân tộc Lự, ở bản Nà Hum, xã Bình Lư bị tai nạn lao động (TNLĐ) khi sử dụng máy thái rau. Đó là trong một lần dùng máy để thái rau cho lợn, chỉ một phút lơ đễnh, anh đã bị máy cắt lìa 3 ngón tay giữa dẫn đến phải tháo toàn bộ khớp của 3 ngón tay này.
Còn anh Nông Văn Phương, dân tộc Tày, ở thôn Khun Lâu, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn bị máy thái rau phạt đứt lìa cánh tay phải. Anh Phương kể lại: “Cách đây một năm, gia đình mới mua máy thái rau cho lợn, trâu, bò... Khi đem rau vào thái, do tôi chủ quan, lấy tay đẩy rau vào máng cắt quá sâu nên cả bàn tay bị hút vào. Khi đó, có vợ gần cạnh vội ngắt dây điện, máy mới dừng lại. Hôm đó mà không có ai ở nhà, chắc tôi đã không qua khỏi”.
Trường hợp của anh Hoàng Đặng Hùng, trú tại xã Vân Mộng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn thì bị máy cắt cỏ suýt cắt đứt lìa chân trái chỉ vì sơ sểnh khi sử dụng máy ngoài đồng.
Những dẫn chứng nêu trên chỉ là số ít trong vô số các vụ TNLĐ trong sản xuất nông nghiệp xảy ra ngày càng nhiều ở các vùng nông thôn, miền núi nước ta.
Thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, bình quân mỗi năm, trên cả nước xảy ra khoảng 5.000-7.000 vụ TNLĐ, trong đó có hàng trăm vụ tai nạn trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp. Riêng năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ TNLĐ, làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết, tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỷ đồng và hơn 116.000 ngày công.
Hiện nay, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang là nhu cầu cấp thiết. Một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu như: Máy cày, máy bừa, máy đập tách hạt, máy bơm nước; gieo mạ khay, máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt... Nhưng cùng với việc gia tăng sử dụng máy móc, các vụ TNLĐ trong nông nghiệp cũng gia tăng, để lại những thương tích nặng nề cho người nông dân, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.
Giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ATLÐ, một trong những nguyên nhân khiến TNLĐ trong sản xuất nông nghiệp có chiều hướng gia tăng là do trình độ nhận thức của người nông dân về ATLĐ còn hạn chế. Nhiều người dân đưa máy móc, thiết bị nông nghiệp vào sử dụng nhưng lại thiếu các bộ phận che chắn an toàn. Người sử dụng chưa hiểu rõ, chưa nắm được nguyên tắc về an toàn trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp mà chủ yếu làm theo thói quen dẫn đến TNLĐ.

Bên cạnh đó, vấn đề ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp chưa được chính quyền địa phương, các ngành chức năng quan tâm đúng mức; chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện ATLĐ cho nông dân, cũng như quy trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền về công tác này. Công tác huấn luyện vệ sinh, ATLĐ chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên…
Ðể người nông dân hạn chế tai nạn, tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức cho người nông dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân quy trình, nguyên tắc vận hành máy móc, thiết bị đúng cách, đúng liều lượng, thời gian quy định.
Tại một hội thảo về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: ”Người lái máy cày, máy gặt đập liên hợp ở nước ta chưa được chuẩn hóa. Trong tương lai, họ cần phải được đào tạo bài bản, có bằng mới được hành nghề. Không chỉ vậy, người điều khiển máy móc nông nghiệp phải được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc để bảo đảm về ATLĐ”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, để bảo đảm an toàn trong lao động, trước mắt, cần gửi cán bộ có trình độ và hiểu biết về máy móc đi học các khóa về những khâu trong cơ giới hóa nông nghiệp để chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân. Về lâu dài, các trung tâm dạy nghề phải cử cán bộ có chuyên môn về cơ khí đi học tại những trường đại học về nông nghiệp nhằm trang bị kiến thức cơ bản trong chăm sóc, bảo dưỡng, sử dụng máy cho người vận hành máy kéo liên hợp với dàn cày, dàn xới, cấy trồng, phun thuốc...
Ngọc Ánh