Biên phòng - Trong những năm qua, được sự giúp đỡ, hợp tác hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, các tổ chức phi Chính phủ…, Việt Nam đã có thêm nguồn lực quan trọng đầu tư cho khu vực dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Trên thực tế, các nguồn vốn nước ngoài đã phát huy hiệu quả, như một chất xúc tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vùng đồng bào DTTS.

Cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng
Trong giai đoạn 2014-2018, tỉnh Hà Giang đã nhận, ký kết và triển khai thực hiện 22 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, với tổng số vốn tài trợ là gần 2.700 tỉ đồng từ các tổ chức quốc tế. Nguồn vốn ODA sử dụng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên các lĩnh vực: Giao thông, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, trường học, bệnh viện, phát triển nông nghiệp và nông thôn, tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương. Nhờ đó, việc đi lại cũng như vận chuyển sản phẩm nông sản, hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được cải thiện và dễ dàng hơn.
Trong 5 năm qua, Hà Giang được hỗ trợ, tài trợ của 31 tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (NGO), các đại sứ quán để triển khai 57 chương trình, dự án với tổng số tiền viện trợ hơn 200 tỉ đồng. Phía tỉnh đối ứng 4,2 tỉ đồng. Các nguồn vốn trên được đầu tư vào các dự án mang lại công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, mua bán trẻ em, phụ nữ.
Trong khi đó, tại tỉnh Lào Cai, nguồn vốn nước ngoài được đầu tư chủ yếu cho cơ sở vật chất trong hệ thống giáo dục vùng DTTS và miền núi. Với đặc thù có 2/3 số trường, lớp học, học sinh, giáo viên ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, trên 70% học sinh là người DTTS, tỉnh Lào Cai đã ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho giáo dục. Nhờ đó, cho đến nay, Lào Cai là một trong các tỉnh có đủ phòng học để tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày đối với các cấp học. Toàn tỉnh hiện có 9/9 trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp học trung học phổ thông, có 127 trường phổ thông dân tộc bán trú.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cho biết, trong 5 năm qua, tỉnh được tiếp nhận 9 chương trình, dự án ODA đầu tư cho giáo dục với tổng số vốn 433 tỉ đồng. Ngoài ra, địa phương này cũng triển khai 23 chương trình, dự án NGO trị giá 77 tỉ đồng đầu tư cho giáo dục. Trong bối cảnh Lào Cai còn nhiều khó khăn, việc thực hiện các chương trình dự án từ nguồn vốn ODA và NGO đã tác động tích cực vào sự nghiệp phát triển giáo dục, từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa trường học, lớp học; tăng cường khả năng tiếp cận tính công bằng trong giáo dục cho trẻ em vùng cao khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn. Năm 2000, Lào Cai đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, chống tái mù chữ. Năm 2005, tỉnh này đạt chuẩn giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2007, đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; năm 2013, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo 3-5% mỗi năm
Giai đoạn 2014-2018, tỉnh Đắk Nông đã huy động được nguồn vốn đầu tư của 7 tổ chức nước ngoài đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi, gồm: Vốn ODA, Ngân hàng Phát triển châu Á, FDI, NGO... Các lĩnh vực kêu gọi hỗ trợ đầu tư, gồm: Hạ tầng giao thông, y tế, đào đạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và miền núi, nông nghiệp, thủy lợi chăm sóc sức khỏe, nước sạch... Tổng nguồn vốn quốc tế đầu tư vào Đắk Nông là hơn 2.600 tỉ đồng, còn tỉnh đối ứng hơn 467 tỉ đồng.
Ông Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: 5 năm qua, 3 dự án sử dụng vốn ODA đầu tư có liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào DTTS và miền núi gồm: Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Nông; Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông; Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Các dự án từ khi triển khai đến nay đã làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống và nhận thức của vùng đồng bào DTTS và miền núi trong phát triển KT-XH, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo hằng năm trong vùng đồng bào DTTS xuống từ 3-5%.
Để tập trung nguồn lực đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, ngày 14-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2214/QĐ-TTg về Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS nhằm tăng cường hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước hỗ trợ, đầu tư phát triển vùng DTTS góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Ông Hoàng Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc cho biết: Trên cơ sở các nguồn lực nội tại nhằm phát triển KT-XH vùng DTTS, sự kết hợp giữa các nguồn lực ở trong nước với các nguồn lực của nước ngoài giữ vai trò quan trọng để tạo bước tiến mạnh mẽ trong việc thay đổi diện mạo KT-XH vùng DTTS và miền núi.
Sau 5 năm triển khai, Việt Nam đã thu hút được hơn 63 nghìn tỉ đồng vốn nước ngoài đầu tư cho 32 tỉnh, thành và 4 bộ, ngành. Cùng với đó, Việt Nam đối ứng gần 10 nghìn tỉ đồng. Phần lớn các dự án tài trợ và thực hiện trên địa bàn vùng DTTS và miền núi từ 2 năm trở lên đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, sức khỏe... cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; góp phần phục vụ bền vững hơn cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.
Xuân Hương