Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 01:00 GMT+7

Nguồn động lực phục hồi của châu Á - Thái Bình Dương

Biên phòng - Truyền thông quốc tế đánh giá, Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29) đã nâng cao tầm quan trọng của ngoại giao nghị viện và sự ủng hộ của nghị viện các nước thành viên đối với chủ nghĩa đa phương. Đặc biệt trong đó là quyết tâm cao của các nghị viện thành viên trong việc hành động mạnh mẽ hơn, đóng góp hữu hiệu hơn cho sự phát triển, hiện thực hóa Tầm nhìn vì tương lai chung hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, nhất là tương lai của cộng đồng thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29) tại điểm cầu Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Động lực quan trọng

Trong tuần qua đã diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29) với chủ đề "Vai trò của nghị viện trong việc tăng cường khả năng phục hồi thời kỳ hậu Covid-19" do Quốc hội Hàn Quốc tổ chức theo hình thức trực tuyến. APPF-29 có sự tham của 150 đại biểu đến từ 23 nghị viện thành viên, khách mời và quan sát viên.

Các nội dung trong chương trình nghị sự của APPF-29 đều là những vấn đề quan trọng của thế giới và khu vực, mang tính thời sự cao như bình đẳng giới, ứng phó với Covid-19 và chuyển đổi số. Với khối lượng nội dung nghị sự dày đặc, APPF-29 đã cho thấy tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận rất cao để hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với kết quả tốt đẹp, trong đó thống nhất thông qua 13 dự thảo nghị quyết, thông cáo chung.

Các nghị viện thành viên cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc cùng chính phủ, người dân chung tay xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững. Hội nghị đã đồng thuận cao.

Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in, các nghị viện đóng vai trò quan trọng khi đại diện cho tiếng nói của người dân, thúc đẩy các chính sách đưa đất nước khôi phục trạng thái bình thường trong bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, đóng góp của nghị viện chính là một nguồn động lực quan trọng để mỗi quốc gia vươn lên. Vì vậy, trong 30 năm qua, APPF với trọng trách như một cây cầu kết nối các nghị viện tại khu vực đã đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Tổng thống Moon Jea-in khẳng định, Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác cho tiến trình hội nhập và phát triển bền vững của khu vực; hợp tác nhằm tái thiết lập trật tự thương mại mở và công bằng; dẫn dắt tiến trình hội nhập kinh tế khu vực để châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực hàng đầu về kinh tế số và là hình mẫu toàn cầu về nhân quyền, bình đẳng giới và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, ông Ban Ki-moon - nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu đánh giá, những tác động sâu, rộng của đại dịch Covid-19 đặt ra thách thức vô cùng lớn để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Vì vậy, nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi nghị viện thành viên APPF cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hiện thực hóa các mục tiêu về hòa bình, an ninh, thịnh vượng và khả năng phục hồi của các quốc gia trong khu vực.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương để ứng phó với đại dịch, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug nhấn mạnh, không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới không an toàn. Đồng thời bày tỏ hy vọng, APPF sẽ dẫn đầu các nỗ lực khu vực nhằm đạt được phục hồi bền vững, thiết lập trật tự trong thương mại toàn cầu, thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách trong phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới, ứng phó với khủng hoảng khí hậu,...

Ngoài ra, hội nghị đã thống nhất đề cử của Ban Chấp hành APPF về việc Quốc hội Việt Nam cùng với Quốc hội Nhật Bản và Quốc hội New Zealand tham gia Ban Chấp hành APPF mới trong nhiệm kỳ mới 4 năm, bắt đầu từ APPF-30 đến hết APPF-33. Cũng tại hội nghị, Hội đồng lập pháp Brunei chuyển từ vị trí quan sát viên thành thành viên APPF. Quốc hội Hàn Quốc chuyển giao chức Chủ tịch APPF và vai trò chủ nhà APPF-30 dự kiến tổ chức vào năm 2022, cho Quốc hội Thái Lan.

Nâng cao vị thế Việt Nam trong ngoại giao nghị viện

Dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có 2 bài phát biểu quan trọng tại 2 phiên họp. Về các vấn đề chính trị, an ninh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam tiếp là thành viên tích cực của APPF và nhiều diễn đàn nghị viện đa phương khác. Việt Nam phối chặt chẽ với Quốc hội các nước để củng cố hệ thống đa phương, thúc đẩy hợp tác hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, tự cường và thịnh vượng.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất 6 sáng kiến nhằm tăng cường hành động nghị viện, giám sát thực thi chính sách, nâng cao hợp tác đa phương, ngăn ngừa xung đột, ủng hộ ngoại giao, xây dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế.

Trong vấn đề kinh tế, thương mại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi sự ủng hộ và hành động của các nghị viện thành viên APPF trên các chức năng lập pháp, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế quốc gia; giám sát thực hiện, quyết định chính sách mới và ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau chuyển đổi thể chế, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, công nghệ số và nhiều hoạt động khác.

Bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, các bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho thấy tầm nhìn chiến lược, cần thiết phải thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của các nghị viện và của APPF trong nỗ lực phục hồi hậu đại dịch. Đồng thời, cũng mang tính bao trùm, dẫn đề, vừa thể hiện quan điểm của Quốc hội Việt Nam, vừa đề xuất các giải pháp toàn diện nhằm tăng cường vai trò của nghị viện các nước và APPF. Trong đó, những phân tích, nhận định và đề xuất mang tính xây dựng, cởi mở, hữu nghị, hợp tác.

Cùng với đó, các bài phát biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại hội nghị đã mang đến thông điệp và hình ảnh đất nước đoàn kết, kiên cường trước dịch bệnh cùng khát vọng vươn lên. Mặt khác, Việt Nam tiếp tục cho thấy đường lối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong ngoại giao nghị viện khu vực.

Quốc hội Việt Nam cũng cho thấy hành động, đổi mới, chủ động và trách nhiệm, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội về "Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương tới năm 2030" của APPF.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO