Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 12:16 GMT+7

Người “vẽ” Bác Hồ bằng gốm

Biên phòng - Trong sáng tác nghệ thuật, rất nhiều văn nghệ sĩ tâm huyết đã dành cả cuộc đời mình để thể hiện hình tượng Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc. Mỗi loại hình nghệ thuật có cách diễn tả riêng, nhưng tựu chung lại tất cả đều được tạo nên từ lòng biết ơn sâu sắc của giới nghệ sĩ đối với Bác. “Vẽ” tranh Bác Hồ bằng gốm ở Thái Bình hiện nay có họa sĩ Hoàng Công Tản.

mnt6_8a
Họa sĩ Hoàng Công Tản sáng tác tranh Bác Hồ bằng gốm. Ảnh: Lại Hợp Khánh

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Quốc khánh 2-9, chúng tôi lại đến thăm nhà họa sĩ Hoàng Công Tản trên đường Ngô Thì Nhậm (thành phố Thái Bình). Đến đây chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có một không hai ở Thái Bình, mà còn được ngắm những bức tranh nghệ thuật gốm về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ được ông treo trang trọng trong phòng khách, góc trưng bày, một số bức đang trong quá trình hoàn thiện được đặt trong xưởng.

Duyên nợ của họa sĩ Hoàng Công Tản với mỹ thuật bắt đầu từ hơn 40 năm về trước. Thuở ấy, chàng trai trẻ ở xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) vì yêu thích hội họa đã quyết tâm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp. Tại đây, anh được tìm hiểu khái niệm về dòng tranh sử dụng chất liệu men màu để tạo hình tác phẩm mà người ta vẫn quen gọi là thể loại tranh ghép gốm. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai trẻ kiên trì tìm hiểu và thực hành dòng tranh còn khá mới mẻ với đời sống mỹ thuật lúc bấy giờ. Trải qua bao năm công tác trong ngành nghệ thuật và ấp ủ đam mê muốn có phòng tranh bằng gốm sứ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, song đến năm 2014, sau khi về hưu, ông quyết định thực hiện bộ tranh chân dung Bác Hồ.

Họa sĩ Hoàng Công Tản cho biết: Việc vẽ tranh chân dung đã khó, tranh ghép gốm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng khó hơn. Làm thế nào để các mảnh gốm khi ghép lại với nhau có thể toát lên được thần thái của Bác quả thực không phải điều dễ dàng. Để có được những bức tranh ghép gốm ưng ý, họa sĩ đã phải bỏ ra không ít công sức trong quá trình thực hiện. Có lúc, ông phải lặn lội cả trăm cây số lên tận làng gốm Bát Tràng tìm màu gốm. Có khi đang đi trên đường, ngẫu nhiên nhìn thấy thứ mình cần thì cũng phải “lao” xuống nhặt lấy. Nếu bức tranh chưa hoàn thành thì hầu như lúc nào tâm trí ông cũng nghĩ về nó.

Ngoài chọn màu, để làm tranh ghép gốm, họa sĩ Hoàng Công Tản còn phải thực hiện rất nhiều thao tác khác từ scan ảnh lên khung, đúc khung xi măng đến gắn mạch gốm, lồng khung gỗ... hoàn thiện một bức tranh, sửa đi sửa lại cho ưng ý phải kéo dài hằng tháng trời. Tuy vậy, với họa sĩ Hoàng Công Tản, bằng tất cả lòng kính yêu, sự biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa bao giờ ông thấy nản lòng với công việc mà mình đang thực hiện. Qua những bức tranh vẽ Bác, ông mong muốn mọi người học tập những phẩm chất cao quý của Bác, hiểu hơn cuộc đời cách mạng vĩ đại và tấm lòng trong sáng của Bác để phấn đấu vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội.

Qua bao năm miệt mài sáng tác, đến nay, “gia tài” tranh ghép gốm của họa sĩ Hoàng Công Tản gồm 8 bức, trong đó có 2 bức tranh “Sửa thảm trên khung” và “Thổi thủy tinh” sáng tác từ những năm 80 của thế kỷ XX, 6 bức tranh về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thiện. Ông tâm sự: Mục tiêu của tôi đến năm 2020 sẽ hoàn thành bộ tranh ghép gốm đủ 20 bức về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số tướng lĩnh quê Thái Bình, trong đó, lấy hình tượng Bác Hồ qua các thời kỳ làm ý tưởng chủ đạo. Tất cả số tranh ấy tôi sẽ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh phục vụ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

Với sự tận tâm, tận lực thể hiện lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm của họa sĩ Hoàng Công Tản sẽ là kỷ vật thiêng liêng về cuộc đời cách mạng của Bác để lưu truyền cho thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Lại Hợp Khánh

Bình luận

ZALO