Biên phòng - Cuộc đàm phán kéo dài 5 năm tại Hội nghị Paris về Việt Nam (từ ngày 15-3-1968 đến 27-1-1973) là cuộc đấu tranh ngoại giao quyết liệt giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cuộc đàm phán này còn được đánh giá là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một Nhà nước cách mạng còn non trẻ. Theo nhận định của giới ngoại giao trong nước và quốc tế, thắng lợi của đàm phán Paris và Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn của một trí tuệ lớn - nhà ngoại giao xuất sắc Xuân Thủy. Ông là người vận dụng xuất sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Với tư cách Bộ trưởng, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) trong quá trình đàm phán với đại diện Chính phủ Mỹ và sau đó là Trưởng đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam, trong 5 năm đàm phán, qua rất nhiều lần trực tiếp đấu trí với đối phương, nhà ngoại giao Xuân Thủy đã góp phần rất to lớn vào thành công của phái đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị; buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam DCCH.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung
Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm (sinh ngày 2-9-1912, tại thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội; mất ngày 18-6-1985) xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Trước năm 1932, Xuân Thủy dạy học tư, viết báo, làm nông nghiệp. Năm 1932, ông được giác ngộ và tham gia tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Năm 1935, bị chính quyền thực dân theo dõi ráo riết, Xuân Thủy rời quê đến thị xã Phúc Yên làm cộng tác viên cho báo Trung Bắc Tân văn để dễ hoạt động, đồng thời mở hiệu thuốc Đông y để kiếm sống và che mắt bọn cầm quyền thuộc địa.
Trong những năm ở thị xã Phúc Yên (1935-1938), Xuân Thủy cùng một số bạn cùng chí hướng mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ và tổ chức những nhóm đọc sách báo tiến bộ, chống quan lại tham nhũng, chống sưu cao thuế nặng, đòi các quyền dân sinh dân chủ. Năm 1938, Xuân Thủy bị thực dân Pháp bắt ở Phúc Yên và bị kết án 4 tháng tù vì đã "tổ chức biểu tình chống thuế cư trú, phá rối trị an".
Hết hạn tù, ông bị chính quyền thực dân trục xuất khỏi Phúc Yên. Năm 1939, sau khi chiến tranh thế giới bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường đàn áp cách mạng, Xuân Thủy lại bị bắt và bị kết án 10 tháng tù, bị đày lên nhà tù Sơn La. Năm 1940, hết hạn tù, nhưng ông vẫn bị địch đưa đi an trí ở căng Bắc Mê, cách thị xã Hà Giang hơn 60km rồi sau đó đưa trở lại nhà tù Sơn La.
Năm 1941, Xuân Thủy được hai chiến sĩ cộng sản cùng bị giam trong tù là Tô Hiệu và Trần Huy Liệu giới thiệu vào Đảng và đặc biệt được công nhận ngay là đảng viên chính thức, sau đó được bầu vào Chi ủy và làm Ủy viên Thường vụ Chi ủy nhiều lần; được phân công làm chủ bút báo Suối Reo và chỉ đạo đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc.
Năm 1944, Xuân Thủy ra tù, bị đưa về quản thúc tại quê nhà, nhưng ông tìm mọi cách bắt liên lạc ngay với Xứ ủy Bắc Kỳ. Theo chỉ thị của Trung ương, ông trốn quản thúc, đi hoạt động bí mật và được Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ phụ trách báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền cổ động của Tổng bộ Việt Minh.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Xuân Thủy được cử vào Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc bộ, nhưng sau đó, thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng, Xuân Thủy cùng một số đồng chí khác rút khỏi Ủy ban nhân dân Cách mạng để nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức và được cử làm Trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh kiêm Chủ nhiệm và Chủ bút báo Cứu Quốc.
Nụ cười chiến thắng của người Việt Nam
Xuân Thủy khởi đầu sự nghiệp ngoại giao của mình ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ông đã nhiều lần tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, đàm phán với các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch nhằm bảo vệ những thành quả cách mạng của dân tộc, giải quyết việc thành lập Chính phủ Liên hiệp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, Xuân Thủy được Đảng trao trách nhiệm xây dựng công tác ngoại giao nhân dân. Ông là người có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển rộng rãi nền ngoại giao nhân dân nước ta, góp phần quan trọng vào việc vận động nhân dân thế giới ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chính nghĩa chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam.
Dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp ngoại giao của Xuân Thủy là thời kỳ từ năm 1968-1973, với tư cách Bộ trưởng, đại diện Chính phủ Việt Nam DCCH trong quá trình đàm phán với đại diện Chính phủ Mỹ và sau đó là Trưởng đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Gần 5 năm đàm phán, trong khi phía Mỹ phải thay trưởng đoàn đến 4 lần thì Xuân Thủy trước sau vẫn là Trưởng đoàn chính thức của Đoàn đàm phán Việt Nam DCCH. Ông có nụ cười rất đẹp, tự nhiên, ung dung, tự tại, có ý nghĩa sâu sắc bên trong, làm cho người mới tiếp xúc lần đầu có cảm tình ngay. Nụ cười đó đã thuyết phục các nhà báo thuộc mọi khuynh hướng.
Nói như nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin, Phó Trưởng đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị Paris: "Nụ cười đó, suy rộng ra, không phải là nụ cười của cá nhân Xuân Thủy, mà là nụ cười của cả nhân dân Việt Nam, khiến cho người dân Paris khó tính nhưng rất có tình người, tự đặt cho mình câu hỏi: "Phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ vì chiến tranh, làm sao người Việt Nam còn cười được?"".
Nhà ngoại giao xuất sắc và toàn diện
Trong hoạt động đối ngoại, một trong các yêu cầu hàng đầu là phải có khả năng đối đáp sắc bén, kịp thời, súc tích và nếu có thể dí dỏm càng hiệu quả. Báo chí Pháp đã từng thuật lại một cuộc đối thoại ngoài lề Hội nghị Paris giữa Xuân Thủy và Đại sứ Hariman, Trưởng đoàn Mỹ. Hariman đã có tuổi, nhiều kinh nghiệm đàm phán và rất am hiểu về chủ nghĩa cộng sản cũng như các nước xã hội chủ nghĩa.
Một hôm, vào giờ nghỉ giữa phiên họp và cùng ngồi uống cà phê, tuy biết Hariman thường phải dùng máy nghe trong cuộc họp, nhưng Xuân Thủy vẫn hỏi: "Ông phải dùng đến máy nghe ư?". Hariman đáp: "Tôi hơi bị nặng tai, mấy năm nay phải nhờ đến dụng cụ này mới nghe được những gì người khác nói". Xuân Thủy chợt phá lên cười và nói: "À, thế thì tôi hiểu rồi, hóa ra suốt mấy tháng nay, chúng tôi chỉ yêu cầu một điều là Mỹ chấm dứt ném bom ở miền Bắc, vậy mà ông vẫn không nghe ra".
Nghe Xuân Thủy nói thế, Hariman cũng phải phì cười và thú thật chính ông ta cũng đã đề nghị chấm dứt ném bom, nhưng Tổng thống Mỹ Johnson không chịu. Có lẽ, ngoài mục đích phá hoại miền Bắc, chính quyền Mỹ còn theo đuổi các ý đồ khác mà ông ta chưa thể biết được.
Với những đóng góp to lớn của mình cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Bộ trưởng Xuân Thủy đã được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác của Nhà nước ta và nhiều nước bè bạn trên thế giới. Từ đầu năm 1988, tên ông cũng đã được đặt cho một đường phố lớn của Thủ đô Hà Nội, thuộc quận Cầu Giấy, cũng là con đường dẫn về quê hương của nhà ngoại giao xuất sắc để ghi nhận những cống hiến to lớn của ông đối với đất nước.
Báo chí Pháp cũng từng thuật lại câu chuyện trong cuộc đón Xuân Thủy vừa bước xuống sân bay trở lại Pháp tham dự Hội nghị Paris sau một chuyến về Hà Nội công tác. Lúc bấy giờ có một nhà báo đột ngột hỏi: "Thưa ông, ông nghĩ gì về váy mi-ni?" (váy cực ngắn đang thịnh hành ở các nước phương Tây hồi đó). Dụng ý của nhà báo này là thử xem ra khỏi lĩnh vực chính trị và ngoại giao, đi vào một vấn đề cụ thể của đời sống ở nước ngoài Việt Nam thì vị Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam DCCH sẽ ứng xử ra sao? Xuân Thủy chỉ suy nghĩ ít giây rồi đáp lại với nụ cười hóm hỉnh: "Tôi nghĩ nó không thể ngắn hơn...". Lời đáp tuyệt vời đó đã khiến cho tất cả các nhà báo có mặt ở sân bay đều bật cười, thú vị, kính nể tài đối đáp bậc thầy của Xuân Thủy và càng có cảm tình với đất nước, con người Việt Nam.
Gần 5 năm với rất nhiều lần trực tiếp đàm phán với đối phương (cả bí mật và công khai), Xuân Thủy đã góp phần rất to lớn vào việc buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam DCCH.
Bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam và trước sự phản đối cùng sức ép ngày càng tăng của nhân dân trong nước và thế giới, cuối cùng chính quyền Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam (năm 1973); buộc phải rút hết, rút không điều kiện quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi Việt Nam; buộc Mỹ tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thắng lợi này đã tạo tiền đề cho Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nguyễn Đình Hùng