Biên phòng - Nghệ nhân Ưu tú Ksor Krôh (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) nói rằng: Nghề tạc tượng đến với ông như cái duyên, cái nợ, nên đã gần 70 tuổi, ông vẫn còn đủ sức khỏe để đẽo đục, thổi hồn cho tượng gỗ. Cũng bởi yêu nghề, ông đã tìm cách kêu gọi rất nhiều thế hệ trên địa bàn xã học tạc tượng, với hi vọng giữ gìn và phát huy nghề tạc tượng truyền thống.

Người thổi hồn tượng gỗ
Chúng tôi tìm về nhà nghệ nhân Ksor Krôh (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) khi nắng chiều đã nhuộm vàng khắp khoảng sân nhà. Dưới tán cây, nghệ nhân Ksor Krôh vẫn miệt mài chạm trổ từng đường nét trên một bức tượng gỗ. Xung quanh ông là những đứa trẻ thích chí, tò mò ngồi xem cách ông “biến hóa” khúc gỗ vô tri, vô giác thành một tác phẩm nghệ thuật thể hiện được những cảm xúc vui, buồn.
Nghệ nhân Ksor Krôh đã gần 70 tuổi, nhưng thoạt nhìn, cái khí chất của người Tây Nguyên khỏe khoắn, mạnh mẽ ấy vẫn ẩn hiện trong ông. Chia sẻ về cái duyên đến với tạc tượng truyền thống, nghệ nhân Ksor Krôh cho biết: “Tượng gỗ là một nét văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên. Nó gắn liền với nhà mồ và cũng như là món quà của người sống gửi đến người ở cõi A Tâu. Vì vậy, bao đời nay, người dân làng đều tạc tượng để ở nhà mồ, với hi vọng tượng gỗ sẽ thay người sống đồng hành cùng người chết ở một thế giới khác. Hiểu được giá trị văn hóa của nhà mồ, năm 15 tuổi, mình đã theo chân những bậc cha ông trong làng để học theo”.
“Nghề tạc tượng gỗ yêu cầu người tạc phải có trí óc sáng tạo, hình dung được những đường nét mình sẽ khắc họa. Bằng những dụng cụ thô sơ như rìu, rựa, dao và 1 viên phấn, người nghệ nhân sẽ khắc họa những khối hình, sau đó sẽ từng bước đẽo đục, chạm trổ lên khúc gỗ. Tùy vào ý đồ của nghệ nhân mà tượng gỗ sẽ mang nhiều sắc thái, hình hài khác nhau như buồn, vui, âu lo, nhớ thương...” - nghệ nhân Ksor Krôh chia sẻ thêm.
Tượng gỗ của người dân tộc Tây Nguyên thường thấy như mẹ cõng con, người đàn bà ôm mặt buồn, người đàn bà ôm trái bầu khô, người đàn bà giã gạo, hình ảnh con chim... Đây hầu hết là những hình ảnh thường thấy trong đời sống hằng ngày, được các nghệ nhân khắc họa, thổi vào đấy những buồn, vui, mà bất cứ ai nhìn vào đều cảm nhận được.
Gắn bó với nghề tạc tượng cũng đã lâu, nhưng nghệ nhân Ksor Krôh vẫn đánh giá nghề tạc tượng là một nghề khá khó học. Ai yêu nghề thì mới có thể gắn bó và theo đến lâu dài, vì nghề này mất rất nhiều thời gian, trong khi thù lao lại thấp. Ngoài ra, nghề tạc tượng yêu cầu nghệ nhân phải tỉ mỉ, cần cù, chịu khó và phải hình dung ra được những gì mình hướng đến thì mới mang lại một tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Theo lời ông Ksor Krôh, hiện nay, tượng gỗ của người Gia Rai có ba loại chính: Tượng nhà mồ, tượng nhà rông, tượng nhà sàn. Tùy vào ý đồ đặt tượng ở đâu thì nghệ nhân sẽ làm ra những tác phẩm phù hợp. Trong số những bức tượng nhà mồ, hình tượng được ông tạc nhiều là hình người ngồi ôm mặt trong dáng vẻ buồn bã, loại tượng hình người mẹ địu con trên lưng hoặc bế con trên tay, hay hình chim thú, thể hiện đời sống gắn với thiên nhiên của đồng bào Tây Nguyên.
Sự tài hoa của người nghệ nhân đều được thể hiện rõ trên các bức tượng gỗ khiến người xem không khỏi khâm phục. Vì thế, ở xã Ia Ka, người làng có nhu cầu tạc tượng thì đều đến nhà nghệ nhân Ksor Krôh để đặt làm. Họ sẽ trả chi phí cho ông, nhờ vậy, ông cũng có thêm chút đồng ra, đồng vào trang trải cho cuộc sống.
Bậc thầy của làng
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, văn hóa Tây Nguyên nói chung và tạc tượng nói riêng cũng đứng trước nguy cơ mai một. Những người già kéo nhau về với cõi A Tâu, người trẻ ở lại thì không mấy mặn mà với nghề truyền thống. Vì vậy, thời gian qua, để giúp người làng thêm yêu văn hóa của dân tộc, nghệ nhân Ksor Krôh đã từng bước khẳng định mình, khẳng định vị thế của tượng gỗ trong đời sống hiện đại để kêu gọi người dân trong làng học nghề tạc tượng nhằm giữ gìn văn hóa dân tộc.

Học nghề tạc tượng gỗ đã nhiều năm nay, ông Ksor Ek, xã Ia Ka cho biết: “Tôi yêu thích và hiểu rõ ý nghĩa của tượng gỗ dân gian trong đời sống người dân tộc Tây Nguyên, tuy nhiên, tôi chưa có điều kiện theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Thời gian qua, được nghệ nhân Ksor Krôh “truyền lửa” đam mê, tôi quyết tâm học tạc tượng gỗ dân gian, vừa để giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa có thêm thu nhập cho gia đình”.
“Mỗi bức tượng, nếu dành nhiều thời gian làm thì cũng phải mất khoảng 3-5 ngày. Nghề này mới học thì thấy khó, nhưng làm nhiều rồi cũng thành quen. Năm nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng tôi ít việc hơn. Nhiều năm trước, các nhà hàng, quán ăn mở ra đều đặt chúng tôi tạc tượng. Và đặc biệt, khi đến lễ Pơ Thi vào tháng 3 hằng năm, người làng và du khách đặt tạc cũng rất đông” - ông Ksor Ek thông tin thêm.
Hiện nay, tính riêng trong xã Ia Ka, nghệ nhân Ksor Krôh đã đào tạo được hơn 10 “học trò”. “Sợ dân làng không muốn học, chứ ai muốn học thì cứ đến nhà mình. Mình dạy miễn phí. Sau này, nếu có nhiều đơn đặt hàng thì mình chia sẻ cho họ, để họ có thêm thu nhập” - nghệ nhân Ksor Krôh chia sẻ thêm.
Không chỉ giỏi tạc tượng, nghệ nhân Ksor Krôh còn được Yàng phú cho đôi tay tài hoa. Hiện nay, ông nắm rất nhiều các lễ nghi, phong tục của người Gia Rai. Ông còn giỏi đan lát, đánh cồng chiêng, làm nhà sàn, nhà rông truyền thống, thành thạo chơi và chế tác một số nhạc cụ dân tộc. “Sinh ra bên tiếng chiêng, điệu xoang và hương men rượu cần bên mái nhà rông, nên mình yêu tất cả văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Tuy nhiên, hơn nửa cuộc đời mình lại muốn gắn bó và dành trọn cho nghệ thuật tạc tượng và muốn giữ gìn, phát huy nghề này” - nghệ nhân Ksor Krôh trải lòng.
Với những tài năng của mình, năm 2019, nghệ nhân Ksor Krôh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực tri thức dân gian. Ông cũng được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Gia Rai.
Thùy Dung