Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 01:28 GMT+7

Người thợ hàn “đa-zi-năng” của Trạm miền Trung

Biên phòng - Không chỉ là một kỹ thuật viên hàn giỏi của Trạm miền Trung, Công ty TNHH MTV đóng tàu Sơn Hải (Cục Kỹ thuật BĐBP), Đại úy Lê Văn Trường còn được biết đến là người có nhiều phương pháp cải tiến trong công việc. Những sáng kiến rút ra từ thực tiễn công tác của anh đã giúp tiết kiệm được nguyên vật liệu, nhân công và rút ngắn thời gian hoàn thành công việc, bàn giao phương tiện đúng tiến độ.

Đại úy Lê Văn Trường trao đổi với Thiếu tá Ngô Đình Thành về ý tưởng cải tiến lắp đặt giá chữ nhân hệ trục chân vịt. Ảnh: Trúc Hà

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Công nghiệp Hải Phòng, chàng trai Lê Văn Trường được tuyển dụng vào Xí nghiệp Nam Sơn - Công ty Sơn Hải (nay là Công ty TNHH MTV đóng tàu Sơn Hải). Tuổi trẻ và sự đam mê với nghề khiến anh không ngần ngại việc xa nhà, xung phong vào nhận công tác tại Trạm miền Trung. Hơn 20 năm gắn bó, công tác tại một đơn vị đặc thù, thế nhưng, bản thân anh dù ở hoàn cảnh, cương vị công tác nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, Trạm miền Trung luôn là một trong những đơn vị hoạt động có hiệu quả với việc hoàn thành khối lượng công việc lớn, đảm chất lượng, tiến độ cũng như an toàn lao động. Năm 2021, Trạm miền Trung đã sửa chữa 30 phương tiện cho BĐBP các tỉnh khu vực miền Trung. Điều này đồng nghĩa với việc đơn vị phải xử lý khối công việc “khủng” trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhân lực có hạn, cơ sở vật chất còn hạn chế. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, Đại úy Trường đã cùng với các đồng nghiệp lấy đây là động lực để cố gắng và không ngần ngại cùng nhau tăng ca. Để đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn lao động, lãnh đạo trạm chỉ yêu cầu lao động làm việc tới 22 giờ, tuy nhiên, có những lúc “say việc”, anh và các đồng nghiệp nhìn lên thì đồng hồ đã báo bước sang ngày mới.

Những lúc như thế này, mọi người lại thấy giá trị của những cải tiến, sáng tạo của Đại úy Lê Văn Trường. Trước đây, nhiều công đoạn trong sửa chữa phải làm bằng phương pháp thủ công do chưa có nhiều công cụ, thiết bị hỗ trợ. Điều này ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành cũng như đòi hỏi phải có nhiều nhân công, trong khi chất lượng đôi khi không được như ý muốn. Là thợ lâu năm và yêu nghề nên trong công việc hàng ngày, Đại úy Lê Văn Trường thường tự rút ra nhiều kinh nghiệm để từ đó có những cải tiến hiệu quả và được đồng chí, đồng đội đánh giá rất cao. Anh chính là người đã nghĩ ra phương pháp cải tiến việc lắp đặt bạc chân vịt cho các loại tàu.

Trước đây, việc lắp đặt bạc chân vịt chủ yếu làm bằng tay, để đưa bạc chân vịt ra khỏi vị trí thay thế, người thợ phải dùng búa và phương pháp thủ công nên cần tới 8 người với thời gian 5 ngày. Qua nhiều lần làm và nghiên cứu, Đại úy Lê Văn Trường đã đề nghị dùng kích thủy lực nén để rút được bạc chân vịt ra khỏi vị trí cần thay thế. Việc đổi mới này đã giúp thời gian còn 1 ngày và chỉ cần 2 lao động (1 người đứng dùng kích, một người tháo) mà vẫn đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Thiếu tá Ngô Đình Thành, kỹ sư vỏ tàu của Trạm miền Trung có nhiều năm công tác cùng Đại úy Lê Văn Trường lại tâm đắc với phương pháp cải tiến lắp đặt càng giá chữ nhân hệ trục chân vịt để đỡ trục chân vịt khi tàu hoạt động của anh. Trước đây, khi hàn giá chữ nhân rất khó vì dễ co, cong, biến dạng, thế nên thợ hàn phải dùng đế kê để cố định giá, đồng thời đòi hỏi kỹ thuật hàn phải cao và rất mất thời gian. Đại úy Lê Văn Trường đã nghĩ ra việc chế tạo ra bộ giá treo giúp người thợ dễ dàng hơn trong việc tăng, chỉnh độ co ngót khi hàn. Anh nói ý tưởng của mình với Thiếu tá Ngô Đình Thành, thấy có lý nên họ đã thử nghiệm và “thành công ngoài mong đợi”. Cải tiến này giúp thời gian hàn giá đỡ trục chân vịt chỉ còn 1,5 ngày, số lượng người cũng chỉ cần một nửa, nhưng độ chính xác lại cao hơn. Điều khiến mọi người nể phục hơn là bộ giá treo rất hiệu quả nhưng chỉ đơn giản được làm bằng thép hình và giá thành rất rẻ.

Là kỹ thuật viên hàn, nhưng Đại úy Lê Văn Trường vẫn thành thục các kỹ thuật cắt hay những phần việc thuộc phần máy. Ảnh: Trúc Hà

Từ các sáng kiến của Đại úy Lê Văn Trường, có thể thấy, mặc dù là kỹ thuật viên hàn, thế nhưng anh lại rất “đa-zi-năng” trong công việc. Anh có thể thuần thục với việc cân chỉnh trục chân vịt, cân chỉnh chân máy - đây là chuyên môn của phần hệ động lực. Để làm được như vậy là nhờ anh luôn tự học hỏi, nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn, từ đó, đưa ra giải pháp kỹ thuật tốt nhất để hoàn thành công việc một cách nhanh nhất, đạt hiệu quả về chất lượng sản phẩm cả về yếu tố chất lượng cũng như thẩm mỹ.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, Đại úy Lê Văn Trường cho biết: Bên cạnh việc giữ cho mình một lối sống hòa đồng, giản dị, gần gũi với đồng chí, đồng đội trong trạm, tôi còn sẵn sàng tiếp thu ý kiến của mọi người để khắc phục khuyết điểm của bản thân. Dù là thợ hàn lâu năm, có tay nghề, nhưng tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp của “thợ mới”, bởi tôi nghĩ, theo thời gian, phương pháp hàn đã có nhiều thay đổi, ngày càng mới, tiến bộ hơn. Khi làm việc cùng các thợ hàn, thợ máy của Xí nghiệp X50 (Tổng công ty Sông Thu, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), tôi cũng không ngại ngần học hỏi thêm kỹ thuật mới để hoàn thiện, nâng cao tay nghề hơn nữa…

Trạm miền Trung không chỉ bảo dưỡng, sửa chữa cho các tàu thuyền tại xưởng, mà còn cơ động làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đại úy Lê Văn Trường không ít lần xung phong đi làm nhiệm vụ và có những kỷ niệm khó quên. Đó là lần anh đi từ thành phố Đà Nẵng ra Đồn Biên phòng Vinh Hiền, BĐBP Thừa Thiên Huế để khắc phục sự cố cho chiếc xuồng ST750 của đơn vị bị thủng vách đuôi nên phải “nằm bờ”, anh không ngần ngại vác máy hàn đi bộ cả giờ đồng hồ trên cát. Không có xe cẩu, anh cùng bà con dùng sức người đưa xuồng lên bờ rồi hàn vách, bắt vít cố định. Mặc dù phải hàn nhôm trong điều kiện gió to, nhưng Đại úy Lê Văn Trường vẫn cẩn thận, tỉ mỉ với từng mối hàn. Thực ra, đối với Đại úy Lê Văn Trường, việc sửa chữa tàu không chỉ cần chất lượng, mà còn phải đảm bảo tính thẩm mỹ. Và chính đức tính cẩn thận, trách nhiệm với công việc của anh khiến mọi người lại càng nể trọng.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO