Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 04:44 GMT+7

Người tâm huyết với văn hóa dân tộc thiểu số

Biên phòng - Là người dân tộc Lô Lô, Tiến sĩ Lò Giàng Páo đã có gần 40 năm nghiên cứu, công tác trong lĩnh vực dân tộc ở các cơ quan: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc; Viện Nghiên cứu chính sách dân tộc… Đặc biệt, trên cương vị Phó Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc, ông đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Ủy ban Dân tộc ban hành nhiều chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững.

pl4r_8a
Tiến sĩ Lò Giàng Páo. Ảnh: Ngô Khiêm

Lò Giàng Páo sinh năm 1956 trong gia đình bần nông, có bố là cán bộ. Hồi ấy, ở trên cao nguyên đá Sảng Pả cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, người dân không mặn mà với “cái chữ” lắm, nên việc Páo đi học như một “hiện tượng” của bản. Ngày ấy, Lò Giàng Páo không những phải vượt qua đói nghèo, thiếu thốn, biết bao cung đường núi rừng hiểm trở, mà còn phải vượt qua chính những hủ tục đã ăn sâu vào trong máu của người dân quê nhà để đến trường. Đó quả thật là điều không dễ dàng. Nhưng, với tâm lý được đi học là thoát khỏi cái “âm u tù hãm” ở quê, Lò Giàng Páo quyết tâm rèn luyện, sau đó lên tỉnh học rồi tiếp tục học ở trường dành cho học sinh vùng cao Khu tự trị Việt Bắc, tại tỉnh Thái Nguyên.

Sau nhiều năm đèn sách, Lò Giàng Páo thi đỗ vào Khoa Lịch sử, Trường Đại Tổng hợp Hà Nội. Ngày ấy, tuy được bố đồng ý cho đi học, nhưng mẹ của Lò Giàng Páo chỉ muốn cậu ở nhà làm nông nghiệp rồi lấy vợ sinh con như bao chàng trai khác trong bản. Vì trước đó, trong một dịp nghỉ hè, cậu đã được bố mẹ và họ hàng dạm hỏi cho một cô gái Lô Lô nết na, xinh đẹp sống ở cùng bản. Lễ vật sắm đầy đủ rồi, nhưng cậu nhờ ông chú công tác ở huyện nói với bố mẹ cho cậu đi học tiếp. Bố mẹ cậu đồng ý cho cậu học xong lớp 10 sẽ về xây dựng gia đình. Những người bạn cùng lứa đã yên bề gia thất, nên bố mẹ Páo rất sốt ruột cho con. Nhưng lần này thì khác, không còn lý do gì để từ chối, chỉ còn mấy tiếng nữa thôi, ông bà mối và lễ vật ăn hỏi đều đã chuẩn bị xong. Chờ đến sáng là mọi việc sẽ được tiến hành theo lệ tục, ăn hỏi xong tức là có vợ. Cả đêm đó, Lò Giàng Páo không ngủ, rồi một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu cậu như một lối thoát duy nhất. Lò Giàng Páo bật dậy, lặng lẽ ra vườn rồi theo con đường mòn trong đêm tốichạy đi như một sự trốn tránh với hủ tục quê mình.

Sau khi ra trường, Lò Giàng Páo tìm cách mưu sinh bằng chữ nghĩa. Người Lô Lô đầu tiên xuống phố như ông, viết để kiếm sống, không có gì hơn bằng cách khai thác chính những phong tục tập quán của dân tộc mình, quê mình. Lần đầu tiên Lò Giàng Páo chắp bút, viết một mạch 200 trang tập sách “Truyện cổ Lô Lô” và được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc nhận in ngay. Có thể nói, tập sách đã gây được tiếng vang lớn trong giới văn chương nghệ thuật thời bấy giờ. Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, Lò Giàng Páo tâm sự: “May mắn khi còn nhỏ, tôi được nghe các cụ kể rất nhiều những câu chuyện truyền miệng. Tôi say sưa nghe đi nghe lại rất nhiều lần các cốt truyện, tất cả như ngấm vào máu thịt. Sau này, những chuyến trở về quê hương, tôi có sưu tầm, ghi chép lại và biên soạn thành cuốn truyện đó. Tôi coi đây là một sự đóng góp nhỏ bé cho kho tàng văn hóa các dân tộc, đặc biệt là đồng bào mình”.

Sau này, trên những cương vị công tác khác nhau, ông Lò Giàng Páo còn dày công nghiên cứu nhiều công trình khoa học bài bản, công phu của dân tộc Lô Lô và nhiều dân tộc anh em khác ở vùng núi phía Bắc như: “Dân ca Lô Lô” (Lox Mi Pho); “Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang”; “Hoa văn trên trống đồng người Lô Lô”; “Tìm hiểu văn hóa vùng các dân tộc thiểu số”; “Văn hóa và sự phát triển các dân tộc”; “Dân ca trong lễ hội dân tộc Lô Lô”, “Điều tra, đánh giá tăng trưởng và giảm nghèo một số vùng các dân tộc thiểu số phía Bắc”... Trong đó, có 3 công trình được giải Nhì và một công trình đoạt giải Ba của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Với uy tín của mình trong lĩnh vực nghiên cứu dân tộc, năm 1998, ông Lò Giàng Páo được kết nạp vào Hội Khoa học Công nghệ Quốc tế về Dân tộc tại Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc). Từ đó đến nay, các cuộc hội thảo quốc tế về dân tộc, ông đều được mời đi dự và trình bày tham luận. Đó là dịp để ông có cơ hội được giới thiệu với các nhà khoa học quốc tế hiểu thêm về văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng, đậm đà bản sắc. Năm 2010, ông được Đại học Dân tộc Quảng Tây phong học hàm Giáo sư danh dự. Hằng năm, ông vẫn sang giảng bài tại Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây và một số viện nghiên cứu ở Quảng Tây và một số địa phương khác ở Trung Quốc như: Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam...

Kể từ năm 2016, sau khi được nghỉ hưu ông lại bận rộn với những chuyến đi xa nhà, gần thì lên những vùng dân tộc thiểu số, xa thì đến những hội nghị, hội thảo ở nước ngoài, bởi hiện nay, ông vẫn giữ cương vị là Ủy viên Hội đồng tư vấn về dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Để ghi nhận những cống hiến của Tiến sĩ Lò Giàng Páo trong lĩnh vực nghiên cứu dân tộc, ông đã tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017 do Ủy ban Dân tộc tổ chức và được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến nhân dịp kỷ niệm tròn 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948- 11/6/2018) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO