Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 07:05 GMT+7

Người sĩ quan trẻ nặng lòng với đồng bào, biên giới

Biên phòng - Trong lòng nhiều người dân tộc thiểu số ở các xã biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế như người con, người em thân thương trong gia đình hơn là một sĩ quan Biên phòng. Gần gũi và thấu hiểu, những việc làm của anh luôn hướng về đồng bào, những mảnh đời còn khó khăn cần được giúp đỡ.

Trung úy Phạm Thái Sơn làm “shipper” bán chổi cho vợ chồng ông Quỳnh Xăng, bà Căn Thiết. Ảnh: Trúc Hà

Nặng lòng với đồng bào, biên giới

Trước khi gặp Trung úy Phạm Thái Sơn, chúng tôi đã được nghe Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Thừa Thiên Huế giới thiệu: “Trung úy Phạm Thái Sơn là một sĩ quan trẻ năng nổ. Dù mới ra trường, nhưng Phạm Thái Sơn đã thể hiện tốt năng lực trên cương vị là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng. Là người nhiệt huyết, thực hiện nhiều mô hình tốt, anh được đơn vị tin tưởng, tín nhiệm cao và nhân dân yêu quý. Thật vui mừng vì có những cán bộ nặng lòng với nhân dân, với biên giới như thế”.

Dù thời gian công tác chưa lâu, nhưng Trung úy Phạm Thái Sơn đã mạnh dạn đề xuất không ít mô hình chăm lo cho người nghèo trên địa bàn và được thực hiện thành công khiến nhiều người thêm tin yêu. Tháng 6-2021, khi vừa nhận công tác ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, anh đã có ý tưởng dựng chòi du lịch tại suối A Lin (xã Trung Sơn) để lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Biết ý tưởng nhân văn này, Thiếu tá Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn; Thượng úy Hồ Văn Thảo, Đội trưởng Đội Trinh sát; Thượng úy Nguyễn Minh Khánh Vũ, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm đã ủng hộ bằng cách nhất trí góp tiền, góp sức để làm chòi du lịch “Tình quân dân”. Tết Nguyên đán vừa qua, với số tiền thu được, Trung úy Phạm Thái Sơn đã cùng mọi người mua quà và tặng cho 3 hộ nghèo trên địa bàn.

Những lần đi địa bàn, Trung úy Phạm Thái Sơn luôn trăn trở khi gặp các cụ già neo đơn. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh đã đề xuất với chỉ huy đơn vị thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương”. Theo đó, mỗi bữa ăn, bộ phận nuôi quân sẽ bớt 2 bát gạo vào chum đặt ở góc bếp. Cứ ngày 20 hàng tháng, Đội Vận động quần chúng sẽ lấy gạo chia làm 2 để đến tặng cho bà Căn Plih (thôn Kêr, xã Hồng Vân, huyện A Lưới) và bà Căn Khiêng (thôn Tru Pỉ, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới). Bà Căn Plih, 81 tuổi, 2 năm nay chỉ nằm một chỗ. Người con trai nuôi cũng ốm đau thường xuyên nên tiền đi vác tràm thuê cũng chỉ đủ rau cháo qua ngày. Bà Căn Khiêng có một người con nuôi từ nhỏ, nhưng sau khi lập gia đình, anh này đã đưa vợ con vào thành phố Đà Nẵng sinh sống, thế nên ở tuổi 85 nhưng bà Căn Khiêng phải sống cảnh neo đơn. Bởi vậy mà những phần gạo của người lính Biên phòng trở nên vô cùng giá trị với bà Căn Khiêng và Căn Plih.

Người “xây niềm tin”

Tôi theo chân Trung úy Phạm Thái Sơn đến thăm gia đình ông Quỳnh Xăng (80 tuổi, sống tại thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân). Vừa thấy Trung úy Sơn, ông ôm chầm lấy anh, hỏi: “Mấy hôm nay, con đi đâu, bố mẹ nhớ con quá”. Trung úy Sơn ân cần đỡ ông rồi kể, tuần vừa rồi, anh cùng thanh niên đi tuyên truyền lưu động phòng, chống dịch Covid-19 nên chưa đến thăm vợ chồng ông được. Bà Căn Thiết (vợ ông Xăng) thì cứ mân mê bàn tay anh, hỏi chuyện: “Sao dạo này con gầy thế? Điện thoại hư, mẹ tính bán chổi đót được ít tiền sẽ mua cái điện thoại để gọi hỏi thăm con”. Nghe câu chuyện xung quanh cây chổi đót, tôi mới biết, vì thương hoàn cảnh tuổi xế chiều nhưng phải lao động để nuôi đứa con trai bị nhiễm chất độc da cam, Trung úy Sơn trở thành “shipper” để giúp vợ chồng ông bán chổi nhanh hơn, nhiều hơn. Có những đơn hàng xa, Sơn chẳng nề hà mà cứ thế lỉnh kỉnh buộc lên xe máy rồi đi giao chổi cho khách.

Tiền thu được từ chòi du lịch “Tình quân dân”, những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân mua nhu yếu phẩm tặng cho người nghèo trên địa bàn. Ảnh: Trúc Hà

Cũng bởi lối sống chân thành mà Trung úy Phạm Thái Sơn đã nhận được sự tin yêu của rất nhiều người. Thời gian anh còn công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cũng là lúc Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện chính quy hóa các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo đời sống sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ trong trận chiến chống dịch lâu dài. Thực tế, các vị trí dựng chốt của đơn vị đều nằm trên đất sản xuất của người dân nên phải vận động người dân cho mượn. Việc chống dịch là cấp thiết, nhưng không phải ai cũng đồng ý ngay. Trung úy Phạm Thái Sơn được cấp trên giao nhiệm vụ vận động vợ chồng chị A Rất Thị Nhị và anh Hồ Văn Tét (thôn A Tin, xã Lâm Đớt) cho mượn đất để kiên cố hóa chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 4, vì trước đó vợ chồng chị kiên quyết không chấp thuận với lý do: Đến bao giờ mới hết dịch, rồi đất đã bê tông hóa làm sao sản xuất?

Lần đầu, anh tìm đến nhà nói chuyện thì chị Nhị gạt phắt: “Đến xin mượn đất à, chị không đồng ý đâu, em về đi”. Thế nhưng, khi nhà chị Nhị đào ao thả cá, anh cùng các chiến sĩ đến góp ngày công. Thấy cậu con trai 6 tuổi học bài, Sơn kéo ghế ngồi cạnh bày cách; cháu thiếu sữa, anh mua mang đến, rồi cả tấm chăn bộ đội mới tinh, anh cũng mang tặng cho cháu... Chị Nhị không thấy bộ đội đả động đến chuyện mượn đất lại thấy sốt ruột, ướm hỏi. Trung úy Sơn bảo: “Nếu chị không chấp thuận thì những ngày sau, em vẫn đến để kèm cặp cho con trai chị học hành”. Chị Nhị nghe vậy bật khóc: “Vợ chồng chị đồng ý vì em sống thật cái bụng. Chị sai rồi vì chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình”. Thấy chị Nhị khóc, Trung úy Sơn cũng rưng rưng. Đó là cảm giác hạnh phúc mà anh không bao giờ quên, bởi đó là sự tin yêu của nhân dân dành cho những người lính quân hàm xanh.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO