Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Người sĩ quan trẻ đam mê sáng tạo

Biên phòng - Được mệnh danh là dụng cụ “nhanh và an toàn” bởi chính sự ưu việt của nó: Giờ đây, việc tháo lắp đạn của súng tiểu liên AK không tốn thời gian như trước đó khi chỉ mất 40 giây. Đây được coi là thành công lớn của dụng cụ tháo lắp đạn 7,62mm K56 cho băng đạn AK mà Đại úy Đậu Phương Hoàng, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật BĐBP Đắk Lắk sáng chế.

stw0_3a
Đại úy Đậu Phương Hoàng (giữa) hướng dẫn nhân viên quân khí sử dụng dụng cụ tháo lắp đạn 7,62mm K56 cho băng đạn AK. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lân

Sau khi tốt nghiệp tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, năm 2010, chàng sĩ quan trẻ Đậu Phương Hoàng về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk trên cương vị Trợ lý quân khí, với nhiệm vụ tham mưu cho Phòng Kỹ thuật và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh về công tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Đậu Phương Hoàng chia sẻ: Ở các đồn Biên phòng hiện nay, vũ khí và đạn mà chủ yếu là đạn 7,62mm K56 thường được lắp trong hộp tiếp đạn AK. Có một thực tế là việc lắp đạn trong băng thường xuyên sẽ làm lò xo băng đạn có độ co giãn không ổn định, ảnh hưởng việc tiếp, đẩy đạn lên buồng đạn, dẫn đến giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của VKTBKT khi có tình huống xảy ra. Vì vậy, việc đảo đạn trong băng đạn phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đòi hỏi phải có dụng cụ tháo, lắp đạn nhanh, tiết kiệm thời gian của bộ đội. Điều đó đã thôi thúc tôi hình thành sáng kiến dụng cụ này.

Với vốn kiến thức cơ bản và kinh nghiệm từ thực tiễn tại các đơn vị, Đậu Phương Hoàng bắt tay vào nghiên cứu. Sau nhiều lần tìm tòi, lên bản vẽ, vào tháng 5-2017, sản phẩm đầu tiên của anh đã được ra mắt. Nguyên liệu anh lựa chọn là gỗ và sử dụng công nghệ cắt CNC (điều khiển bằng máy tính) để bảo đảm yếu tố chính xác cao, tuyệt đối an toàn, vận hành ổn định... Tuy nhiên, từ ý tưởng để hình thành sản phẩm không đơn giản, sản phẩm gặp phải khó khăn trong quá trình vận hành...

Thất bại với sản phẩm đầu tiên đó, Đậu Phương Hoàng quyết tâm khắc phục để làm cho bằng được. 2 tháng sau, mô hình thứ 2 của anh hình thành, tuy đã khắc phục những hạn chế của sản phẩm đầu tiên, nhưng khó khăn lần này là việc tháo đạn từ băng đạn. Với nỗ lực và quyết tâm của người sĩ quan trẻ, sau gần 1 năm miệt mài nghiên cứu, mô hình của anh đã hoàn chỉnh, được lãnh đạo BĐBP Đắk Lắk và các cơ quan chuyên môn đánh giá cao, đồng thời đưa vào áp dụng hiệu quả trong các đơn vị của BĐBP tỉnh.

Thay vì cần nhiều người và tốn thời gian khi tháo, lắp và đảo đạn trong huấn luyện, phục vụ sẵn sàng chiến đấu thì giờ đây, một người có thể đảm nhận tháo, lắp và đảo đạn cho 1 trung đội bộ binh (từ 27-30 người).

Đầu năm 2019, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng đã cấp Giấy chứng nhận sáng kiến cho Đại úy Đậu Phương Hoàng và đánh giá đây là một trong những sáng kiến có tính thực tiễn cao, hiệu quả, có thể triển khai áp dụng ở nhiều đơn vị trong toàn quân.

Đại úy Hoàng cho biết, thời gian tới sẽ cải tiến mô hình hiện tại bằng cách thay thế nguyên vật liệu từ gỗ sang composite nhằm tăng độ bền cơ học, chịu nhiệt, chịu ma sát và trọng lượng nhẹ, giảm giá thành sản phẩm...

Thượng tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết: Thành công của sáng kiến đã nói lên sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, niềm say mê nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Đại úy Đậu Phương Hoàng và đó cũng chính là cách thiết thực mà tuổi trẻ BĐBP Đắk Lắk hưởng ứng phong trào thi đua Quyết thắng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.

Nguyễn Ngọc Lân

Bình luận

ZALO