Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Người Si La ở bản Xeo Hai

Biên phòng - Dân tộc Si La là một trong số những dân tộc ít người nước ta cư trú ở những nơi hoang vu nhất, đời sống còn vô cùng khó khăn. Bản Xeo Hai, xã Kan Hồ, huyện biên giới Mường Tè, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số Si La đặc biệt ít người cách thành phố Lai Châu khoảng 240km. Khám phá đời sống của người Si La ở bản Xeo Hai có nhiều điều bất ngờ, thú vị.

210y_16
Phụ nữ Si La trong trang phục truyền thống ở bản Xeo Hai. Ảnh: T.H

Bản của người Si La nằm ở độ cao 1.000 - 1.200m so với mặt nước biển. Cả bản có khoảng vài chục nóc nhà gỗ, sàn trệt, trần thấp. Đồng bào Si La đã cư trú ở nơi đây từ bao đời nay. Trên vài mảnh đất bằng phẳng trước nhà là những chiếc chuồng nhỏ nhốt gia cầm, gia súc. Còn ở vài mảnh vườn có bờ rào tre với một vài người phụ nữ Si La vừa địu con, vừa cầm cuốc trồng rau, ngô, lúa... 

Ban đầu, thấy khách phương xa, phụ nữ Si La đều né tránh cúi đầu. Khách lại gần chào hỏi, họ ngại ngùng, e dè. Có một chị nói được tiếng phổ thông ở bản được bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ. Chị bảo: “Để trò chuyện được với đồng bào, thì phải từ từ...”.

Sau nhiều ngày khách lạ lưu lại và “3 cùng” với họ, mọi người trở nên gần gũi thân thương. Rồi một tối nọ, trong gian nhà nhỏ, ấm cúng của người trưởng bản, những chị phụ nữ gọi nhau đến và bắt đầu kể về đời sống, phong tục tập quán của dân tộc mình bằng tiếng phổ thông. 

Trong câu chuyện của họ, đời sống, văn hóa của người Si La dần hiện ra rõ nét. Đó là một cuộc sống khá biệt lập, khép kín, tự cung tự cấp là chính. Để giao lưu, thông thương với bên ngoài, người trong bản chỉ có một cách duy nhất là men theo triền dốc dài, xuôi xuống phía dòng nước rồi chèo thuyền gỗ sang bên kia. Nhưng đầu nguồn dòng Đà giang lại rất hay có lũ.

Nếu trong bản, có gia đình nào cần mua bán, trao đổi hàng hóa thì hầu hết nam giới là người chèo thuyền đi, phụ nữ dám không làm điều đó. Cũng vì biệt lập nên trong bản đã từng có người cả thời gian dài không nhìn thấy đồng tiền. Có người gần như cả đời chưa một lần đặt đôi chân trần sang đến bờ sông bên kia. Lại có người từ nhỏ đến giờ chưa từng một lần giao tiếp với người dân tộc khác. 

Biệt lập là thế, nhưng đời sống văn hóa, tinh thần của người Si La lại được coi là “giàu có”. Phụ nữ Si La làm chủ gia đình, truyền lại phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc Si La cũng chính là họ. Ví như hiện nay, nhà người Si La nào cũng còn giữ nguyên bếp lửa thiêng và người phụ nữ luôn là người nhen lửa. Vào những dịp lễ cúng bản, lễ cầu mùa, lễ cơm mới..., phụ nữ Si La thường chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn, chu đáo gồm một con chó, một con gà trống, một bát gạo, rượu, xôi, một củ gừng, bát nước chè, cá khô, khoai sọ...

Trong tình yêu, hôn nhân, ngay từ thời ông bà, cha mẹ cho đến con cháu, phụ nữ luôn được tôn trọng. Nam nữ thanh niên đến tuổi được tự do tìm hiểu bạn đời với hình thức “đi mò”. Các chàng trai trong bản vào buổi tối thường đến bên vách buồng nhà cô gái, cầm theo chiếc kèn lá hoặc đàn môi để thổi lên những khúc nhạc tỏ bày tình cảm.

Nếu được cô gái ưng cái bụng thì sẽ mở cửa mời vào. Đôi bạn trẻ trò chuyện, tìm hiểu nhau và chỉ nắm tay nhau. Sau khoảng vài đêm tâm tình, nếu cảm thấy hợp ý, có thể về cùng một nhà và nhờ người mai mối và tiến tới làm lễ cưới. 

Đối với phụ nữ Si La, những ngày trong bản có đám cưới là ngày họ vui nhất. Ai cũng háo hức lấy ra những bộ trang phục truyền thống mới nhất, đẹp nhất của mình để mặc. Đấy là những chiếc váy quây tự dệt, khâu theo hình ống. Nửa thân trên là tấm áo cánh ngắn, cổ rời có viền xung quanh 2 dải xanh hoặc đỏ kèm hàng khuy cài sang nách bên phải. Màu của nền áo thường là màu chàm ngả đen. Mảng trang trí thân áo rất “độc đáo” theo hình thang cân có gắn những đồng xu bạc, nhôm tròn, dẹt mà chỉ người Si La mới có.

Chiếc khăn quấn trên mái đầu của người phụ nữ Si La có hình sừng thú. Trang phục kèm khăn đội đầu, yếm, váy, xà cạp, vòng cổ, vòng tay. Hầu hết các cô gái trẻ người Si La đều được bà và mẹ truyền lại cho cách để tự dệt quần áo mặc ngày cưới. Và ngày cưới, cô gái Si La trong trang phục truyền thống rất sặc sỡ và đẹp mắt. 

Khi kể chuyện đám cưới, một phụ nữ Si La nói: “Vài năm trước, khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ xây dựng một ngôi trường nhỏ để dạy chữ cho trẻ em Si La, có một người thầy giáo người Kinh từ miền xuôi lên đây dạy học và mang lòng yêu một cô gái trẻ người Si La. Hôn lễ này được coi là một việc khác biệt nhất từng diễn ra trong bản. Một thời gian sau, thầy giáo xin chuyển về quê dạy học. Cô gái trẻ cũng rời bản, theo chồng về xuôi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỗi lần gọi điện về hỏi thăm người nhà, cô ấy bảo dưới xuôi đủ đầy nhưng không hiểu sao nhớ nhà lắm, chỉ muốn được quay trở về sống với bản, với rừng, với sông, với suối thôi...”. 

Thanh Hiền

Bình luận

ZALO