Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 26/09/2023 01:58 GMT+7

Người phụ nữ truyền lửa trong đêm ở Y Tý

Biên phòng - "Xã Y Tý của chúng tôi có nhiều thôn, bản cách trung tâm xã gần 20km như Hồng Ngài, Sim San, giao thông đi lại rất khó khăn. Trước đây, tôi thường phải đi bộ tới các thôn, bản để tuyên truyền, vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch, xóa mù chữ, tham gia các hoạt động xã hội khác. Họp với chị em xong là khoảng 9-10 giờ đêm mới trở về nhà, tôi cứ vừa đi vừa chạy thôi. Đi đường rừng, một thân một mình tôi rất sợ, nhưng đi nhiều thành quen". Lời tâm sự ấy của chị Nông Thị Xưởng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai đã gây cho tôi ấn tượng mạnh.

450x442_8b-1.JPG
Chị Nông Thị Xưởng làm việc tại UBND xã. Ảnh: Việt Lào

Gia đình chị Xưởng tới xã Y Tý định cư từ năm 1987. Nhà ở hiện tại của chị cũng là cửa hàng nằm bên cạnh chợ. Đúng vào ngày chợ phiên, bà con tới mua hàng đông khiến cho cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và chị Xưởng bị ngắt quãng liên tục. Trong các cuộc trao đổi mua bán, chị thường nói tiếng dân tộc với bà con địa phương.

Chị bảo: "Hồi tôi mới lên đây lập nghiệp, rất ít người dân biết tiếng phổ thông. Để hòa nhập được với bà con, tôi phải tự học tiếng nói của đồng bào các dân tộc trên này. Dần dần, tôi có thể nói được tiếng Dao, Hà Nhì, Mông. Bây giờ nhiều người biết tiếng phổ thông hơn nhưng khi mua bán, trò chuyện, họ vẫn quen nói bằng tiếng của dân tộc mình". 

Từ một hội viên, với sự nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi cho công tác xã hội, năm 2006, chị Xưởng được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Từ đó đến nay, chị đã thắp lên ngọn lửa tinh thần, dẫn dắt chị em ở xứ sở sương mù này đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận. Nhìn lại quãng đường đã qua, chị đánh giá: "Chị em tiến bộ, mạnh dạn hơn nhiều.

Trước kia, họ không biết tiếng phổ thông, né tránh người lạ. Thậm chí các chị em còn e dè, xấu hổ tới mức đi ra đường không dám đi cạnh chồng. Bây giờ, nhận thức của chị em tiến bộ lên rất nhiều. Hầu hết chị em đều ý thức được tầm quan trọng của việc học chữ nên tham gia đều đặn các lớp xóa mù chữ, biết nói tiếng phổ thông. Họ cũng cho con em đi học đều. Các chị em cũng đã mạnh dạn tập đi xe máy, nhờ chồng đưa đi khám thai thường xuyên...".

Từ năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Y Tý phát động phong trào "5 không, 3 sạch", chị Xưởng trở thành "đầu tàu" dẫn dắt chị em bắt đầu từ con số không. Chị giải thích giúp chúng tôi hiểu về phong trào này: "5 không" là không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng, không có trẻ bỏ học; "3 sạch" là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Ở nơi mà điều kiện sống khá khó khăn, nhận thức của chị em còn hạn chế, lối sống, thói quen cũ đã hằn sâu vào tiềm thức của đồng bào thì việc thực hiện phong trào buổi ban đầu gặp không ít trở ngại.

"Nội dung "5 không" dễ thực hiện do trong các hương ước, quy ước của thôn xóm đều có quy định. Đến nay, các tiêu chí của nội dung này chúng tôi đều thực hiện được. Riêng nội dung "3 sạch" khó triển khai hơn. Cản trở lớn nhất khi triển khai phong trào là tâm lý ngại đổi mới, không muốn từ bỏ thói quen cũ đã ăn sâu vào nếp ăn, nếp làm của hội viên. Chúng tôi lựa chọn Mò Phú Chải và Chỏn Thèn - 2 thôn có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện phong trào. Thế nhưng cũng phải mất khá nhiều công sức mới thuyết phục được 20 hộ thực hiện thí điểm.

Ban đầu, chị em rất dè dặt, không muốn tham gia. Họ nói bận làm nương rẫy, không có thời gian dọn dẹp nhà cửa. Tôi họp hội viên, nhẹ nhàng phân tích: Làm nương, làm rẫy là việc làm cả tháng, cả năm không hết được. Chị em nên tranh thủ, dành chút ít thời gian để dọn dẹp, giữ gìn nhà cửa sạch thì ăn cơm mới ngon được. Nghe tôi nói hợp tình hợp lý, các hộ dân mới xuôi lòng chấp nhận phong trào" - Chị Xưởng tâm sự.

Vượt qua được rào cản tư tưởng, chị Xưởng vấp phải một khó khăn khác. Chị kể: "Chị em rất lúng túng, không biết phải sắp xếp nhà cửa như thế nào, bắt đầu từ đâu. Một số chị em thấy nản, định bỏ cuộc. Khi đó, chúng tôi phải tới tận nhà làm mẫu, hướng dẫn chị em từ những việc rất đơn giản như rửa bát, đĩa, úp lên chỗ sạch sẽ, đến cách gấp chăn chiếu, để giày dép gọn gàng, rồi tư vấn chỗ treo quần áo, nhắc nhở không nên để xoong nồi lên trên bàn uống nước...

Tôi tâm sự với chị em chỉ nên sinh hai con thôi mới có thời gian chăm sóc con cái và dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Xong việc nhà, chúng tôi quay sang vận động chị em dành thời gian quét dọn sân, giữ vệ sinh ngõ xóm. Trong tuần đầu tiên, ngày nào chúng tôi cũng phải đến tận nhà chị em kiểm tra, hướng dẫn.

Sau đó, hằng tuần, tôi và một thành viên khác thay nhau đi kiểm tra. Khi chúng tôi quay lưng về thì nhà cửa của chị em lại bừa bộn như lúc ban đầu. Sau hơn 2 tháng đôn đốc sát sao, phong trào mới đứng được và đi vào nền nếp. Bây giờ, nhìn nhà cửa của chị em 2 thôn làm thí điểm gọn gàng, sạch sẽ, chị em trong các thôn khác đã tự học tập và làm theo".

Trước khi chia tay, chị Xưởng cho chúng tôi biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang tiếp tục triển khai phong trào ở thôn Lao Chải 1 và 3. Chị cho rằng: "Cái khó là nhà ở của bà con rất nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng. Bên cạnh đó, mật độ dân ở đây rất đông, nhà sát nhà, đường đi lối lại chủ yếu là lối mòn, hệ thống thoát nước không có, do đó không đảm bảo vệ sinh môi trường. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn hết sức cố gắng, vận động các gia đình cán bộ xã, đoàn thể thực hiện thí điểm trước, sau đó mới nhân rộng ra toàn xã".
Bích Nguyên

Bình luận

ZALO