Biên phòng - Dưới ánh nắng đầu Xuân ấm áp tỏa khắp nhiều ngôi nhà của những gia đình Cơ Tu trên xã vùng cao Tà Lu (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), tôi theo chân anh Alăng Dam, Thôn trưởng Aréh - Đhrồng đến Nhà văn hóa thôn để được gặp chị Bơ Ling Thị Trưu, 46 tuổi, một phụ nữ Cơ Tu vẫn đang nỗ lực gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc từ thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình ở Tổ đoàn kết Đhrồng.
Ngồi và theo dõi chị Trưu mải mê bên khung dệt, tôi như cảm nhận việc dệt thổ cẩm đối với phụ nữ Cơ Tu là công việc khó, cần nhiều thời gian, cũng như đầu tư tiền mua nguyên liệu, làm khung dệt... Như hiểu ý của tôi, chị Trưu chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi đã rất thích những chiếc váy ngắn, váy dài bằng thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, với nhiều dải hoa văn bằng cườm trắng mà bà, mẹ mặc. Đầu tiên là phải chọn màu và cuốn từng loại chỉ thành các cuộn tròn to, phải làm bằng tay và cuốn theo đúng cách để chỉ không bị rối khi dệt.
Sau đó, căng từng sợi chỉ lên các thanh gỗ của khung dệt, tùy theo loại hoa văn cườm khác nhau: hoa văn xoắn buộc Gươl (ngôi nhà làng), hoa văn mã não, hoa văn hình lá a tút, đến hoa văn hình chiếc cối chày giã lúa, hình chong chóng, hình phụ nữ Cơ Tu múa da dá, hoa văn hình đàn ông múa tân tung, hoa văn cườm trắng hình hàng rào, hình xương cá... Mỗi hoa văn sẽ có cách ghép màu chỉ khác nhau. Cuối cùng mới đến công đoạn dệt từng sợi chỉ để thành tấm vải thổ cẩm, chưa kể thời gian may, khâu lại thành chiếc áo, chiếc váy để mặc. Tuy ngồi nhiều cũng có lúc thấy đau lưng, nhưng nói thật với anh, tôi không hề thấy nản, mà còn rất hứng thú với công việc dệt thổ cẩm của mình”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, người Cơ Tu thôn Aréh - Đhrồng còn bảo lưu kiểu khung dệt truyền thống được coi là còn thô sơ với những thanh gỗ, ống nứa dài, nhẵn, to nhỏ khác nhau, căng sẵn các sợi chỉ. Gọi là khung dệt, nhưng không hề có khung, các dụng cụ được cố định bằng chính đôi chân của chị Trưu ngồi dệt. Chị Trưu ngồi trên sàn nhà, mắt chăm chú, lưng thẳng, chân duỗi dài cố định bộ khung dệt cùng đôi tay nhanh thoăn thoắt dệt vải. Khả năng dệt hoa văn bị hạn chế, nhưng nó lại có thể dệt được những khổ vải theo ý muốn.
Kỹ thuật dệt của người Cơ Tu gắn liền với chất liệu, trong đó, nổi bật là dệt hoa văn chỉ màu, hoa văn gợn sóng, hoa văn hạt cườm và kỹ thuật luồng sợi. Để có sản phẩm từ tấm dồ (aduông); áo cột tay (adoóh); tấm choàng (adây); áo chữ X (chrơ gul/chrơ peng); khố (h’giăl/g’hul); váy ngắn (âng ly/o réch); váy dài (chrờ dhu/cơđơ ớch), khăn trùm đầu; tấm địu con (aduông kon), yếm (xờ nát) đến dây thắt váy (cơ ting papah)... Bởi chính số lượng những hạt cườm, sắp xếp thành những biểu tượng đã làm nên giá trị của thổ cẩm, trang phục.
Theo chị Trưu, trung bình phải mất từ 25 ngày đến cả tháng thì mới dệt xong một tấm thổ cẩm (khổ 70cm x 4m). Tính ra, ngày công phải vài triệu đồng mới đủ. Nhưng không thể bán ra thị trường với giá đó, giá đắt quá sẽ không có ai mua được. Hiện giờ, theo chị Trưu, một váy ngắn và cái dây thắt váy bán được 300 - 400.000 đồng; áo cột tay của nam và nữ giá 450 - 500.000 đồng; khố đàn ông Cơ Tu cũng có giá từ 850 - 900.000 đồng; váy dài của thiếu nữ Cơ Tu giá 1 đến 1,2 triệu đồng, nhiều gia đình có nghề dệt từ đó cũng khá giả hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thổ cẩm truyền thống không còn bán được nhiều như trước.
Trước khi tôi đến thì chị Trưu đã dành thời gian để có chiếc áo a doót cho chồng, cũng như chị cũng đã dệt 2 tấm thổ cẩm dài ghép lại để có chiếc váy dài cho cô con gái đầu đang học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hội An mặc đồng phục của trường. Cứ lúc nào không phải làm rẫy, hay bận việc là chị Trưu lại ngồi vào khung dệt vải. Những đường chỉ, từng nét hoa văn bằng chỉ màu và các loại hoa văn cườm càng làm chị thấy yêu thích thổ cẩm của dân tộc mình hơn.
Ngồi bên cạnh tôi, còn có chị Bríu Thị Aminh (48 tuổi) và em Alăng Thị Mai (21 tuổi) đến Nhà văn hóa của thôn cùng chị Trưu trao đổi về nghề dệt. Em Alăng Thị Mai thổ lộ: “Nhiều năm ngồi bên khung dệt được chị Trưu dạy nghề thì hiện nay, em có thể dệt được các loại hoa văn cườm đến tất cả các họa tiết hoa văn bằng chỉ màu mà chị Trưu truyền dạy. Khi có chồng, em tiếp tục học hỏi sáng tạo thêm nhiều họa tiết mới, dệt thêm được nhiều sản phẩm có thể kiếm sống từ chính nghề dệt của dân tộc Cơ Tu”.
Với người Cơ Tu thôn Aréh - Đhrồng, nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, là niềm tự hào của người dân nơi đây; đồng thời, còn góp phần ổn định đời sống. Còn bây giờ, khi xã hội ngày càng phát triển, số lượng những người biết dệt trong thôn giảm đi rất nhiều, ruộng vườn, nương rẫy, ngày mùa bận rộn đã chiếm hết thời gian của mọi phụ nữ, dệt thổ cẩm không còn là công việc chính yếu, bởi bà con chủ yếu lo công việc nương rẫy. Người lớn thì tập trung đi làm kinh tế, bọn trẻ thì lo học hành.
Chia tay chị Trưu, cùng chị Aminh, em Mai và anh Dam trưởng thôn, chúng tôi rời Nhà văn hóa thôn Aréh - Đhrồng, xã vùng cao Tà Lu, chị Trưu bảo với chúng tôi: “Trước đây, do nhu cầu sử dụng thổ cẩm trong cộng đồng người Cơ Tu còn nhiều nên việc dệt thổ cẩm tạo được nguồn thu nhập ổn định. Điều làm tôi lo lắng bây giờ là nhiều người đã chuyển sang sử dụng trang phục giống như người Kinh, nên nhu cầu về thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu trong thôn đã giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, lớp trẻ Cơ Tu bây giờ chỉ quan tâm đến làm kinh tế, không còn thích thú với nghề truyền thống... Ở thôn Aréh - Đhrồng, lớp trẻ đến nhà tôi chơi, thấy dệt thổ cẩm chỉ nhìn lướt qua, cười, rồi bỏ đi. Không phải tôi không yêu thích, không mặn mà chỉ dạy, mà lớp trẻ trong thôn không muốn học dệt, điều đó làm tôi rất buồn”.
Anh Bơ Ling Trao, Chủ tịch UBND xã Tà Lu cho biết: “Thời gian qua, bên cạnh việc gìn giữ, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm, địa phương liên tục tổ chức các hội thi, hội diễn, tạo cơ hội cho chị em phụ nữ trong xã tham gia để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, tiếp tục duy trì, phát triển biểu tượng văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Cơ Tu, góp thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa du lịch của địa phương. Bằng tình yêu và lòng đam mê, chị Bơ Ling Thị Trưu là người phụ nữ thứ 2 trong xã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là “Nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống”. Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, công nhận những người tâm huyết, có khả năng truyền dạy thổ cẩm ở địa phương để động viên tinh thần và giúp chính quyền địa phương có cơ sở mời nghệ nhân truyền nghề dệt thổ cẩm”.
Sơn Gia Phúc