Biên phòng - Đó là thông tin tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Hội nghị diễn ra ngày 19-12, tại Hà Nội.

Theo số liệu được công bố, trong 53 dân tộc thiểu số,có 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là Tày, Mường, Thái, Mông, Khrmer, Nùng, trong đó, dân tộc Tày có số dân đông nhất với 1,8 triệu người; 11 dân tộc có dân số dưới 5 nghìn người, trong đó Ơ Đu là dân tộc có dân số thấp nhất (428 người). Địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số là vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Các số liệu cũng chỉ ra rằng 2 khu vực trên là 2 vùng có tuổi kết hôn lần đầu, trước 18 tuổi cao nhất cả nước, trong đó, trung du miền núi phía Bắc là 21,5%, Tây Nguyên là 18,1%. Tình trạng sinh con ở tuổi thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam và cao nhất cũng ở hai khu vực này. Bên cạnh đó, số liệu cũng chỉ ra rằng 2 vùng này có mật độ dân số thấp nhất trong cả nước tương ứng với trung du miền núi phía Bắc có mật độ 132 người/km2, Tây Nguyên là 107 người/km2, trong khi đó đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số lên đến 1.060 người/km2, Đông Nam bộ có mật độ dân số là 757 người/km2.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số dân Việt Nam xấp xỉ 96 triệu người trong đó nam chiếm 49,8%, nữ chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines và đứng thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người.
Đặc biệt, theo thông tin tại hội nghị, lần đầu tiên số lao động việc làm trong khu vực dịch vụ cao hơn số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vào năm 2019. Với đà chuyển dịch này, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ sẽ sớm đạt 70% như mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Được biết, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 với tổng kinh phí dự toán 1.514 tỷ đồng, được thực hiện với các nội dung: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật, hôn nhân; mức độ sinh, tử và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Đây là cuộc điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất. Cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học phục vụ công tác hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này có nhiều điểm mới, đó là sử dụng công nghệ thông tin ở tất cả các công đoạn, áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng 2 giai đoạn, nhằm đảm bảo tính đại diện đến cấp huyện và tiết kiệm kinh phí so với các phương pháp điều tra truyền thống.
Bình Minh