Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 06:19 GMT+7

Người nặng tình với chữ Thái cổ

Biên phòng - Ở đất Mường Lò (Yên Bái), cái nôi văn hóa của người Thái ở Tây Bắc có một bậc cao niên nổi tiếng gần xa vì thông thạo loại chữ cổ đã gần như bị lãng quên của dân tộc mình. Đó là cụ Lò Văn Biến, được mọi người tôn vinh là "Giáo sư chữ Thái".

plrn_20a-1.JPG
Bản gốc "Quam tô mương" bằng chữ Thái cổ.

Bất diệt và tự hào

Được sự hướng dẫn của một đồng nghiệp quê Yên Bái, tôi tìm đến nhà cụ Lò Văn Biến, năm nay đã ở tuổi "bát thập", bản Cang Nà (phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Tiếp tôi trong căn nhà khang trang, cụ Biến cho biết, cụ sinh ra trong một dòng họ lớn của đất Mường Lò xưa. Thời Pháp thuộc, vừa lúc tốt nghiệp tiểu học thì Nghĩa Lộ được giải phóng (tháng 10-1952). Nghe theo lời kêu gọi của Chính phủ Việt Minh, cụ tham gia dạy bình dân học vụ từ năm 1953 đến 1954.

Tháng 2-1955, cấp trên cử cụ đi học Trường sơ cấp sư phạm, đặt tại Khu tự trị Thái Mèo. Năm 1956, ra trường, tổ chức điều cụ về Than Uyên (nay thuộc tỉnh Lai Châu) dạy học. Cả Than Uyên lúc đó chỉ có ba thầy giáo, cụ dạy ở xã Mường Than. Hồi ấy dạy song ngữ, chữ Thái và chữ quốc ngữ. Đến năm 1963 thì tạm dừng dạy chữ Thái, cụ được điều về Mường Lò tiếp tục dạy học. Dạy học được mấy năm, do phải xa nhà, gia đình gặp rất nhiều khó khăn nên cụ xin thôi việc, về làm ruộng...

Dù ngày ngày làm bạn với ruộng nương, nhưng do tâm huyết với nền văn hóa dân tộc mình, thấy chữ Thái ngày càng mai một và dường như bị lãng quên, cụ tiếp tục nhờ chú, bác trong dòng họ, những người còn thông thạo chữ Thái cổ chỉ dẫn và tự nghiên cứu thêm. Vốn có trình độ văn hóa lại rất yêu nền văn hóa của dân tộc mình, cụ Biến tiếp thu rất nhanh và cho đến nay, cụ đã hoàn chỉnh nhiều giáo trình dạy chữ Thái với tâm niệm truyền dạy lại thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, cụ còn dịch những tác phẩm văn học dân gian của dân tộc Thái sang tiếng phổ thông. Bây giờ, nhắc đến cái tên Lò Văn Biến, giới nghiên cứu, sưu tầm không thể không nói đến những tác phẩm nổi tiếng như: "Quam tô mương" (Chuyện bản Mường), "Xống chụ xôn xao" (Tiễn dặn người yêu), "Khun Lú - Nang Ủa" (Chuyện tình Khun Lú - Nàng Ủa), "Chương Han" (Chuyện về người anh hùng Chương Han), "Táy pú sấc" (Bước đường chinh chiến của cha ông)… do cụ Biến dịch từ tiếng Thái.

Theo cụ Biến, chữ Thái ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 10. Do sự giao thoa, phát triển văn hóa khác nhau giữa các vùng, miền nên chữ Thái ở Nghệ An khác với chữ Thái từ Thanh Hóa trở ra. Ở Nghệ An, người Thái vùng phía Tây Nam gọi là "Lai Pao", người Thái vùng Tây Bắc gọi là "Lai Tay". "Pao" nghĩa là sông, nước lớn, "Tay" là cách gọi xưa đối với tộc người Thái. "Có người cho rằng "Lai" không phải là một thể loại văn học dân gian, mà có nghĩa là hoa văn, bởi chữ Thái viết như những đường nét hoa văn. Hai cách gọi trên tuy có một số yếu tố khác nhau, nhưng nhìn chung sai lệch không đáng kể.

Cách viết của Lai Pao, Lai Tay giống như cách viết chữ Hán - viết từ trên xuống theo hàng từ phải qua trái. Đây là kiểu chữ quá độ từ kiểu chữ tượng hình của Trung Quốc thành chữ viết theo cách viết chữ Phạn (Ấn Độ), có hệ thống chữ cái rõ ràng…" - Cụ Biến cho biết. Cũng theo cụ, trong quá trình phát triển, người Thái đã sáng tạo ra một nền văn hóa chữ viết truyền từ đời này sang đời khác cho đến ngày nay, thể hiện qua các tác phẩm văn học dân gian được viết bằng chữ Thái.

Thế nhưng, thật tiếc, có một thực tế đáng buồn là, chữ Thái ở các vùng khác nhau trong cả nước đang mai một dần. Chỉ một số ít người có tâm huyết còn lưu giữ một số văn bản chữ Thái và biết đọc chữ Thái. "Học, nghiên cứu chữ Thái không chỉ đơn thuần để biết văn bản, mà còn để hiểu biết sâu một nền văn hóa, tính cách, tâm hồn của một dân tộc! Ai cũng ý thức được rằng, một dân tộc có chữ viết là một dân tộc văn minh, đầy sức sống, phồn thực, bất diệt và tự hào…" - Cụ Biến tâm sự.

Đau đáu nỗi niềm

Cẩn thận lấy từ ngăn tủ ra những cuốn sách giấy đã ngả màu thời gian, nhưng còn nguyên vẹn, cụ Lò Văn Biến kể cho chúng tôi nghe hành trình tìm thầy học chữ của mình. Cụ bảo, ngay từ hồi còn trẻ, chữ Thái cổ còn rất ít người biết đọc, biết viết. Được sự động viên của người cha, cụ đã tìm đến nhà một thầy mo trong vùng xin làm học trò. "Mỗi lần đến, thầy chỉ cho đúng một chữ. Tập viết đến khi thành thục, thầy mới cho tiếp chữ khác. Học chừng 5-6 chữ mà không nhớ, thầy cho về luôn. Nhưng tôi không bị đuổi, mà còn nhận được lời khen hiếm hoi của thầy. Học được vài tháng, thầy nói: Ta hết chữ cho con rồi. Giờ con phải tự tìm lấy chữ mà học…" - Cụ Biến nhớ lại.

b605_20b-1.jpg
Ông Lò Văn Biến. Ảnh: Internet

Khi đã có vốn chữ kha khá, cụ Biến lại tìm đến những cuốn sách cổ và kho tàng văn hóa ẩn trong những trang sách cổ của người Thái. Đến năm 2006, cụ quyết định mở lớp dạy chữ Thái ở địa phương. Khóa đầu tiên có 10 học viên với nhiều độ tuổi khác nhau. Khóa học sau, số lượng học viên lên tới 42 người. Đây là những hạt nhân quý để sau khóa học về các thôn bản, mở các nhóm học chữ.

Đến nay, cụ Biến đã mở được 7 khóa học. Trong số học trò của cụ có những người là nhà quản lý, như ông Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ; hay nhà nghiên cứu văn hóa Thái. Đặc biệt, khi nghe tin cụ dạy chữ Thái cổ, hai sinh viên người Nhật tên là Ha-ki-ga Na-ma-sao và Ô-ka-đa Ma-sa-si từ Hà Nội lên tận Mường Lò để học chữ Thái; rồi Du Tỷ, người Thái Lan và Tiến sĩ người Pháp tên là Rắc-đơ-mon cũng xin được làm học trò của cụ.

Song song với thời gian mở lớp, cụ Biến còn thành lập Câu lạc bộ những người yêu thích học và đọc chữ Thái, với trên 50 thành viên. Ðược sự ủng hộ, động viên của các ban, ngành chức năng, Câu lạc bộ đang tích cực hoạt động sưu tầm, lưu giữ những vốn cổ còn tiềm ẩn trí nhớ của người già, để truyền lại cho thế hệ sau các giá trị tinh thần cha ông để lại. Tuy nhiên, dù đã khá bằng lòng với những gì mình đã đóng góp cho văn hóa Thái nói chung, chữ Thái cổ nói riêng, cụ Biến luôn trăn trở, một ngày kia cụ cùng các bậc cao niên trong dân tộc Thái về "mường Then" (trời), ai sẽ là người thay mình đọc chữ Thái?

Trong đáu đáu nỗi niềm, cụ tâm sự: "Trong sách cúng "Xống phi tai" của người Thái có câu: Cai hẳn lẹo mưa họt Nặm Tôk Tat phi pãy/ Phi cái đay cái cãu mữa Phạ", nghĩa là: Linh hồn người chết theo thác Nặm Tôốc Tát lên với Mường Trời. Tôi mơ ước tất cả thế hệ trẻ dân tộc Thái đều được truyền dạy chữ Thái, nhưng ước vọng ấy đến nay vẫn còn xa vời. Nay mắt không còn tỏ, cái gối đã mỏi, tôi luôn day dứt là các ban, ngành chức năng làm thế nào đó để số phận của chữ Thái, văn hóa Thái mãi mãi không bị lãng quên…".

Hoàng Phương Uyên

Bình luận

ZALO