Biên phòng - Mũi thêu chữ thập là hình thức thêu cổ xưa nhất của nhân loại và có mặt ở hầu hết các châu lục cổ trên thế giới. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian vẫn ngạc nhiên khi tìm thấy mũi thêu này trên trang phục của người dân tộc Mông ở Việt Nam. Hơn thế nữa, đây là nét văn hóa vẫn song hành với đời sống, không chỉ là truyền thống, mà tính ứng dụng còn nguyên vẹn, càng ngày càng được đồng bào củng cố và truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Người ta đã từng đưa ra bàn thảo rất nhiều lần vấn đề cạn dần các dòng chảy văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, trong khía cạnh trang phục truyền thống. Những dân tộc đậm đà bản sắc lâu đời như người Thái, Nùng, Mường, Mông… đều không còn tự dệt, thêu, may trang phục để sử dụng. Họ mua các loại vải thông dụng, mô phỏng hoa văn truyền thống ở các khu vực chợ biên giới mà thương lái đánh hàng từ Trung Quốc qua để may trang phục, mà không dệt may nữa. Tuy nhiên, một số ít khu vực dân cư đông đúc ít bị lai tạp, có không gian truyền thống và đời sống giàu bản sắc thì đồng bào vẫn giữ được thói quen tự làm trang phục. Một trong số đó là các vùng dân cư người Mông ở Mộc Châu (Sơn La), Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh (Hà Giang), Mường Lát (Thanh Hóa)…
Người Mông đặc biệt coi trọng mùa xuân. Đó là mùa gieo hạt giống tốt, trong đó có hạt cây lanh mà vỏ của nó có thể kéo sợi dệt thành vải. Trong các lễ hội mùa xuân không thể thiếu được trò ném pao. Các thanh niên trong làng đi chơi xuân gặp nhau, cô gái trẻ nào cũng mang theo quả pao. Quả pao hình tròn, được khâu khéo léo bằng vải có màu sắc sặc sỡ. Khi gặp các nhóm bạn, họ ném quả pao đó qua lại như chơi cầu. Ở trong lõi quả pao là các miếng vải vụn, lông vũ và quan trọng nhất là trong đó có vài hạt cây lanh. Nếu quả pao rơi xuống đất bị vỡ, hạt cây lanh sẽ tràn ra ngoài và mọc thành cây. Vì thế, quả pao cũng là biểu tượng của sự sinh sôi, cũng như trò chơi ném pao là cầu nối để trai gái hẹn hò, kết duyên, sinh nở, duy trì nòi giống và có hàm ý sinh tồn.

Trong một cộng đồng người Mông, việc gieo trồng và thu hoạch cây lanh, dệt vải và may mặc là việc của phụ nữ. Họ luôn có gói vỏ cây đeo bên hông, rút sợi và se sợi thủ công, sau đó dệt thành vải, nhuộm chàm và thêu lên đó những mũi thêu chữ thập để làm đẹp. Thêu chữ thập 2 chiều là kỹ thuật thêu khó, làm nổi rõ họa tiết hình học, làm đẹp trên 2 bề mặt vải và làm dày ấm thêm cho trang phục. Phụ nữ dân tộc Mông mỗi năm chỉ cần mẫn thêu may được 1 bộ trang phục cho mình hoặc cho chồng, con. Họ truyền dạy cho con gái cách thêu và các bé gái người Mông còn rất nhỏ đã có thể tự thêu trang phục, xà cạp, tay áo cho mình. Tay phụ nữ Mông không khi nào được nghỉ ngơi. Họ cần mẫn se sợi, thêu thùa và thường thì mùa xuân là mùa lễ hội, cũng là mùa được mặc áo mới và tấm áo được mặc cả khi lao động cho đến khi cũ đi. Lễ hội năm sau lại có áo mới để mặc. Vì vậy có thể nói, phụ nữ dân tộc Mông đã dệt nên tấm áo của mùa xuân.
Thụy Văn