Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 02:10 GMT+7

Người Mông ở Sin Súi Hồ làm du lịch

Biên phòng - “Làm du lịch ngay trong ngôi nhà của mình”. Quả thực khi nghe Hảng A Xà nói như vậy, tôi mới thấm câu người đời hay nói “Cái lý người Mông”.

18b
Một gia đình làm Homestay tại Sin Súi Hồ. Ảnh: Trọng Văn

Xã Sin Súi Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) nằm ở độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển, trên sườn phía Tây của dãy Hoàng Liên Sơn nên có khí hậu kiểu ôn đới, bởi thế mà người ta thường gọi là “Sa Pa” Sin Súi Hồ.

Tôi gặp Hảng A Xà ngay đầu ngõ nhà anh. Đó là một người đàn ông Mông sinh năm 1975, khá gọn gàng trong bộ trang phục đàn ông Mông màu đen nhưng nổi bật với chiếc bao lưng màu đỏ thắt ngang bụng. Hảng A Xà có tác phong nhanh nhẹn, gương mặt sáng, thoạt nhìn đã thấy toát lên vẻ thông minh. Đón chúng tôi bằng một nụ cười vui thay câu chào, Hảng A Xà mời mọi người vào nhà. Một căn nhà Mông thông thường như bao căn nhà người Mông khác với tường trình đất, lợp prô-xi-măng nhưng lại gây thích thú cho tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên với rất nhiều bao lúa, ngô chất trước hè. Bên trong nhà cũng khá bắt mắt.

Đồ đạc được bày biện chẳng khác gì một ngôi nhà dưới xuôi với bộ bàn uống nước được chính Hảng A Xà tự tay dày công chế tác từ những gốc cây lâu năm nằm im dưới suối. Trong nhà không có bếp lửa nên không có mùi khói khen khét lởn vởn trong mũi và nhất là không có cảm giác giật mình bởi những tiếng kêu gia súc. Vẻ ngăn nắp và sạch sẽ tưởng như mình vào “nhầm” một căn hộ hay một phòng khách sạn nhỏ nào đó. Hảng A Xà cười chân thật: “Mình làm Homestay mà”.

Sin Súi Hồ là bản 100% người Mông. Từ trước nay, tôi vẫn nghĩ đã là người Mông thì thường ở núi cao, sống không tập trung, từng nhà riêng lẻ và làm ăn kiểu tự cung, tự cấp nên khó có thể “làm kinh tế”, nhất là làm kinh tế du lịch được. Vậy mà không, theo như anh Xà cho biết thì hiện, người dân của bản Sin Súi Hồ thực hiện làm du lịch với 18 Homestay. Đây là hình thức làm du lịch trải nghiệm, du lịch tại chỗ, du lịch cộng đồng khá thoáng bởi nó không cần đầu tư nhiều. Chỉ cần “thay đổi tư duy” như Hảng A Xà nói là được.

Tôi hỏi: “Ai bày cho anh Xà cách làm đó? Tôi nghe nói anh là người đầu tiên trong bản làm Homestay mà?”.

Hảng A Xà cười rồi trả lời: Mình xem ti vi, xem trên mạng thấy những nơi khác họ đã làm nên làm theo thôi”.

Tôi hỏi tiếp: “Đơn giản vậy á?”.

Xà cười: Không đâu. Xem người ta thế thôi, nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó”.

Từ đầu năm 2011, Hảng A Xà mày mò làm Homestay từ chính ngôi nhà của mình. Cũng phải nói thêm rằng, vài năm trở lại đây, tỉnh Lai Châu đã đầu tư hạ tầng tương đối hoàn thiện. Từ thành phố tỉnh lỵ đều có đường nhựa dẫn về các huyện, các xã. Điều đó đã thúc đẩy các địa phương phát triển kinh tế. Cho phép mở ra một hướng đi mới là phát triển du lịch tại chỗ gắn với điều kiện địa hình, kinh tế, văn hóa và phong tục riêng độc đáo của từng dân tộc trên địa bàn.

Người Mông ở Sin Súi Hồ không nằm ngoài trào lưu đó, nhưng nếu không có Hảng A Xà “đi tiên phong” thì cũng còn “trầy trật” mãi. Hảng A Xà hăng hái “lập đề án” rồi tiến hành vay vốn đầu tư cải tạo nhà mình sao cho phù hợp với Homestay. Điều này đã làm thay đổi không chỉ điều kiện sống mà nó thực sự làm thay đổi những tập tục cùng những thói quen bao đời. Nào là sắp xếp lại nhà cửa, sắm mới giường tủ, chăn màn đủ điều kiện cho khách thuê trọ. Nào là xây mới khu vệ sinh riêng với tiện nghi tối thiểu như có bình nóng lạnh, hố xí tự hoại, nhưng có cái thú vị là trong nhà vệ sinh lại được trang trí thêm những họa tiết hay đồ vật mang nét riêng của dân tộc Mông. Nó tạo cảm giác thích thú cho người sử dụng. Hảng A Xà cho biết thêm, để “khai thác” được Homestay còn phải làm nhiều việc nữa. Nào là trang bị kiến thức “du lịch” cho mình, cho vợ con để việc đón khách được chu đáo và tiến tới chuyện nghiệp hóa.

Cô con gái lớn của Xà tên là Hảng Thị Xú, trong tiếng Mông thì “xú” có nghĩa là “sợi chỉ”, cô đang học cao đẳng dược và tiếng Anh ở Thủ đô Hà Nội. Cô con gái thứ hai tên là Hảng Thị Lú, trong tiếng Mông thì “lú” có nghĩa là “chim yến”, cũng đang học ở Hà Nội cùng chị gái. Đáng chú ý là Lú theo học ngành “quản lý nhà hàng”. Xem ra cái nhà anh Hảng A Xà này “toan tính làm ăn lớn đây?”. Còn cô con gái thứ ba tên là Hảng Thị Qua, trong tiếng Mông thì “qua” có nghĩa là “bồ câu”. Cô tuy đang học lớp 12 nhưng rất có năng khiếu làm ra những sản phẩm lưu niệm từ chính sản vật sẵn có ở địa phương. Xem nữa “cánh nhà Xà” tính chuyện “trọn gói” đây.

Tôi hỏi: “Vợ Xà hôm nay có nhà không?”.

Xà trả lời: “Sáng xuống huyện thi lấy bằng lái xe ô tô”.

Tôi nghi ngờ hỏi lại: “Bằng lái xe ô tô? Thế anh Xà có chưa và tính bao giờ mua ô tô?”.

Hảng A Xà cười bẽn lẽn. Cậu thanh niên Vàng A Tủa người hàng xóm đến “xem” đoàn nhà báo phỏng vấn Hảng A Xà đành nói chen vào: “Chú Xà có bằng lái xe mấy năm rồi. “Con Innova” nhà chú ấy chạy tít lắm. Cứ leo dốc ầm ầm. Cháu cũng sẽ làm giống chú Xà”.

Từ nhà Hảng A Xà, những Homestay khác lần lượt hình thành. Sin Súi Hồ giờ đây đã là một bản du lịch thực sự cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đời sống người dân được nâng cao. Hay nhất là thói quen sống lạc hậu lâu năm được thay thế bằng một thói quen sống mới rất khích lệ.

Chúng tôi đã có cuộc làm việc nhanh với lãnh đạo xã, Tẩn Vần Hin, Phó Bí thư Đảng ủy xã, sinh năm 1975, cho hay: “Sin Súi Hồ trong tiếng của người Mông có nghĩa là suối có nhiều vàng mà”. Thì ra, ở trên “đống của” nhưng bao đời nay, người Mông Sin Súi Hồ cứ nghèo khổ mãi. Sự thay đổi tư duy đúng là một cái lý vô cùng chí lý.

Tẩn Vần Hin còn cung cấp thêm: Ngoài làm Homestay, hiện nay, người dân trong bản còn trồng địa lan tập trung với nguồn giống địa lan Hoàng Liên Sơn lấy từ trong rừng, được bà con chủ động nhân giống và mở rộng diện tích trồng địa lan. Cách trồng cũng khá linh hoạt, trồng dọc hai bên con đường bê tông chạy trong bản, trồng trên nương. Địa lan còn được trồng xen với cây đào rừng đã được bứng về trồng theo quy hoạch chờ Tết đến.

Tôi hỏi cho rõ: “Mỗi chậu hoa địa lan bán được bao nhiêu?”

Tẩn Vần Hin cười: “Mỗi chậu hoa địa lan bán tại chỗ cho thương lái từ 3  đến 15 triệu đồng tùy chậu. Mỗi năm một gia đình bán được hàng chục cho tới cả trăm chậu địa lan. Thu nhập cũng từ vài trăm triệu trở lên đến tiền tỉ. Ấy là chưa kể đến trồng và bán đào cây nữa. Giống đào rừng Hoàng Liên Sơn mấy năm lại đây rất ăn khách. Người Sin Súi Hồ lại có dịp thu nhập gối lên thu nhập”.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, đã nhiều năm nay, cứ đến thứ 7 là bản Sin Súi Hồ tổ chức chợ hoa. Chợ được tiến hành ở địa điểm giữa bản nên khá tập trung. Có sạp hàng hẳn hoi, có nhà trưng bày đàng hoàng. Bà con trong bản, trong xã đem đến chợ không chỉ địa lan, đào cây mà còn đem đến nhiều vật dụng khác. Bắt được ý thích của du khách là muốn có và mang về nhà sau chuyến du lịch những vật dụng lao động, vật dụng sinh hoạt và vật dùng lưu niệm do tự tay bà con làm ra nên chợ bày bán khá đa dạng.

Tôi giật mình bởi cách “làm ăn” khá chuyên nghiệp và khá bài bản của người dân Sin Súi Hồ. Ý nghĩ xưa nay về người Mông khép kín đã nhường chỗ cho một ý nghĩ rằng: Cách làm này có thể xem như một điển hình cần nhân rộng. Vỗ vỗ vào lưng Hảng A Xà, tôi chúc anh và bà con ngày càng làm ăn tấn tới. Lại một nụ cười vui nở trên gương mặt sáng rất thông minh của người đàn ông Mông lắm ý hay này. Tẩn Vần Hin đứng bên cạnh nói: “Cứ cái gì giúp bà con no ấm là làm theo thôi”, đúng là cái lý người Mông.

Nguyễn Trọng Văn

Bình luận

ZALO