Biên phòng - Nằm dọc theo Quốc lộ 6, hướng Hà Nội đi Sơn La, cách cao nguyên Mộc Châu khoảng 15km, bản Hua Tạt của người Mông xinh đẹp và yên bình giữa đất trời Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Bản Hua Tạt được du khách biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các homestay mang phong cách hiện đại, độc đáo, nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc.
Bảo tồn nguyên vẹn phong tục người Mông
Nếu như cao nguyên Mộc Châu nổi tiếng với đồi chè, rừng thông bản Áng, là điểm dừng chân quen thuộc đối với du khách thì vài năm gần đây, bản Hua Tạt trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng của Vân Hồ - huyện “cửa ngõ” của tỉnh Sơn La. Tuy bản sát quốc lộ, nhưng người Mông nơi đây vẫn giữ được phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mông bản địa.
Sự yên bình của Hua Tạt thể hiện ngay từ lối vào bản với những ngôi nhà làm theo kiểu truyền thống của dân tộc Mông, xung quanh là vườn cây đào, mận xanh mướt, xa xa là những vườn rau cải mèo trổ hoa vàng rực rỡ và màu đỏ quyến rũ của hoa đậu. Tại sân Nhà văn hóa của bản, một vài cô gái Mông xúng xính trong những bộ váy áo màu sắc sặc sỡ đang túm tụm vừa trò chuyện, vừa ý nhị cười đùa. Phía sân vận động, các cháu nhỏ đang đánh quay, nhảy dây vui chơi trong ánh nắng chiều.
Đến giữa bản, du khách sẽ bắt gặp một cái chòi với hai người đàn ông Mông đang thao tác nghề rèn truyền thống. Đó là ông Tráng A Chơ, già làng của bản và là một thợ rèn có tiếng. Ông bắt đầu làm nghề rèn từ khi mới 30 tuổi, chủ yếu là rèn các loại dụng cụ lao động như dao, cuốc, xẻng... Sau nhiều năm gắn bó với nghề, hiện nay, ông chủ yếu rèn dao để bán. Dao ông rèn có độ sắc và độ bền cao, được người dân ở nhiều nơi khác tìm đến đặt hàng. Người trẻ hơn là thợ phụ giúp ông than củi và quạt gió. Dù tuổi đã cao, công việc rèn đòi hỏi phải có sức khỏe, nhưng ông Tráng A Chơ luôn cố gắng duy trì nghề rèn, truyền kinh nghiệm, động viên con cháu học nghề, góp phần gìn giữ nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông.
Vào thăm bất kì gia đình người Mông nào trong bản, du khách đều được tận mắt thấy những chiếc cối xay ngô, cối xay lúa, cối giã bánh giầy cũ kĩ, trên tường nhà vẫn treo những cây khèn Mông, sáo Mông... Tuy bản có điện từ lâu rồi, máy xát, ti vi... đủ cả, nhưng nhiều nhà vẫn giữ những món đồ, công việc ấy như một nét đẹp truyền thống của dân tộc, tạo nên nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng biệt, không phải nơi nào cũng có. Nhiều chủ nhà còn nhiệt tình hướng dẫn khách nếu có nhu cầu học xay lúa, xay ngô, thổi khèn Mông...
Ông Tráng A Cao, Bí thư Chi bộ bản Hua Tạt cho biết: Cả bản có 138 hộ, 680 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, nguồn sinh sống, thu nhập chủ yếu của bà con từ canh tác nông nghiệp như: Lúa nước, lúa nương, ngô, su su, rau xanh... Mấy năm gần đây, bản Hua Tạt chuyển dần sang làm du lịch cộng đồng. Ngoài vận động bà con giữ gìn những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Mông, bản Hua Tạt còn có các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hằng năm, bản phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, vừa giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa tạo điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, du lịch.
Điểm sáng du lịch cộng đồng ở Vân Hồ
Bản Hua Tạt có 199,52ha rừng tự nhiên, đặc biệt là 20ha rừng thông hơn 10 năm tuổi, luôn được đồng bào sống quanh khu gìn giữ. Đây cũng là nơi mang đến vẻ thơ mộng cho bản, khiến du khách thích thú trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng.
Theo lời của ông Tráng A Cao, Hua Tạt hiện có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú cho khách du lịch, trong đó nổi bật là các hộ A Sếnh, A Chu, A Giàng, A Thống, A Sang. Đây là những điển hình làm du lịch cộng đồng để người dân trong bản học tập.
Cách đây 4 năm, người tiên phong làm du lịch cộng đồng của bản là cha con ông Tráng A Súa và Tráng A Chu. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Tráng A Chu trở về quê hương, quyết định tìm kiếm cơ hội kiếm sống, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình... Nhận thấy hướng phát triển của du lịch Mộc Châu, ngay khi huyện Vân Hồ thành lập, A Chu quyết định đầu tư làm du lịch cộng đồng. A Chu và cha anh - ông
Tráng A Súa là những người đầu tiên trong bản đã tự tay phá bỏ vườn mận, vườn đào, vay vốn cùng anh em dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Ban đầu, việc làm của A Chu cũng có nhiều ý kiến trái chiều của bà con trong bản. Những ngày đầu, A Chu rất vất vả trên hành trình thực hiện dự án làm du lịch cộng đồng. Nhưng thật may mắn, bên cạnh anh luôn có người vợ ủng hộ chồng hết lòng. Thêm vào đó là sự động viên của một ông chủ chuyên đi mở các tuyến du lịch cộng đồng miền Tây Bắc cảm động trước quyết tâm khai thác chính thế mạnh từ phong tục, tập quán của dân tộc Mông, mong muốn A Chu làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Ngôi nhà sàn - Homestay A Chu đặc biệt hơn tất cả những ngôi nhà khác trong bản không chỉ to, bề thế hơn mà sàn nhà được lát gỗ dày và sạch sẽ. Mái nhà lợp lá cọ, trên những hàng cột được lắp bóng điện trang trí khéo léo. Tầng một của nhà sàn được thiết kế quầy bar, các bàn cho khách ngồi ăn uống, ngắm cảnh thiên nhiên, được trang trí bằng những vật dụng độc đáo, mang dáng dấp truyền thống của người Mông. Khu nhà vệ sinh tuy làm theo phong cách hiện đại nhưng được trang trí bằng những vật liệu từ thiên nhiên. Mái lợp bằng lá cọ. Vách bằng những ống nứa được ngâm chống mọt ghép lại. Tất cả những vật dụng nhỏ nhất của ngôi nhà đều tạo ra vẻ hài hòa với không gian của miền cao nguyên.
Đặc biệt, nhà sàn có tổ chức hoạt động văn hóa bản để du khách đến nghỉ tại đây được thưởng thức văn hóa dân tộc bản địa như: Múa hát, thổi khèn Mông... Cũng tại đây, du khách có thể cùng tham gia trải nghiệm các công việc thường ngày của người Mông như vào bếp tự tay nướng những miếng thịt thơm ngon, nướng cá, tham gia sinh hoạt cùng gia chủ... Homestay của A Chu dần thu hút đông du khách đến lưu trú. Doanh thu từ du lịch cộng đồng cũng tăng cao. Chính quyền địa phương quan tâm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cũng đã về khảo sát và tìm hiểu để làm cơ sở nhân rộng mô hình cho các nơi khác.
Thấy hướng đi mới của A Chu có hiệu quả và đỡ vất vả hơn làm nương, ông Tráng A Sếnh cũng bắt tay vào đầu tư chuyển đổi đất trồng ngô sang làm du lịch cộng đồng trên khu đất rộng rãi có nhiều lợi thế về cảnh quan môi trường với tên Homestay Tráng A Sếnh. Điểm nhấn của Homestay Tráng A Sếnh chính là khu rừng thông phía sau nhà, đây là nơi lý tưởng để du khách thả hồn vào thiên nhiên, đất trời, tận hưởng không gian yên tĩnh, trong lành, mát mẻ. Khu rừng thông rộng rãi cũng là nơi thích hợp tổ chức các trò chơi vận động của các đoàn khách tập thể.
Đến nay, bản Hua Tạt đã có nhiều gia đình người Mông tiếp tục triển khai làm du lịch cộng đồng (homestay), đưa kinh tế thôn bản phát triển theo hướng bền vững, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc và thân thiện với môi trường.
Nơi thung lũng Hua Tạt, Vân Hồ, những gia đình người Mông đang cùng nhau đoàn kết quyết đưa dân bản vượt qua đói nghèo từ làm du lịch. Thành công bước đầu của các homestay này cũng góp phần giới thiệu thêm điểm đến thú vị trong hành trình du lịch khám phá các bản làng Tây Bắc.
Thanh Thuận