Biên phòng - Đại úy Trịnh Tứ Thắng, hiện công tác tại Phòng Chính trị, BĐBP Thanh Hóa, nhưng trước đây, anh đã có nhiều năm công tác ở biên giới, được bà con các dân tộc gọi với cái tên rất thân thương là “Người mang mùa xuân đến với bản nghèo”. Từ khi ra trường, anh đã gắn bó với nhiều vùng đất biên cương Tổ quốc, từ Trà Vinh, Quảng Bình đến Thanh Hóa. Với bản chất anh “Bộ đội Cụ Hồ”, anh luôn bám địa bàn giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa, năm 1993, Trịnh Tứ Thắng đạt được ước mơ đầu đời là thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhưng rồi do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học đến năm thứ 3, anh đành bỏ dở việc học hành, vào Vũng Tàu mở xưởng điêu khắc. Nhưng cuộc đời binh nghiệp lại “vận” vào anh, năm 1999, anh trúng tuyển vào Trường Trung cấp Biên phòng 2, ra trường về nhận nhiệm vụ tại BĐBP Trà Vinh. Trong quá trình công tác, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, anh dành hết thời gian ngày nghỉ, bằng vốn kiến thức điêu khắc, anh đến các gia đình đồng bào dân tộc Khmer nghèo giúp bà con sửa nhà ở khang trang, quyên góp nhiều áo quần, chăn màn, sách vở... giúp các trại dưỡng lão, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật...
Cuối năm 2011, anh được điều về công tác tại Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình. Với chất lính BĐBP, anh luôn nhiệt tình, xông xáo trong công tác, thực hiện “4 cùng” với nhân dân, hiểu được khó khăn của bà con và có nhiều việc làm ý nghĩa hỗ trợ vật chất, tinh thần để cải thiện cuộc sống cho đồng bào. “Chứng kiến đời sống khó khăn của dân bản, tôi thường chụp lại những hình ảnh đó và chia sẻ với người thân, các nhà hảo tâm trên mạng xã hội. Từ sự kết nối này, nhóm "Chung tay và sẻ chia" đã được thành lập, đến nay, có 15 thành viên tích cực tham gia. Hoạt động chính của nhóm là kết nối, vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, bà con nghèo ở vùng biên giới...” - Đại úy Trịnh Tứ Thắng chia sẻ.
Với vai trò đầu tàu, Đại úy Trịnh Tứ Thắng không quản ngại khó khăn, vất vả, cùng với chiếc xe Honda 67 huyền thoại, “đứa con tinh thần” vượt qua bao cung đường gập ghềnh, đèo cao, suối sâu đến trao quà ủng hộ cho bà con nghèo. Những nỗ lực của anh góp phần giúp bà con cải thiện đời sống, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, tập tục lạc hậu, con em được xóa mù chữ.
Bằng tất cả nhiệt huyết của mình, hơn 6 năm qua, Đại úy Trịnh Tứ Thắng trực tiếp kêu gọi các nhà hảo tâm phối hợp với các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Quảng Bình thực hiện hiệu quả chương trình chung tay vì đồng bào nghèo biên giới, với tổng trị giá hàng hóa hơn 450 triệu đồng; kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ xây dựng phòng học trị giá 450 triệu đồng tặng Trường Tiểu học số 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Đặc biệt, trong đợt mưa lũ năm 2016, anh kêu gọi các nhà hảo tâm giúp gạo, mỳ ăn liền, tiền mặt, quần áo... cho các xã biên giới của huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh, Bố Trạch... với tổng trị giá hơn 680 triệu đồng. Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung, anh vận động các nhà hảo tâm trao hơn 200 suất quà, gồm: Cặp, sách, vở, chăn ấm, miến gạo tặng các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới biển, tổng trị giá 120 triệu đồng, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, trong 3 năm công tác ở Đồn Biên phòng Cà Roòng, bà con các bản rất yêu quý thầy giáo Thắng, bởi anh đã tận tình dạy học cho các em. Ngoài tham gia trợ cấp cho 4 em học sinh mà đơn vị nhận đỡ đầu, anh còn vận động các nguồn hỗ trợ đỡ đầu thêm 6 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bản thân anh nhận đỡ đầu 3 em, với mức hỗ trợ 300.000 đồng/em/tháng. Để có kinh phí, anh còn tranh thủ làm video clip cho các chủ nhà hàng, trồng cây cảnh, phục chế xe Honda 67 bán kiếm thêm tiền làm từ thiện.
Khi tôi hỏi anh, động lực nào giúp anh có thể làm được nhiều việc ý nghĩa cho bà con nghèo? Anh khiêm tốn nói: “So với khó khăn của bà con biên giới, việc làm của tôi chưa thấm vào đâu. Tuy tôi vẫn còn khó khăn, nhưng xuất phát từ mệnh lệnh trong trái tim người lính, cùng với truyền thống gắn bó máu thịt của BĐBP với đồng bào các dân tộc, khi gặp những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các em nhỏ mồ côi không nơi nương tựa, không thể đến trường, tôi đã tự nguyện giúp đỡ để các em có điều kiện tới trường”.
Đầu tháng 11-2017, Đại úy Trịnh Tứ Thắng về nhận nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa, nhưng anh vẫn tích cực liên lạc với các thành viên trong nhóm “Chung tay và sẻ chia” vận động các mạnh thường quân hỗ trợ để vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12 vừa rồi, anh trở về bản Trân Trọng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) xây tặng địa phương nhà sinh hoạt cộng đồng, tặng các trang thiết bị phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con và xây mới một phòng đọc sách. Anh cho biết, tiếp tục vận động thành lập nhóm “Chung tay và sẻ chia” tại tỉnh Thanh Hóa để giúp đỡ bà con nghèo ở địa bàn anh công tác cải thiện đời sống. Năm 2018, anh đã thực hiện 15 chuyến hàng đến vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa tặng quà cho nhân dân bị thiên tai, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các trường bàn ghế, ti vi, trống trường, sách vở, quần áo, xe đạp, lương thực, thực phẩm... trị giá hơn 1,8 tỉ đồng.
Chia tay Đại úy Trịnh Từ Thắng sau chuyến đi làm từ thiện, tặng quà đồng bào nghèo chuẩn bị Tết Nguyên đán 2019, anh tâm sự: "Tôi chỉ mong có thêm thời gian để được đến với các bản nghèo, được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, hiểu và chia sẻ những khó khăn, giúp đồng bào vươn lên trong cuộc sống để mỗi mùa xuân đến thêm ấm no, hạnh phúc”.
Viết Hà