Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Người lưu giữ tiếng sáo Ve

Biên phòng - Mới đây, có dịp về xã Đắc Pring, huyện Nam Giang- một xã vùng biên xa xôi phía Tây của tỉnh Quảng Nam công tác, chúng tôi được gặp gỡ với ông Zơ Râm Ngăm, một “chứng nhân sống” trong công tác lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống để trò chuyện, tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Ve.

Ông Zơ Râm Ngăm đang thổi sáo Tuốc léc. Ảnh: Văn Sơn

Chúng tôi ngồi cùng ông Zơ Râm Ngăm trong ngôi nhà sàn ấp áp, uống ly nước trà nóng xoa đi các lạnh vùng cao. Năm nay, ông Ngăm đã tròn 80 tuổi, nhưng da dẻ vẫn hồng hào, ánh mắt tinh anh. Anh Kring Reo, cán bộ văn hóa xã Đắc Pring cho biết: “Ông Ngăm là thành viên đội cồng chiêng của thôn 49b gồm 10 người. Ông là một trong số những tài năng hiếm có với khả năng cảm âm chiêng tốt, chỉ nghe qua bài nhạc vài lần là ông Ngăm đánh theo được ngay mà không cần tập luyện nhiều”.

Ông Zơ Râm Ngăm kể: “Hồi trước, nhà tôi còn nghèo nên không có tiền để mua chiêng. Những lần tôi theo những bậc đàn anh, cha chú trong làng đi khắp các lễ hội để nghe chiêng, tập chiêng, tôi tận dụng thời gian rảnh rỗi để mượn chiêng tập và hỏi về bí quyết đánh chiêng. Vì thế, mỗi lúc mượn được chiêng của các già làng, chính là lúc tôi thực hành những giai điệu, âm thanh mình cảm nhận và nghe được. Rồi tài năng đánh chiêng của tôi được những người già trong làng biết đến và ghi nhận nên khi 15 tuổi, các già làng cho tôi vào đội cồng chiêng của làng”.

Mặc dù đời sống kinh tế gia đình ông Zơ Râm Ngăm còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng ông vẫn không từ bỏ đam mê với cồng chiêng, âm nhạc truyền thống dân tộc Ve. Mỗi khi trong thôn có lễ hội, xã tổ chức văn nghệ, ông Ngăm lại gác hết việc ruộng rẫy để cùng các thành viên trong đội cồng chiêng của thôn tham gia nhiệt tình. Ngoài cồng chiêng ra, ông Zơ Râm Ngăm còn thạo trống và am hiểu nhiều loại nhạc cụ bằng tre nứa khác. Đặc biệt, với các loại sáo Pà bam, Tuốt léc và sáo Đinh buôn thì loại sáo nào ông Ngăm thổi cũng hay.

Khi được nhìn và chứng kiến ông biểu diễn lần lượt từ sáo Pà bam, Tuốt léc đến sáo Đinh buôn rất linh hoạt, mạnh mẽ, thiết tha đi vào lòng người, chúng tôi, ai nấy đều rưng rưng xúc động. Rồi ông Ngăm lần lượt giải thích cho chúng tôi biết từng loại sáo. Nói về cách làm 3 loại sáo này, theo ông Ngăm, thì tuy nhìn bề ngoài khá đơn giản, nhưng kỳ thực, việc chế tạo không hề dễ dàng, nếu không nói là khá khó khăn. Muốn những loại sáo này khi thổi cho âm thanh hay thì công đoạn vào rừng tìm và chặt cây nứa rất quan trọng, sau đó về tỉ mẩn từng tí mới tạo ra được cây sáo nên không phải đàn ông dân tộc Ve nào cũng có thời gian để làm.

Đầu tiên, phải chọn ống nứa có lóng dài, già vừa phải, thân không quá dày, cũng không quá mỏng. Ống nứa không bị kiến đục lỗ và không bị cụt ngọn. Khi chặt nứa về, người Ve cắt bỏ hai mắt, để rỗng hai đầu gát trên gác bếp từ 1 đến 2 tháng cho thật khô. Sau đó, để hoàn thành một cây sáo phải mất từ 5 đến 7 ngày. Với sáo Tuốt léc có kết cấu đơn giản gồm một khúc nứa to bằng ngón chân cái người lớn (khoảng 2cm) và dài 5 gang tay (khoảng 1 mét), chỉ có một lỗ chính giữa của ống.

Sáo Pà bam, là một ống nứa nhỏ bằng ngón tay cái người lớn (1cm), dài 3 gang tay (khoảng 60cm), trên thân sáo có một lỗ để thổi. Đối với sáo Đinh buôn, là một ống nứa nhỏ độ lớn khoảng 1cm, dài 6 gang tay (khoảng 1m20cm). Một bộ phận quan trọng của sáo Đinh buôn là lưỡi gà ở đầu ống sáo. Lưỡi gà này chủ yếu làm bằng thân cây nứa vót mõng. Tuy nhiên, để tiếng sáo Đinh buôn được trong và vang hơn, người Ve cũng có thể dùng lưỡi gà bằng đồng.

Được biết, từ bao đời nay, người Ve (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng), sinh sống trong không gian núi rừng trùng điệp, mênh mông, tĩnh mịch, nhiều khi mưa rừng rả rích cả ngày, người Ve thường mượn nhạc cụ dân tộc để bày tỏ nỗi lòng, gửi trao tâm tư, khát vọng, niềm tin yêu cuộc sống. Những người đàn ông dân tộc Ve, thổi sáo như một cách để quên đi mệt mỏi sau những giờ đi vào rừng tìm măng, hái nấm, đi làm rẫy về. Bên cạnh đó, sáo của người Ve có thể dùng độc tấu, hòa tấu và thường xuyên để đệm cho các điệu dân ca.

Theo ông Zơ Râm Ngăm, tiếng sáo Tuốc léc, luôn réo rắt, da diết, thiết tha, còn tiếng sáo Đinh buôn nhặt khoan, vang vọng, đối với tiếng sáo Pà bam như lời thủ thỉ. Tất cả như lời tâm tình, trao gửi giữa đêm trăng, lảnh lót vang vọng, cao vút lên ngọn cây, đỉnh núi, ngân nga len lỏi vào từng ngõ xóm, đường làng nơi người người Ve định cư. Đặc biệt, giữa không gian tĩnh mịch của núi rừng, khi chàng trai và cô gái dân tộc Ve đối diện nhau, yêu nhau có vẻ ngại ngùng, không dám thổ lộ tình cảm của mình thì giai điệu của tiếng sáo Pà bam sẽ thay lời tỏ tình. Giữa những làng/thôn cách nhau từ quả đồi này sang quả đồi kia, tiếng sáo Pà bam, Tuốt léc và sáo Đinh buôn với âm điệu, tiết tấu trở thành sợi dây gắn kết, cầu nối tâm tư, kéo con người sát lại gần nhau hơn, làm cho người nghe có thể cảm nhận được tâm trạng, tình cảm của người thổi để rồi thấu hiểu mà yêu nhau, đùm bọc nhau hơn.

Cũng theo ông Ngăm, hiện tại, phong trào tập luyện đánh chiêng và thổi các loại sáo trong thôn 49b của lớp trẻ dân tộc Ve đã không còn như trước. Hầu hết các em nhỏ thì luôn dành nhiều thời gian cho học tập ở trường. Tối về, thì lại lo soạn và làm bài tập nên thời gian dành cho tình yêu và đam mê với chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống của cha ông ngày xưa hầu như không còn nữa. Đó cũng là trăn trở của ông Ngăm cũng như nhiều nghệ nhân khác trong thôn.

Anh Ka Ring Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pring cho biết: “Ông Ngăm là một người tích cực hoạt động văn hóa, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của người Ve trên địa bàn huyện Nam Giang nói chung và người Ve trong thôn 49b và xã Đắc Pring nói riêng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại thôn, ông Zơ Râm Ngăm cũng là một tấm gương người cao tuổi có uy tín, năng nổ, tích cực cùng trưởng thôn, già làng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con”.

Chia tay ông Ngăm, chúng tôi tin rằng, với nhiệt huyết và những nỗ lực của người nghệ nhân già qua các hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi tại thôn, sẽ góp phần nâng cao ý thức của lớp trẻ dân tộc Ve trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ve trên huyện vùng biên Nam Giang.

Nguyễn Văn Sơn

Bình luận

ZALO