Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Người lính với "cuộc chiến" xóa đi mặc cảm cho người bị cách ly

Biên phòng - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hiện nay, trên các đường mòn, lối mở dẫn lên biên giới, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang đã tổ chức chốt chặn nghiêm ngặt, nghiêm cấm người xuất cảnh trái phép cũng như tuyên truyền cho nhân dân hiểu về tác hại của dịch Covid-19. Đơn vị đang nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh, tiếp nhận và tiến hành cách ly đối với những người dân từ Trung Quốc trở về... Không chỉ có vậy, những người lính Biên phòng nơi đây đang phải vất vả chiến đấu với một cuộc chiến phức tạp không kém, đó là “cuộc chiến" xóa đi mặc cảm cho người bị cách ly.

2ekc65hsvy-25057_f_k6r9cw111_nh_1_4
Đại úy Nguyễn Đăng Chiến, cán bộ quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang đo thân nhiệt cho người dân trong khu cách ly tại Đoàn kinh tế Quốc phòng 313. Ảnh: Kim Nhượng

Không ai tốt như cán bộ BĐBP

Khu vực cách ly của Đoàn kinh tế Quốc phòng 313, Quân khu 2, nằm cạnh trung tâm xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, là nơi cách ly những người dân được lực lượng chức năng phía Trung Quốc trao trả trong những ngày có dịch Covid-19. Hàng ngày, những người cách ly tham gia sinh hoạt trong không gian của đơn vị quân đội, nên có phần gò bó hơn bình thường, bên cạnh đó, sự mặc cảm và lo sợ, sau khi trở về địa phương sẽ bị xa lánh lại càng làm cho tâm lý những người đang bị cách ly ở đây trở nên căng thẳng hơn. Sự mệt mỏi cũng như lo lắng in hằn trên khuôn mặt từng người.

Ông Hầu Chính Thìn, 54 tuổi, trú tại xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần sang thăm con gái lấy chồng bên Trung Quốc trước Tết Nguyên đán, khi dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền nước sở tại đã nghiêm cấm người nước ngoài lưu trú. Ông Hầu Chính Thìn đã phải cách ly 27 ngày, sau đó, ông được Công an huyện Mã Quan (Trung Quốc) trao trả cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần. Ngay sau khi tiếp nhận, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang tiến hành đo thân nhiệt và cách ly ông ngay tại Đoàn kinh tế Quốc phòng 313.

Ông Hầu Chính Thìn tâm sự: “Mới đầu mình sợ lắm, nghĩ lại cảnh bị cách ly vẫn thấy sợ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước, tất cả mọi người phải tập trung trong một cơ sở có tới hằng trăm người chen chúc nhau. Sau khi được họ báo mình sẽ được trao trả thì càng lo lắng hơn, không biết về có phải đi tù không? Cách ly thêm 14 ngày nữa, khi về dân bản liệu có cho mình về không?. Nhiều lúc nghĩ muốn trốn về lắm, nhưng trốn về thì biết về đâu? Khi về tới đây rồi mình thấy cán bộ quân y Biên phòng ân cần, nhiệt tình. Sáng, trưa, chiều, tối, ngày nào cũng thế, quân y Biên phòng xuống động viên tất cả mọi người, hướng dẫn vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ, đo thân nhiệt rồi khám cho mọi người. Đúng là không ai tốt như cán bộ Biên phòng đâu”.

Khác với ông Hầu Chính Thìn, chị Giàng Thị Chứ, 32 tuổi, trú tại thôn Suối Thầu, xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đi làm thuê cho xưởng gạch bên Trung Quốc, do không hiểu biết, lại bị chủ lừa nên vào sâu tận tỉnh Quảng Đông làm thuê. Làm được 6 tháng, chị bị lực lượng chức năng bắt giữ và tiến hành cách ly 27 ngày, sau đó mới được trao trả tại cửa khẩu Xín Mần. Cùng chung với nỗi lo sợ như ông Hầu Chính Thìn, chị Giàng Thị Chứ tâm sự: "Biết thế này thì mình đã không đi, làm thuê bên ấy khổ lắm, lại bị đuổi suốt ngày, may mà mình còn về được. Ở đây, mình được cán bộ quân y Biên phòng thường xuyên thăm khám, còn nhiệt tình giúp đỡ cả việc bếp núc, cũng như hướng dẫn dọn dẹp vệ sinh, được ra ngoài sưởi nắng, tập thể dục. Nhưng bản thân mình vẫn lo lắm nhỡ về bản, người dân bản lại nghĩ mình bị dịch bệnh, bị con ma nó nhập vào người thì sao? Sợ lắm không dám về nữa…”

Xóa bỏ mặc cảm cho người bị cách ly

Mặc dù một số người dân đang được tiến hành cách ly tại đây còn mặc cảm, lo sợ sau khi trở về địa phương sẽ bị kỳ thị. Thế nhưng, bằng tấm lòng cũng như sự quan tâm chu đáo của cán bộ, chiến sỹ BĐBP, nhất là cán bộ quân y Đồn Biên phòng Xín Mần cùng đội ngũ y bác sĩ tại đây, tâm lý mặc cảm cũng như lo sợ bị kỳ thị của người bị cách ly cũng đỡ phần nào.

Có mặt ngay tại buổi kiểm tra khu vực cách ly, đồng chí Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang chia sẻ: Bản thân tôi thực sự đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của BĐBP Hà Giang cũng như Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần. Ngoài những tổ công tác chốt chặn tại biên giới, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần còn cắt cử cán bộ quân y xuống trực tiếp khám sức khỏe cho người dân đang được cách ly. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không được phép kỳ thị người bị cách ly, vì họ không phải là bệnh nhân, họ chỉ là những người dân nằm trong diện cách ly khi ở bên kia biên giới hay đi từ vùng dịch trở về. Tiến hành cách ly là để phòng ngừa dịch bệnh, chúng ta không coi họ là người bệnh hay đưa ra một khái niệm biến họ trở nên nguy hiểm. Phải giải thích, thông cảm và làm công tác tư tưởng cho họ. Trong buổi sáng hôm nay, khi xuống khu vực cách ly tôi đã rất ấn tượng khi nhìn thấy hình ảnh bác sĩ quân y đồn Biên phòng đo thân nhiệt, khám sức khỏe, đồng thời, nói chuyện, động viên người đang được cách ly”.

2cptxjz6da-25057_f_k6r9d1ft2_nh_2_4
 Ngoài công tác thăm khám cho người cách ly, Đại úy Nguyễn Đăng Chiến còn trò chuyện cởi mở giúp mọi người thoải mái đỡ mặc cảm với bản thân. Ảnh: Kim Nhượng

Đại úy Nguyễn Đăng Chiến, y sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, là người trực tiếp hàng ngày tiếp xúc với những người bị cách ly tại đây. Anh chia sẻ: Bản thân tôi năm nay trực tết tại đơn vị, sau khi hết Tết Nguyên đán thì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhận được sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị về phòng, chống dịch Covid-19, tôi lại nhận nhiệm vụ mới. Từ khi thành lập khu cách ly tại Đoàn kinh tế Quốc phòng 313, tôi đã thường trực tại đây để thăm khám và chăm sóc sức khỏe cho những người cách ly. Đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mầm đã tiếp nhận 11 công dân được trao trả và tiến hành cách ly theo quy định. Hiện tại, có 3 trường hợp được trao trả về địa phương, 8 trường hợp còn lại vẫn tiếp tục cách ly, theo dõi trong điều kiện sức khỏe bình thường.

Khi được hỏi về tâm lý mặc cảm cũng như lo sợ của những người đang được cách ly tại đây, Đại úy Nguyễn Đang Chiến cho biết: Ngay khi về khu cách ly nhiều người có tâm lý hoang mang, lo sợ do những hủ tục của địa phương nơi họ sinh sống còn khá phức tạp. Nắm được tâm lý cũng như sự hoang mang của bà con, bản thân tôi đã báo cáo cấp ủy, chỉ huy đơn vị có biện pháp đề phòng, tránh trường hợp xấu như họ bỏ đi hay nghĩ quẩn. Ngoài kết hợp thăm, khám sức khỏe và đo thân nhiệt ra, tôi cũng như anh em trong đơn vị thường xuyên tiếp xúc giải thích cho họ hiểu. Đầu tiên phải giúp họ loại bỏ suy nghĩ họ là người bệnh, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết hợp với chính quyền địa phương nơi họ sinh sống làm công tác tư tưởng để sau khi trở về địa phương không bị người thân hay người dân xung quanh kỳ thị. 

Tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra nơi đây mới thật sự cảm nhận được nỗi khó khăn, vất vả của những người lính Biên phòng. Họ đang nỗ lực ngăn chặn dịch ngay từ cửa ngõ biên giới, đồng thời, cũng đang chiến đấu với cuộc chiến thầm lặng mà cũng quan trọng không kém “cuộc chiến làm công tác tư tưởng”. 

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO