Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

Người lính tăng và câu chuyện về Xuân Mậu Thân 1968

Biên phòng - Những ngày này 50 năm về trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đang diễn ra ác liệt trên khắp chiến trường miền Nam. Đó cũng chính là bước ngoặt vô cùng quan trọng có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Là người từng trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng-Thiết giáp đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu anh dũng, ghi vào lịch sử những nét son chói lọi.

c41u_7a
Thiếu tướng Lê Xuân Tấu tại triển lãm “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”. Ảnh: Thanh Thuận

Sáng tạo để che mắt quân thù

Tôi có may mắn được gặp Thiếu tướng Lê Xuân Tấu tại triển lãm “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng những trận đánh của “một thời đạn bom” hào hùng và bi tráng ấy vẫn lưu giữ vẹn nguyên trong ký ức người cựu binh này.

Giữa năm 1965, Lê Xuân Tấu được điều về Đại đội 3, Tiểu đoàn 198, Trung đoàn Tăng 203 (nay là Lữ đoàn xe tăng 203) mới thành lập, với chức vụ Trưởng xe. Tiểu đoàn 198 có 2 đại đội: 3 và 9, trang bị 22 xe tăng lội nước PT-76. Ông được phân công tiếp nhận và chỉ huy xe tăng số hiệu 555 thuộc biên chế Đại đội 3.

Cuối năm 1967, Binh chủng Tăng – Thiết giáp lần đầu tiên kể từ khi thành lập (1959) được nhận lệnh đưa xe tăng vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đơn vị đầu tiên được vinh dự nhận nhiệm vụ này là Tiểu đoàn 198 của Trung đoàn xe tăng 203. Sau hơn 2 tháng hành quân ròng rã, vượt ngót 1.000km đường quân sự dưới sự đánh phá, ngăn chặn ác liệt của không quân địch, Tiểu đoàn 198 đã có mặt ở Đường 9 sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Nhớ lại cuộc hành quân ấy, đôi mắt Thiếu tướng Lê Xuân Tấu ánh lên niềm tự hào. Ông cho rằng, cuộc hành quân tuy gian khổ, ác liệt dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhưng trong cái khó đã ló cái khôn, quân ta đã có những sáng tạo trong cách bảo đảm bí mật, an toàn cũng như trong nghệ thuật, chiến thuật tác chiến. “Đêm đi, xe tăng thì to, tiếng động lớn, yêu cầu đặt ra là phải ngụy trang thật kĩ dọc đường hành quân, để đưa được xe, khí tài vào tiền tuyến một cách bí mật, an toàn, trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu” - Thiếu tướng Lê Xuân Tấu bồi hồi nhớ lại.

Để bảo đảm bí mật, an toàn, đơn vị của các ông làm cái giàn như giàn mướp ngụy trang trên nóc xe tăng, để nếu máy bay địch chụp xuống thì hình hài xe tăng không còn nguyên vẹn, nên địch không phát hiện ra xe tăng của ta. Việc xóa vết xích của xe tăng nặng nề khi di chuyển, các ông cũng rất sáng tạo. Ông và đồng đội buộc vào sau xe tăng đi cuối cùng một vài cây to, đi đến đâu kéo đến đó để xóa vết xích, không phải mất công sức của bộ đội. Để bảo đảm an toàn, ông cũng nghiên cứu kỹ quy luật địch thường đánh bom trên những đoạn đường hành quân. “Việc nắm bắt quy luật là hết sức quan trọng. Điều đó giúp chúng tôi vượt qua hơn 1.000km, trong lúc thế giới chưa có một đơn vị nào, nước nào tổ chức hành quân bằng xe bánh xích xa như vậy” - Thiếu tướng Lê Xuân Tấu tâm sự.

Mở toang “cánh cửa thép” Làng Vây

Những năm 1967, 1968, Lê Xuân Tấu từng trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ. Tuy nhiên, trận đánh ở Làng Vây (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đêm mùng 6, rạng sáng ngày 7-2-1968 là trận đánh đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm nhất. Làng Vây cách biên giới Việt - Lào khoảng 10km. Thời điểm đó, để phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tại các thành phố, thị xã toàn miền Nam, quân ta tấn công địch quyết liệt tại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Trong đó, trận hiệp đồng giữa bộ đội xe tăng cùng bộ binh tiến công Làng Vây đóng vai trò trận đánh then chốt. Đây là trận đánh “mở cửa” để tiến quân vào giải phóng Khe Sanh. Kẻ địch đánh giá, căn cứ Làng Vây là “cánh cửa thép” nằm trong hệ thống phòng ngự của chúng ở phía Tây của Quảng Trị.

Trong chiến dịch này, Đại đội 3 xe tăng nhận lệnh phối hợp với Trung đoàn 24, Sư đoàn bộ binh 304 tiêu diệt địch ở Làng Vây. Nhưng, muốn đến được Làng Vây phải diệt được Đồn Tà Mây, nằm trong cụm cứ điểm Huội San, cách biên giới Lào - Việt khoảng 10km. Trong đó, cứ điểm Tà Mây nằm trên một điểm cao sát phía Bắc Đường 9 là quan trọng nhất. Đêm 23-1-1968, trước sự ném bom đánh phá ác liệt của Mỹ, ngụy, được xe 551 bắn yểm trợ, Trung đội trưởng Lê Xuân Tấu lệnh cho xe 555 tăng tốc vọt lên xông vào cổng chính, đánh thẳng vào bên trong cứ điểm, dẫn dắt bộ binh đánh vào trung tâm, diệt sở chỉ huy địch. Lần đầu tiên, thấy xe tăng ta xung trận, quân địch hoàn toàn bị bất ngờ, bỏ chạy tán loạn. 8 giờ sáng ngày 24-1, ta hoàn toàn làm chủ Đồn Tà Mây.

Sau khi chiếm Tà Mây, quân ta nhận lệnh tiếp tục tiến công cứ điểm Làng Vây. Trong trận đánh này, để tiếp tục tạo bất ngờ cho địch, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định Đại đội 9 xe tăng tiến công trên hướng Nam, lợi dụng lòng sông Sê Pôn để đưa xe tăng tập kết tại Làng Troài, từ đó tiếp cận Làng Vây rồi tiến công Làng Vây trên cả hai hướng (hướng Tây là Đại đội 3).

Đúng 23 giờ 15 phút, ngày 6-2-1968, xe tăng của ta trên các hướng bắt đầu xuất kích. Đại đội 9 xe tăng tiến công trên hướng Nam theo sông Sê Pôn. Địch không thể ngờ ta có thể dùng xe tăng tiến công từ hướng này. Từ hướng Tây, xe 555 do Trung đội trưởng Lê Xuân Tấu chỉ huy dẫn đầu đội hình Trung đội 3 của Đại đội xe tăng 3 tiến công vào cứ điểm địch, dùng hỏa lực chi viện cho bộ binh đánh chiếm vị trí tiền tiêu ở cao điểm 230. Địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy về điểm cao 320.

Sau khi công binh mở được cửa, xe 555 đã nhanh chóng tiến thẳng vào vị trí địch, bắn sập nhiều lô cốt và ụ súng. Mặc cho địch chống cự điên cuồng, Lê Xuân Tấu bình tĩnh, dũng cảm lái xe vượt qua làn đạn địch, dẫn dắt bộ binh thọc sâu, chia cắt, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch. Xe tăng 555 dưới sự chỉ huy của Lê Xuân Tấu đã cùng Trung đội 3 đánh chiếm khu Đại đội biệt kích ngụy số 103, rồi phối hợp với đơn vị bạn tiến vào sở chỉ huy địch. Bọn địch ở đây hoàn toàn tan rã và bị tiêu diệt phần lớn. Ba giờ sáng ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa. “Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây là chiến công đầu chói lọi, mở ra trang sử vàng truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Chiến thắng ấy đã đi vào lịch sử và sẽ còn sống mãi” - Thiếu tướng Lê Xuân Tấu nhận định.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO