Biên phòng - Với tinh thần trách nhiệm và uy tín của mình, ông Ly Sình Pao, ở thôn Lùng Chin Hạ, xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang bao năm nay đã luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thàng Tín, BĐBP Hà Giang làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo sự bình yên cho các bản làng vùng biên giới và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Con đường dẫn lên chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực mốc 232 có lẽ là con đường vất vả nhất mà tôi từng đi qua trong những chuyến công tác lên với biên giới tỉnh Hà Giang. Từ Đồn Biên phòng Thàng Tín phải mất gần 3 giờ đồng hồ đi xe máy và gần 1 giờ đi bộ leo núi mới có thể tới chốt, nơi mà 4 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thàng Tín đang âm thầm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực mốc 232 là căn lán được thưng bằng gỗ, mái lợp bằng tấm lợp prô xi măng, khác hẳn so với những tổ, chốt hiện nay đang được bán kiến cố dọc biên giới. Cũng dễ hiểu thôi, vì địa hình nơi đây không thuận lợi cho việc đi lại chứ đừng nói tới vận chuyển nguyên vật liệu lên đây để làm nhà bán kiên cố. Đại úy Trần Mạnh Hùng, nhân viên Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Thàng Tín hồ hởi ra đón chúng tôi, anh bảo: “Chốt nằm chót vót trên đỉnh núi Cổng Trời, vì xa xôi, cách trở nên anh em trên chốt vui lắm khi có người đến thăm”. Nói rồi, anh mời chúng tôi vào chốt uống nước, bất giác, tôi để ý thấy một ông già tuổi đã cao, mặc chiếc áo chàm, đội mũ nồi đang ngồi dưới gian nhà bếp, chưa kịp hỏi thì Đại úy Hùng nói luôn: “Giới thiệu với anh, đây là ông Ly Sình Pao, 70 tuổi, sống ở thôn Lùng Chin Hạ, xã Thèn Chu Phìn, ngay dưới chân núi nơi anh vừa đi qua”.
Tôi chăm chú lắng nghe lời giới thiệu của 4 anh em trên chốt mới biết, ông Ly Sình Pao đã gắn bó với bộ đội ở chốt từ những ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát tại nước láng giềng Trung Quốc. Khi mới thành lập chốt, đơn vị gặp nhiều khó khăn về vị trí đóng chốt cũng như vật liệu dựng lán. Thế nhưng, khi gặp ông Ly Sình Pao, mọi việc đều êm xuôi hết, ông vận động dân làng cho bộ đội mượn đất nương làm lán, dựng chốt, đi nương về là ông lại mang thịt, rau, măng cho anh em cải thiện bữa ăn.
Thấy anh em kể chuyện về mình, ông Pao từ dưới bếp đi lên tươi cười, rồi bảo: "Cán bộ nói quá rồi, mình giúp được cái gì thì mình giúp thôi. Người dân ăn thế nào thì bộ đội cùng ăn như thế, không có gì phải ngại, chống dịch còn dài mà”. Được biết, ông Ly Sình Pao vừa là già làng, vừa là người có uy tín của thôn Lùng Chin Hạ, một mình gia đình ông nhận trông 2 cột mốc là 232 và 233, vì 2 cột mốc nằm trên nương thảo quả của ông nên việc trông coi, quản lý cột mốc dễ dàng hơn.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi chiếc quạt tự dưng ngừng quay, trời nắng nóng làm cho căn lán trở nên ngột ngạt, nóng bức, ông Ly Sình Pao cười xuê xoa: “Cái máy lại hỏng rồi”... Đại úy Trần Mạnh Hùng bảo: “Ở đây không có điện, cũng không có sóng điện thoại, chúng tôi dùng một chiếc máy phát điện nhỏ, đặt dưới khe suối, công suất của máy phát điện chỉ đủ để thắp được một bóng đèn dùng cho sinh hoạt, ăn uống vào ban đêm. Còn ban ngày thì đấu vào chiếc quạt nhỏ kia, mùa này nắng nóng, nước cạn nên hay chập chờn”.
Trung tá Nguyễn Khắc Thuần, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thàng Tín cho chúng tôi biết: Đồn Biên phòng Thàng Tín bảo vệ hơn 20km đường biên giới với 9 cột mốc, từ mốc số 224 đến mốc 232, quản lý 3 xã Pố Lồ, Thèn Chu Phìn và Thàng Tín. Khu vực mốc 232 nằm biệt lập trên đỉnh núi Cổng Trời, nơi có nhiều đường mòn, lối mở dẫn sang biên giới, phía Bắc giáp hương Mãnh Động, huyện Ma Ly Pho, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây tiếp giáp với xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, thế nên tiềm ẩn nguy cơ nhiều đối tượng lợi dụng để xuất, nhập cảnh trái phép. Từ khi thành lập chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực mốc 232, chúng tôi đã phát hiện hơn 50 trường hợp có ý định xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới, thế nhưng, được sự giải thích cặn kẽ của cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt, người dân đã hiểu và từ bỏ ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Nhắc đến vai trò của ông Ly Sình Pao, Trung tá Nguyễn Khắc Thuần nói với giọng đầy cảm phục: Ông Ly Sình Pao luôn sát cánh cùng bộ đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, không những thế, ông còn tích cực tuyên truyền cho người dân tại xã Thèn Chu Phìn tuân thủ quy định phòng, chống dịch cũng như kêu gọi bà con hỗ trợ bộ đội trong những ngày đầu thành lập chốt. Ông thường lồng ghép các buổi họp dân, họp thôn để tuyên truyền, vận động bà con chủ động các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; không xuất, nhập cảnh trái phép, chủ động ngăn chặn dịch bệnh từ biên giới. Qua công tác tuyên truyền, người dân xã Thèn Chu Phìn đã cam kết 100% không xuất cảnh trái phép, đồng thời, cung cấp hàng chục tin có giá trị, liên quan đến việc nhập cảnh trái phép cho cán bộ Đồn Biên phòng Thàng Tín tiếp nhận, xử lý theo quy định của pháp luật.
Người có uy tín trong thôn, bản biên giới đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cũng như phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Họ giống như tai, mắt của người lính Biên phòng, là chỗ dựa tin cậy để BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính những người như ông Ly Sình Pao đã giúp người dân biên giới tự giác chấp hành nghiêm các quy định, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho bản thân và cộng đồng; không xuất, nhập cảnh trái phép, không tiếp tay, bao che cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, tích cực tham gia cùng BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Kim Nhượng