Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 08:13 GMT+7

Người lính Biên phòng vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Lào

Biên phòng - Trong cái nắng gay gắt miền biên cương những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế đến thăm nhân dân bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà san sát và màu xanh của những nương ngô, vườn dứa bạt ngàn - minh chứng cho mồ hôi, công sức và sự sẻ chia của những người lính quân hàm xanh nơi đây đã xây đắp nên tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt trên biên giới Việt Nam - Lào.

Những ngôi nhà ở bản Sê Sáp do BĐBP Thừa Thiên Huế giúp đỡ người dân nơi đây xây dựng. Ảnh: Võ Tiến

Những công trình hữu nghị

Thượng tá A Liêng Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nhớ lại: “Cầu Xê Rông này do tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, BĐBP tỉnh hỗ trợ thi công, qua đó, mang đến niềm hân hoan cho dân bản Ka Lô. Bây giờ, dù trong mùa mưa lũ, dòng Xê Rông có dâng cao ầm ào đến mấy, cũng không thể ngăn cản được bước chân của dân bản khi lên rẫy, vào rừng, hoặc chở nông sản đến chợ A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) trao đổi, mua bán”.

Dân bản Ka Lô chào đón chúng tôi bằng những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt và nụ cười thật tươi. Trong ngôi nhà sàn của Trưởng bản Ka Lô - ông Kê Oi, những trái dứa chín mọng được người dân mang đến thiết đãi khách quý. Ông Kê Oi tươi cười nói: “Đây là giống dứa được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt tặng dân bản Ka Lô. Bà con dân bản vừa thu hoạch trên rẫy, dùng ăn hằng ngày, cũng để mời khách quý, người thân. Mà đối với Ka Lô, BĐBP là người thân, người quý, đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, sức lực, tâm huyết, giúp dân Ka Lô dựng bản”.

Trưởng bản Kê Oi nhớ lại: “Những năm tháng trước đây, chúng tôi ở giữa núi rừng, đường sá khó khăn hiểm trở, bản cũ cách xa trung tâm huyện Kà Lừm cả chục ngày đường. Cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm rẫy khiến dân bản tha phương, cứ hết vài mùa rẫy, lại kéo nhau dời chỗ ở. Nhà dựng tạm bợ. Cuộc sống cũng tạm bợ, thiếu thốn, khổ cực trăm bề, không có trường học, đói cái chữ. Đau ốm chỉ dùng lá thuốc mà lá thuốc hái ở rừng không thể cứu mạng những người bệnh nặng”…

Tiếp lời Trưởng bản Kê Oi, Thượng tá Hồ Sỹ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt kể: “Năm 2008, dân bản Ka Lô dời chỗ ở đến gần biên giới đối diện với địa bàn quản lý của đơn vị tôi. Để giúp dân bản Ka Lô khởi đầu cuộc sống mới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ kinh phí; BĐBP tỉnh trực tiếp thi công xây dựng 42 ngôi nhà và trường học. Thời tiết khắc nghiệt, đường sá lầy lội, những trận mưa rừng khiến con suối trên đường đến bản Ka Lô trở nên “hung dữ”, nguy hiểm. Việc vận chuyển vật liệu thi công hết sức khó khăn”.

Trước nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giao phó cho lực lượng BĐBP, lúc đó, Đại tá Hoàng Xuân Chiến, Chỉ huy trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế (nay là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đích thân chỉ huy công tác thi công, cùng cán bộ, chiến sĩ lội suối, băng rừng, vượt qua những chặng đường bùn lầy, dãi nắng, dầm sương, ngủ lán suốt 8 tháng trời ròng rã xây dựng nên bản làng khang trang để người dân Ka Lô an cư.

Từ 42 ngôi nhà với khoảng 200 nhân khẩu của những ngày dựng bản, bây giờ, Ka Lô đã có 81 ngôi nhà với khoảng 500 nhân khẩu. Những mái tôn màu xanh là “điểm nhấn” để dễ dàng nhận ra 42 ngôi nhà ban đầu do BĐBP giúp người dân nơi đây xây dựng. “Nhờ sự giúp đỡ của BĐBP về cây, con giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, bây giờ, dân bản biết chăn nuôi gia súc, đào ao thả cá, biết trồng chuối, trồng dứa, trồng gừng… Trong bản có 10 hộ dân có trang trại, cuộc sống ngày càng ổn định” - Trưởng bản Kê Oi vui mừng khoe.

Trên con đường uốn lượn quanh co, chúng tôi bắt gặp những người lính Biên phòng đang thấp thoáng trên đỉnh núi nơi đầu nguồn con suối. Thượng tá A Liêng Hà cho biết thêm: “Đấy là cán bộ, chiến sĩ của đơn vị sang giúp Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, Lào xây dựng hệ thống nước sinh hoạt.

Công trình này có tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng, do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ; giao cho BĐBP tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng. Bây giờ đang vào giai đoạn nước rút hoàn thành để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão, đồng thời đây cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022)”.

Bên nhau trong gian khó

Chia tay bản Ka Lô, chúng tôi đến thăm nhân dân bản Sê Sáp (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào). Có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Hồng Thái đúng lúc Thiếu tá, y sĩ Biên phòng Phạm Khắc Kế đang khám bệnh cho bà Nàng Mít - nữ bệnh nhân ở bản Sê Sáp. Cách anh dặn dò cẩn thận, tỉ mỉ từng chút về việc uống thuốc, giữ gìn sức khỏe, khiến nữ bệnh nhân xúc động không nói nên lời. Bà Mít xúc động bộc bạch: “Bao năm qua, bất cứ bệnh nhân nào, trong tình huống khẩn cấp, dù đêm khuya hay mưa gió, đều được Đồn Biên phòng Nhâm hỗ trợ, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời”.

Cán bộ BĐBP Thừa Thiên Huế tặng gà giống cho người dân bản Sê Sáp. Ảnh: Võ Tiến

Hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai, có lẽ lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới không quên được những ngày gian khó ấy. Các bản của nước bạn Lào tiếp giáp biên giới bị chia cắt, khó khăn vây quanh tứ bề. Hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế đã được nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và lực lượng BĐBP tặng cho các bản Lào dọc biên giới, Đồn Công an Cô Tài, Đại đội bảo vệ biên giới 511, Đồn Công an Tà Vàng, Đại đội bảo vệ biên giới 531... với tổng trị giá hàng tỷ đồng.

Đại úy Un Khăm Kiên Ty Sắc, Chính trị viên Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, Lào nhớ như in tình cảm, những tấm lòng, đặc biệt trách nhiệm, yêu thương của lực lượng BĐBP Thừa Thiên Huế đối với lực lượng vũ trang và nhân dân trong lúc gian khó ấy.

“Dịch bệnh, mưa bão đã chia cắt mọi tuyến đường, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời ấy thì chúng tôi không thể nào vượt qua được. Chúng tôi cảm ơn những tình cảm đặc biệt mà chính quyền, nhân dân và BĐBP Thừa Thiên Huế đã dành tặng cho chúng tôi” - Đại úy Un Khăm Kiên Ty Sắc chia sẻ.

Còn với ông Khăm Sinh, Trưởng bản Sê Sáp thì không thể nào quên được hình ảnh những đoàn xe máy vượt qua những chặng đường khúc khuỷu, gồ ghề để vận chuyển lương thực đến cứu trợ bà con dân bản. Ông xúc động chia sẻ: “Trời mưa như đổ nước, đường lầy lội, bùn đất quấn đầy bánh xe, những chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm đã cởi áo mưa của mình để bọc kín các bì gạo, thùng mì tôm. Các anh thà để mình ướt để kịp thời cứu trợ bà con, chúng tôi biết ơn nhiều lắm”.

Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế, người đã từng cùng các đồng đội để lại dấu chân, tình cảm gắn bó ở những bản của Lào chia sẻ: “Mang theo “vật liệu” đặc biệt, là tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Lào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế đã đổ biết bao mồ hôi xuống mảnh đất, con suối, sườn đồi ở các bản Ka Lô, Sê Sáp, Cô Tài… (huyện Xá Muội, tỉnh Salavan, Lào).

Minh chứng sống động cho những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế đó là những bản làng dọc theo biên giới nước bạn ngày càng phát triển, cuộc sống người dân ấm no, tình đoàn kết, hữu nghị của quân và dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt”.

Võ Tiến

Bình luận

ZALO