Biên phòng - Những năm qua, dù có lúc tác nghiệp trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh nhưng với lòng yêu nghề, đội ngũ những người làm báo Biên phòng luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, xung kích nơi tuyến đầu và trong từng nhiệm vụ để mang tới bạn đọc những thông tin có giá trị, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền của lực lượng BĐBP. Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Báo Biên phòng đã có những chia sẻ về nghề báo.
Đại tá Nguyễn Đăng Bảy, phóng viên Báo Biên phòng: Tác nghiệp thời Covid-19 cần phải có sự “dấn thân”
Tác nghiệp báo chí trong lúc dịch Covid-19 bùng phát là một trong những dấu ấn khó phai đối với tôi. Lần giở sổ lưu bút, mới thấy, từ đầu mùa dịch tới nay, số lần đi công tác của tôi về các vùng trọng điểm là khá nhiều với 22 chuyến và 40 lượt tới các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước và 4 tỉnh tại Tây Nguyên. Qua những chuyến tác nghiệp trong mùa dịch, tôi càng cảm nhận và trân trọng hơn sự hy sinh thầm lặng của những người đang âm thầm làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Chuyến đi nào, tôi cũng tác nghiệp ở các chốt phòng, chống dịch Covid-19, khu vực cửa khẩu, khu cách ly tập trung. Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, nhưng tôi không lo sợ, chùn bước. Cùng với việc tự trang bị kiến thức bảo vệ sức khỏe của mình, tôi chọn cách “dấn thân có trách nhiệm”, mỗi chuyến công tác đều phải đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Và điều quan trọng nhất là kịp thời chuyển tải được công tác phòng, chống dịch trên biên giới đến với công chúng; góp phần động viên những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu; củng cố niềm tin cho những người ở tuyến sau về quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.
Chính vì “dấn thân” nên từ đầu năm 2020 đến nay, tôi đã có khoảng 250 tin, bài và trên 300 tấm ảnh về công tác bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 được sử dụng trên các ấn phẩm của Báo Biên phòng.
Đại úy Nguyễn Viết Lam, phóng viên Báo Biên phòng: Nhớ mãi về những ngày tác nghiệp trong nước mắt
Đợt mưa, lũ kéo dài diễn ra vào tháng 10-2020 tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nhiều về người và tài sản của nhân dân. Đặc biệt, trong hành trình giúp dân, nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã hy sinh trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng đội và nhân dân.
Là người lính cầm bút, được sự phân công của Ban Biên tập Báo Biên phòng, tôi đã có gần một tháng tác nghiệp trực tiếp ở địa bàn trọng điểm thiên tai từ Lệ Thủy (Quảng Bình) vào Hướng Hóa (Quảng Trị), rồi Trà Leng (Quảng Nam)... để phản án công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của quân và dân nơi đây.
Cũng như lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khi tác nghiệp tại hiện trường, phóng viên gặp phải không ít khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng bằng trách nhiệm, kinh nghiệm tác nghiệp, sự hỗ trợ của đồng đội, đồng nghiệp, che chở của người dân, tôi đã vượt qua trở ngại, kịp thời có những tin, bài gửi về toàn soạn.
Có lẽ, đây là những sự kiện in sâu trong cuộc đời làm báo, bởi tôi phải chứng kiến quá nhiều sự mất mát, hy sinh của người dân và đồng đội.
Thượng úy Lê Hữu Tình, Thư ký tòa soạn Báo Biên phòng: Cộng tác viên là “cánh tay nối dài” của tòa soạn
Đối với bất kỳ cơ quan báo chí nào, cộng tác viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Đối với Báo Biên phòng, kể từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong điều kiện phóng viên hạn chế đi công tác để phòng, chống dịch thì vai trò của cộng tác viên, nhất là cộng tác viên ở cơ sở càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều đáng mừng là trong bối cảnh dịch bệnh, số lượng tin, bài của cộng tác viên gửi về tòa soạn Báo Biên phòng tăng đáng kể so với trước đây, trong đó, nhiều tác phẩm có chất lượng cao, giàu tính thời sự, thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết của các tác giả.
Có thể nói, dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống. Điển hình là trong gần 2 tháng qua, mọi khâu trong quy trình sản xuất báo in của tòa soạn Báo Biên phòng đều được thực hiện thông qua internet. Lần đầu tiên, quy trình sản xuất báo in được vận hành theo cơ chế “tòa soạn điện tử”. Mặc dù còn gặp một số rào cản về kỹ thuật, song với phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, phương thức làm việc trực tuyến đã đáp ứng được yêu cầu về bảo mật thông tin và thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”: Vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa tổ chức sản xuất, phát hành các số báo theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Đại úy Huỳnh Văn Chín, cộng tác viên Báo Biên phòng tại BĐBP Quảng Nam: Tác nghiệp trong khu cách ly là trải nghiệm khó quên trong nghề báo
Phải “trực chiến” cùng đồng đội trong khu cách ly dành cho những người có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao, vô tình lại trở thành cơ hội cho tôi ghi nhận được những thông tin, hình ảnh chân thật nhất để gửi tới bạn đọc. Cái khó là tôi chỉ có chiếc điện thoại di động để tác nghiệp. Tôi liên lạc với đồng nghiệp ở Báo Biên phòng và Báo Quảng Nam, chia sẻ ngắn gọn về những gì đang diễn ra, cung cấp các thông tin nền cũng như tường thuật chính “trải nghiệm” của mình và đề nghị phối hợp tác nghiệp.
Không lâu sau đó, các tin, bài cùng phóng sự ảnh của tôi và các phóng viên đồng tác giả đã ra đời. Những bài viết đã trở thành nguồn động viên to lớn, là sự ghi nhận những công việc thầm lặng, không quản ngại vất vả, nguy hiểm của lực lượng BĐBP khi tham gia phòng, chống dịch.
Đồng đội đọc bài viết, rồi chia sẻ cho người thân ở nhà. Quan trọng nhất, diễn biến và thông tin được chuyển tải kịp thời, chính xác, giúp đông đảo người dân hiểu, yên tâm hơn, giúp cho công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao.
Đồng chí Hoàng Kim Nhượng, phóng viên Báo Biên phòng: Tất cả vì nhiệm vụ chống dịch nơi tuyến đầu
Tôi may mắn khi được công tác tại Báo Biên phòng, tờ báo gắn liền với đời sống, công tác, chiến đấu của BĐBP và nhân dân ở khu vực biên giới. Dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, tôi đi công tác ngay từ mùng 4 Tết Âm lịch và sau đó là một năm gắn bó với các tổ, chốt trên biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Nhiều câu chuyện về người lính Biên phòng làm tôi không thể nào quên.
Điển hình là câu chuyện của Thượng úy Đỗ Ngọc Mỹ, nhân viên trinh sát Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang. Là con duy nhất trong gia đình, mồ côi cha, mẹ đã gần 70 tuổi nên Thượng úy Đỗ Ngọc Mỹ luôn lo nghĩ về mẹ. Anh tiết kiệm được một khoản tiền, xây cho mẹ căn nhà cấp 4 nhưng chưa xong. Trong thời gian làm nhiệm vụ tăng cường cho các chốt chống dịch, mẹ anh nhập viện cấp cứu do đột quỵ. Nghe anh tâm sự, tôi liền hỏi, sao anh không xin đơn vị về nghỉ tranh thủ trông nom mẹ? Anh đáp: “Nhiều anh em còn có hoàn cảnh khó khăn hơn, nếu ai cũng xin nghỉ thì đơn vị làm sao có thể hoàn thành nhiệm vụ được”. Tình cảm đối với mẹ của người lính ấy đã nén lại vào trong để dồn sức chống dịch và đó là điều khiến tôi khó quên nhất trong những ngày tháng làm báo của mình.
Thùy Trang (lược ghi)