Biên phòng - Người La Hủ, ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vốn sống du canh, du cư trong những cánh rừng sâu, hẻo lánh, tách biệt với thế giới bên ngoài. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, thiếu thốn đủ bề, họ phải đối diện với bệnh tật, nguy cơ suy thoái về giống nòi. Thế nhưng, sau nhiều năm, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, BĐBP, người La Hủ đang hồi sinh mạnh mẽ. Họ đã định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Bài 1: Cuộc “dừng chân” lịch sử
Được chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu vận động, dựng nhà, người La Hủ ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã “dừng chân” định cư. Các tổ công tác Biên phòng được triển khai, cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn hướng dẫn nhân dân khai hoang, trồng lúa nước, xây dựng nếp sống mới. Nhiều năm sau cuộc “dừng chân” lịch sử, cuộc sống, nhận thức của người La Hủ đang có những đổi thay đến khó tin.

Sau nhiều năm trở lại, con đường vào trung tâm xã biên giới Pa Ủ đã được rải nhựa phẳng lì, uốn lượn dưới những tán rừng nguyên sinh, xanh mát. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà kiên cố, vững chãi của đồng bào La Hủ ở các bản làng đã xuất hiện nhiều hơn. Khi biết chúng tôi muốn vào bản tái định cư Hà Xi, Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ khẳng định: “Dù cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bản làng đã có những sự thay đổi đáng mừng! Các gia đình đã sửa chữa, dựng thêm nhà khi tách hộ cho con. Họ cũng đã làm quen với việc trồng rau xanh trong vườn, khai hoang ruộng lúa nước, bảo vệ rừng”.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe máy, bản làng của người La Hủ đã hiện ra trước mắt với những mái nhà gỗ kiên cố, lợp bằng tôn xanh. Ở dưới thửa ruộng chạy dọc chân đồi, một số người dân và cán bộ BĐBP đang làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ lúa hè thu. Bản Hà Xi được thành lập từ năm 2008 từ việc vận động người La Hủ sinh sống rải rác trên các cánh rừng biên giới về định cư. Trước khi về bản mới, người La Hủ sống theo từng nhóm trong các cánh rừng hoang vắng, gần như không có các hoạt động giao lưu với thế giới bên ngoài, cuộc sống phụ thuộc cơ bản vào hái lượm, đào củ, săn bắt thú rừng. Khi những ngôi lán được dựng từ thân cây, lá rừng hư hỏng, họ lại chuyển đến địa điểm mới. Cuộc sống nay đây, mai đó khiến người La Hủ chịu cảnh đói nghèo, bệnh tật và nguy cơ suy thoái giống nòi.
Sau 12 năm với những chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước và công sức của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP, cuộc sống người La Hủ ở Hà Xi đang dần khởi sắc. “Cả bản hiện có 62 hộ/263 nhân khẩu sống quây quần bên nhau. Nhờ BĐBP chỉ cho cách làm lúa nước, làm rẫy và nhận tiền giữ rừng hằng năm nên chúng tôi đã cơ bản chủ động được lương thực. Có trên 30 gia đình sắm được ti vi để xem, xe máy để đi lại, con cái được học hành đầy đủ” - Ông Giàng Phí Chơ, Trưởng bản Hà Xi khẳng định.
Trước thực trạng đó, BĐBP Lai Châu đã tham mưu cho chính quyền địa phương, Bộ Tư lệnh BĐBP có chính sách hỗ trợ đồng bào La Hủ hồi sinh. Trong đó, công tác vận động, hỗ trợ nhân dân dựng nhà, lập bản định canh, định cư được xác định là yếu tố then chốt nhất. Năm 2008, chủ trương lớn về việc giúp đỡ đồng bào La Hủ định canh, định cư ở bản Hà Xi đã được Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Lai Châu thông qua bằng những biện pháp, cách làm cụ thể. Chiến dịch mang tên "50 ngày đêm hướng về biên giới" xây dựng 18 căn nhà Đại đoàn kết tặng dân bản Hà Xi đã được BĐBP Lai Châu phát động.
Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã hành quân lên Hà Xi, tập trung thực hiện nhiệm vụ dựng nhà cho dân. Để đến được bản làng của người La Hủ, những người thực hiện nhiệm vụ phải ngược dòng con suối sâu, vượt núi, đã có hàng trăm mét thang vượt vách đá và hàng chục mét cầu tạm vượt suối, vượt vực được tạo nên. Trong hành trình gian nan, vất vả đó, trên vai các cán bộ, chiến sĩ là vật liệu xây dựng để làm nhà, lương thực phục vụ cho cuộc sống trước mắt của nhân dân. Sau gần 2 tháng trời với hàng trăm ngày công của cán bộ, chiến sĩ, bản mới Hà Xi với hàng chục ngôi nhà lợp màu tôn xanh đã được dựng lên ở biên giới để người La Hủ thực hiện cuộc “dừng chân” lịch sử.

Cũng từ đó, một tổ công tác của Đồn Biên phòng La Hủ đã được phân công ở lại bám bản, hướng dẫn bà con khai hoang phục hóa, trồng trọt. Những người lính mang quân hàm xanh đã hướng dẫn tỉ mỉ để đồng bào La Hủ biết cách cầm cuốc, trồng rau, cấy lúa... Không chỉ lăn lộn trên đồng ruộng, đêm đến, các anh còn tổ chức chiếu phim, dạy chữ cho bà con, rồi hướng dẫn họ cách sinh hoạt, vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh. Quân y BĐBP cũng được tăng cường “cắm bản” để khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân. Cùng thời gian, khi người dân đã ổn định cuộc sống, điểm trường mầm non, tiểu học cũng được xây dựng để các em nhỏ con em người La Hủ được học tập.
Bài 2: Giữ “của” cho dân
Viết Lam - Nguyễn Linh