Biên phòng - Người La Hủ, ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vốn sống du canh, du cư trong những cánh rừng sâu, hẻo lánh, tách biệt với thế giới bên ngoài. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, thiếu thốn đủ bề, họ phải đối diện với bệnh tật, nguy cơ suy thoái về giống nòi. Thế nhưng, sau nhiều năm, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, BĐBP, người La Hủ đang hồi sinh mạnh mẽ. Họ đã định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Bài 1: Cuộc “dừng chân” lịch sử
Bài 3: “Xóa nghèo” tri thức
Cùng với các biện pháp giúp đồng bào La Hủ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống vật chất, Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu cũng chăm lo “xóa nghèo” tri thức cho nhân dân trên địa bàn. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã nhận 2 em học sinh (mồ côi cả cha lẫn mẹ) làm con nuôi để chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập tại đơn vị. Chỉ sau một thời gian ngắn về ở “ngôi nhà lính”, cả 2 em học sinh người La Hủ đang tiến bộ rất nhiều.
Do đặc thù địa bàn rộng, Đồn Biên phòng Pa Ủ duy trì 2 tổ công tác địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời, giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Những cán bộ, chiến sĩ tại các tổ công tác cũng là điểm tựa của thầy, cô giáo trong quá trình gieo chữ ở vùng “đất khó”. Bộ đội cùng giáo viên sửa chữa trường lớp, tìm đến từng gia đình vận động học sinh trở lại trường khi các em bỏ học.
Ở tổ công tác Biên phòng bản Mu Chi, Đồn Biên phòng Pa Ủ thường xuyên có 2 cậu học trò Vàng Ló Hừ và Kỳ Hừ Đư (đều là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Pa Ủ) ăn ở, sinh hoạt, học tập. Qua câu chuyện với Thiếu tá Vũ Văn Luyến, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Mu Chi, tôi được biết, cả hai em đều là con nuôi của Đồn Biên phòng Pa Ủ. Vì trường học gần với tổ công tác nên các em được bố trí ăn ở, sinh hoạt ở đây để thuận lợi cho việc lên lớp mỗi ngày. Cả Hừ và Đư đều sớm gặp cảnh bất hạnh khi cha và mẹ đều lần lượt qua đời. Mặc dù các em được người thân đón về cưu mang, nhưng trong điều kiện cuộc sống thiếu thốn trăm bề, cả hai có nguy cơ bỏ dở việc học tập.
Nắm được thông tin, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã bàn bạc, đi đến thống nhất nhận 2 em làm con nuôi và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, đại diện gia đình, đơn vị đã đón 2 em về đồn nuôi dưỡng, chăm lo việc học tập. “Khi mới về đây, các em gầy guộc, nhút nhát lắm, nhưng giờ đã cao lớn hơn hẳn các bạn cùng trang lứa. Qua trao đổi với giáo viên nhà trường và thực tế hằng ngày thấy 2 em học tập, sinh hoạt tiến bộ lên nhiều. Giờ 2 em gần như ở đây quanh năm, chỉ thỉnh thoảng mới về thăm người thân” - Thiếu tá Luyến khẳng định.
Ở đây, mỗi ngày, cả Hừ và Đư được cán bộ, chiến sĩ chăm lo ăn uống, sinh hoạt, học tập. 2 bạn nhỏ cũng duy trì giờ giấc, tác phong sinh hoạt như những người lính thực thụ nên trông chững chạc hơn tuổi. Mỗi ngày, sau giờ thể dục, ăn sáng, 2 em cùng nhau đến trường học tập. Ngoài giờ lên lớp, cả hai lại bảo nhau tự ôn tập bài vở, phụ giúp cán bộ, chiến sĩ BĐBP những việc nhỏ tại khuôn viên tổ công tác. “Ngoài giờ học, khi trở về “nhà”, cháu thích tưới rau, cho cá ăn, phụ giúp các “bố”, các “anh” nấu ăn. Nhiều bạn ở trường bảo cháu sướng khi được làm con nuôi của đồn Biên phòng” - Em Vàng Ló Hừ hồn nhiên chia sẻ.
Có lẽ, do có cùng cảnh ngộ nên trong học tập, cuộc sống thường ngày, Hừ và Đư luôn chia sẻ, thương yêu, hỗ trợ lẫn nhau như anh em ruột thịt trong một gia đình. Không chỉ đón Hừ và Đư về nuôi dưỡng, học tập lâu dài tại đơn vị, Đồn Biên phòng Pa Ủ cũng đang đỡ đầu 3 học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện được đến lớp. Mỗi tháng, cán bộ, chiến sĩ đều trích quỹ lương 500 nghìn đồng để hỗ trợ các em mua sách vở, quần áo đến trường, đồng thời, thường xuyên cử cán bộ đến động viên, thăm hỏi.

Không chỉ chăm sóc cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Đồn Biên phòng Pa Ủ cũng phối hợp với ngành giáo dục, chính quyền địa phương mở các lớp xóa mù chữ. Cùng với đó, đơn vị luôn chú trọng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân.
Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết: “Mặt công tác này được đơn vị triển khai rất đều đặn với nhiều hình thức, nội dung sát thực với cuộc sống của nhân dân. Có khi công tác tuyên truyền được thực hiện tập trung, sân khấu hóa, thậm chí qua phim ảnh..., chính vì thế, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên”.
Ngoài ra, Đồn Biên phòng Pa Ủ cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức, duy trì các hoạt động văn hóa tinh thần cho người dân vào những dịp lễ, Tết. Điều đó tạo không khí đoàn kết, vui tươi và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của người La Hủ. Có thể nói, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực suốt cả thời gian dài, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp đồng bào La Hủ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đồng bào La Hủ cũng là cánh tay nối dài của BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Viết Lam - Nguyễn Linh