Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 02:42 GMT+7

Người La Hủ hồi sinh (bài 2)

Biên phòng - Người La Hủ, ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vốn sống du canh, du cư trong những cánh rừng sâu, hẻo lánh, tách biệt với thế giới bên ngoài. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, thiếu thốn đủ bề, họ phải đối diện với bệnh tật, nguy cơ suy thoái về giống nòi. Thế nhưng, sau nhiều năm, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, BĐBP, người La Hủ đang hồi sinh mạnh mẽ. Họ đã định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Bài 1: Cuộc “dừng chân” lịch sử

Bài 2: Giữ "của" cho dân

Để tránh thất thoát “bò dự án”, Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu đã xây dựng chuồng trại, tập trung quản lý và hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc gia súc. Đến nay, số lượng đàn bò của đồng bào La Hủ ở xã biên giới Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu không ngừng phát triển. Nhờ vậy, có thêm nhiều gia đình ở địa bàn biên giới được cấp con giống, ý thức về chăn nuôi, lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân cũng được nâng lên.

Chiến sĩ Tổ công tác Biên phòng bản Mu Chi hướng dẫn người dân cắt cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Viết Lam

Trên hành trình vào trung tâm xã biên giới Pa Ủ, đoạn qua Tổ công tác Biên phòng bản Mu Chi, chúng tôi bắt gặp một chiến sĩ trẻ mang quân hàm xanh và một người dân mặc trang phục của đồng bào La Hủ đang dẫn đàn bò hàng chục con về khu chuồng trại được xây dựng gần bên trục đường liên xã. Xung quanh khu chuồng trại còn có ao cá, bãi cỏ voi, những luống rau xanh được bố trí rất đẹp mắt. Đến địa bàn bản Tân Biên, chúng tôi tiếp tục bắt gặp hình ảnh tương tự, số lượng cả hai đàn bò do các chiến sĩ Biên phòng và người dân chăm sóc lên đến cả trăm con. Khi gặp và trò chuyện, Thiếu tá Đỗ Văn Đàm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ khẳng định: “Tất cả đàn bò đều là tài sản của đồng bào La Hủ trong xã, chúng tôi chỉ giữ hộ cho dân thôi”.

Thiếu tá Đỗ Văn Đàm chia sẻ: “Thời gian tới, số bò sinh sản tiếp tục được chia cho các gia đình khác. Chúng tôi cũng sẽ thí điểm bàn giao bò cho một số gia đình tự chăn thả, tuy nhiên, cuối ngày vẫn phải đưa về khu chuồng trại tập trung để quản lý. Chỉ khi nào đồng bào La Hủ thật sự nhận thức được đó là tài sản lớn, là sinh kế lâu dài của họ thì bộ đội mới yên tâm “trả” bò cho dân”.

Trong những năm gần đây, cùng với BĐBP, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tại địa phương đã có chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản để đồng bào La Hủ chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững. “Chủ trương tặng bò giống để đồng bào La Hủ tạo sinh kế là rất đúng đắn, phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, từ thực tế, chúng tôi nhận thấy ý thức, kỹ năng chăn nuôi của đồng bào còn nhiều hạn chế, nếu tổ chức giao gia súc đến tận các gia đình thì nguy cơ hao hụt, mất mát sẽ rất lớn. Từ đó, chỉ huy đơn vị đã trao đổi, thống nhất với chính quyền địa phương, các tổ chức tài trợ về việc xây dựng chuồng trại, tập trung đàn bò để bộ đội quản lý và hướng dẫn nhân dân làm quen dần với việc chăm sóc vật nuôi” - Thiếu tá Đỗ Văn Đàm cho biết.

Năm 2016, khi 22 gia đình đồng bào La Hủ ở bản Tân Biên được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cấp 22 con bò giống, chỉ huy Đồn Biên phòng Pa Ủ đã huy động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xây dựng một khu chuồng trại ngay gần trung tâm bản để quản lý, chăm sóc đàn gia súc giúp dân. Hằng ngày, đơn vị đều cử cán bộ, chiến sĩ cùng với đại diện một hộ gia đình được cấp bò giống phụ trách việc chăn thả, vệ sinh chuồng trại. Bộ đội cũng vận động, hướng dẫn nhân dân khai hoang đất để trồng thêm cỏ voi, tạo nguồn thức ăn phong phú cho gia súc, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y địa phương để phòng trừ dịch bệnh.

Nhờ được chăm sóc tốt, bò giống của các hộ dân ở bản Tân Biên đã không ngừng sinh sôi, đến nay, đàn bò đã phát triển lên 44 con. Không chỉ ở bản Tân Biên, đàn bò 27 con do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tặng các gia đình người La Hủ ở bản Mu Chi cũng đã tăng lên 55 con nhờ công sức của những người lính Biên phòng. Đặc biệt, ý thức về việc chăn nuôi gia súc của nhân dân ở các bản làng cũng được nâng lên rất nhiều. Họ đã chung tay cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ chăm sóc vật nuôi của mình. Chị Pờ Nhù Lở, dân tộc La Hủ, ở bản Mu Chi tự tin: “Được cán bộ Biên phòng hướng dẫn, mình cũng đã biết trồng, cắt cỏ cho bò ăn. Phải cố gắng chăm sóc để bò sinh thêm nhiều con bê nữa, rồi sau này mang bán lấy tiền mua ti vi, xe máy”.

Chiến sĩ Tổ công tác Biên phòng bản Mu Chi và người dân chăm sóc đàn bò. Ảnh: Viết Lam

Thiếu tá Đỗ Văn Đàm cho biết hiện nay, đơn vị đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm khu chăn nuôi tập trung bò sinh sản cho 50 hộ gia đình La Hủ ở bản Hà Xi và tương lai sẽ phát triển thêm ở nhiều bản khác.

Có thể thấy, việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đang góp phần vận động đồng bào La Hủ thay đổi ý thức về lao động sản xuất, rời xa những tập tục lạc hậu, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống mới. Điều đó đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội: “Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu... Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của Quân đội”.

Bài 3: “Xóa nghèo” tri thức

Viết Lam - Nguyễn Linh

Bình luận

ZALO