Biên phòng - Chúng tôi đến bản Nà Chào (xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hòa, Cao Bằng) gặp ông Luân Văn Thành, Bí thư Chi bộ, người được cho là đã khởi đầu xây dựng “cột mốc lòng dân” nơi đây. Ông Thành năm nay ở tuổi lục tuần, nước da đen, khỏe khoắn, bước đi thoăn thoắt... Trao đổi về việc khởi đầu xây dựng “cột mốc lòng dân”, ông Thành khiêm tốn: “Quê cha đất tổ của mình ở đây, so với sự hy sinh của các thế hệ cha anh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thì việc mình làm có thấm vào đâu”.

Được biết, năm 1977, ông Thành tham gia Đội Dân quân tự vệ xã, cùng BĐBP tích cực phối hợp làm nhiệm vụ trước, trong và sau chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Ông là người địa phương rất thông thuộc địa bàn núi rừng, sông suối ở đây. Khi đó, địa bàn biên giới toàn rừng rậm, đất hoang, cây cỏ rậm rạp, vực sâu hiểm trở, mìn nằm rải rác khắp nơi...
Vì vậy, ông luôn là người dẫn đường, tham gia cùng bộ đội làm nhiệm vụ. Sau chiến tranh, tình hình biên giới còn diễn biến phức tạp, không ít hộ dân của các bản giáp biên lần lượt rời quê hương đi nơi khác sinh sống, đồng ruộng bỏ hoang. Không thể bỏ đất quê hương mà đi!
Ông chia sẻ: “Nhà nông đi đâu cũng tìm đất canh tác, đất quê mình bao đời nay cha ông đã thấm máu, mồ hôi, cải tạo, bảo vệ, bỏ đi là rất có tội với quê hương, đất nước. Vì vậy, tôi đã thuyết phục nhiều gia đình ở lại, vượt gian khó lao động sản xuất, cùng bộ đội bảo vệ biên cương”.
Với những thành tích đạt được, ông Luân Văn Thành được các cấp, các ngành tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tham gia phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”. Ông Thành còn là người vận động dân bản thực hiện tốt Ngày Biên phòng toàn dân; góp phần xây dựng Chi bộ Nà Chào nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.
Để đấu tranh bảo vệ từng tấc đất biên giới, thời điểm đó, Đồn Biên phòng Tà Lùng (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng) tăng cường cán bộ xuống bản giáp biên bám dân nắm tình hình. Ông Thành đã tự nguyện dẫn đường cho bộ đội đi tuần tra, không quản ngày hay đêm, mưa lũ, hiểm nguy. Ông Thành nhớ lại: “Có lần đang tuần tra, mưa giông dữ dội, không tìm được đường trở về, tôi và bộ đội chia nhau nắm cơm ướt sũng cho qua cơn đói, ngủ đêm bên bìa rừng”.
Mỗi lần đi tuần tra, nếm trải những ngọt bùi cùng nhau, thế rồi tình cảm của ông với bộ đội được nhân lên, lớn dần, rồi thân thiết như anh em một nhà. Chính từ tấm gương của ông Thành đã gợi mở để chỉ huy Đồn Biên phòng Tà Lùng tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới. Và ý tưởng của Đồn Biên phòng Tà Lùng được đưa vào nghị quyết lãnh đạo của Huyện ủy Phục Hòa (huyện Quảng Hòa trước đây).
Ông Luân Văn Thành tích cực phối hợp với cán bộ vận động quần chúng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã vận động bà con tham gia phong trào, phân tích cho dân bản trách nhiệm, vai trò của người dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự biên giới. Chỉ sau 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8-1995), 100% xóm, bản biên giới toàn huyện tổ chức thành lập được Tổ tự quản đường biên mốc giới, an ninh biên giới, xây dựng Ban chống lấn chiếm, Tổ phụ nữ trung kiên..., đấu tranh có hiệu quả với hoạt động xâm canh, xâm cư, chống biệt kích, phản động hiệu quả. Năm 1995, Tỉnh ủy Cao Bằng ra Chỉ thị số 25/CT-TU về việc “Tiếp tục đẩy mạnh Ngày Biên phòng toàn dân” và phong trào Quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới được nhân rộng ra toàn tỉnh.
Trong giai đoạn những năm 1995 đến 2001, tình trạng xâm canh, xâm cư trên biên giới của huyện Phục Hòa vẫn diễn ra phức tạp, ông Thành là người đi đầu trong công tác vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh bảo vệ từng tấc đất trên biên giới. Tình đoàn kết quân dân đã đẩy lùi âm mưu lấn chiếm đất đai, chống phá sự bình yên của nhân dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, giảm dần vụ việc nhạy cảm, biên giới ổn định và bình yên, bà con yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất. “Điều phấn khởi nhất là quê hương tôi chính là nơi khai sinh phong trào Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới” – Ông Thành xúc động nói.
Cũng từ hiệu quả của phong trào, năm 2003, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Chỉ thị 34/CT-BTL xây dựng, triển khai trên biên giới phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới", chỉ đạo triển khai trên các tuyến biên giới cả nước. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc "Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Ông Luân Văn Thành chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc vì từ phong trào của địa phương đã trở thành phong trào lớn, được toàn dân tham gia để xây dựng biên giới ngày một vững mạnh, nhân dân được sống trong hạnh phúc, hòa bình...”.
Danh Anh