Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 01/12/2023 11:27 GMT+7

Người Hà Nhì giữ rừng, giữ cột mốc biên cương

Biên phòng - Nếu ai đã từng đặt chân tới bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đều không khỏi bất ngờ và choáng ngợp trước những cánh rừng già xanh ngắt, ngút ngàn trải dài khắp dọc biên giới. Để giữ được những khu rừng nguyên sinh ấy, người dân tộc Hà Nhì nơi đây luôn đặt ý thức tự giác lên hàng đầu. Từng hộ dân phân chia nhau bảo vệ rừng, bảo vệ đường biên, cột mốc cùng với BĐBP kề vai, sát cánh giữ từng tấc đất biên cương.

g4jk_18a
Những cánh rừng già luôn được phủ xanh xung quanh bản Tả Ló San. Ảnh: Kim Nhượng

Bản Tả Ló San có 25 hộ dân, 88 nhân khẩu nhưng chăm sóc, bảo vệ đến hơn 2.760ha rừng. Từ trung tâm xã Sen Thượng lên với bản Tả Ló San phải mất gần 3 giờ đồng hồ đi bằng xe máy, lọt thỏm giữa đại ngàn hoang vu, không ai trong chúng tôi nghĩ được rằng, nơi đây rừng còn nguyên sinh như thế. 

Ðưa chúng tôi tham quan khu rừng đặc dụng xanh mướt phía sau bản Tả Ló San, Trưởng bản Lỳ Khò Chừ say sưa nói về rừng và tình yêu với rừng của người Hà Nhì nơi đây. Anh chia sẻ: “Rừng không chỉ cho người Hà Nhì sản vật, mà còn có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần. Người Hà Nhì cho rằng, mỗi cánh rừng đều có một vị thần cai quản, là phúc thần của mỗi bản làng. Do vậy, đời sống của dân bản có mối liên hệ mật thiết với rừng. Ðối với người Hà Nhì, rừng là mái nhà lớn che chở cho con người, cho nên mọi hành vi xâm phạm rừng đều bị lên án và xử phạt thích đáng”. 

Ðể bảo vệ, chăm sóc rừng, dưới sự chủ trì của trưởng bản và người có uy tín, dân bản Tả Ló San đã họp bàn, thống nhất chia rừng thành từng khu, sau đó giao cho mỗi gia đình quản lý. Rừng thuộc sự quản lý của gia đình nào thì gia đình đó được tận dụng cây khô, củi mục; được hái nấm, chăn thả gia súc trong khu rừng của mình nhưng phải bảo đảm gia súc không làm gãy cây, phá rừng của các gia đình lân cận. Nhà nào vi phạm quy định của bản thì tùy theo mức độ sẽ bị phạt; nhẹ bị phạt bằng tiền, nặng thì bản không chia rừng để trông coi nữa. Quy định là như thế, nhưng nhiều năm nay, bản chẳng phạt nhà nào vì không có ai vi phạm. Trong khi nhiều xã thuộc huyện Mường Nhé phải chật vật với việc trồng và giữ rừng thì những cánh rừng của người Hà Nhì ở bản Tả Ló San vẫn quanh năm xanh tốt.

Không những có ý thức bảo vệ rừng mà người Hà Nhì tại bản Tả Ló San luôn có ý thức trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc. Thiếu tá Nguyễn Trọng Toản, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sen Thượng - người đã gắn bó với bà con gần 5 năm, chia sẻ: “Ý thức giữ rừng của người Hà Nhì thì không phải bàn cãi, nhưng xung quanh việc giữ rừng ấy còn gắn liền với cả những câu chuyện tâm linh nữa. Những khu rừng được bảo vệ một cách nghiêm ngặt cũng bởi một lẽ, người Hà Nhì coi đây là “rừng ma” - khu “rừng thiêng” chôn cất những người quá cố nên không ai dám chặt phá cả”. 

Người dân bản Tả Ló San đăng ký quản lý, bảo vệ  5 cột mốc: 12, 13, 14, 15 và 16 với 12,476km đường biên giới. Điển hình là ông Pờ Xuân Chừ dựng cả lán cạnh cột mốc quanh năm ăn ở tại đó, trồng cây ăn quả, nuôi bò, chăn dê, chiều chiều lau dọn cột mốc. Khi được hỏi lý do tại sao ông lại gắn bó với BĐBP, với đường biên, cột mốc đến thế, ông Pờ Xuân Chừ chỉ cười rồi nói rất nghiêm túc: “Mỗi người dân ở biên giới đều phải có trách nhiệm với đường biên, cột mốc; phải coi cột mốc như tài sản quý giá của bản thân mình. Đường biên, cột mốc được vẹn toàn như ngày hôm nay là biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả máu của bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống”. 

Nói xong, đôi mắt ông ngân ngấn lệ. Rồi ông nói tiếp: “Ngày nào đi qua cột mốc, bố cũng rưng rưng, tự đứng một mình suy nghĩ. Ở đấy có cán bộ Biên phòng đã ngã xuống để bảo vệ cho cột mốc, đường biên, bảo vệ cho người Hà Nhì. Bố tự hứa với mình không bao giờ được phép sao nhãng công việc”. Sau câu nói của ông, chúng tôi mới rõ, hồi anh Lương Minh Năm còn sống, ông là người rất thân thiết với anh, sau khi liệt sĩ Lương Minh Năm hy sinh cạnh cột mốc, mỗi lần qua đó là ông Chừ lại ngân ngấn nước mắt. 

3yzd_18b
Ông Pờ Xuân Chừ cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sen Thượng tuần tra đường biên, cột mốc. Ảnh: Kim Nhượng

Chúng tôi cùng Thiếu tá Nguyễn Trọng Toản, quê ở Thái Bình, đi dạo một vòng xung quanh bản Tả Ló San. Dọc đường đi, anh tâm sự về người dân nơi đây không khỏi khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Anh bảo: Mình đã gắn bó với đồng bào nơi đây hơn 5 năm. Sang tháng mình sẽ nhận công tác tại đơn vị mới, nhưng có lẽ khi xa nơi này chắc chắn sẽ nhớ lắm. Nhớ nhất là tình cảm của bà con dành cho mình, trong lòng lại bùi ngùi không muốn rời xa. Anh chia sẻ với chúng tôi, người Hà Nhì hiền lành, chất phác, quanh năm chăm chỉ làm ăn, sống với bộ đội như anh em một nhà. 

Lắng nghe những chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Trọng Toản, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của người lính Biên phòng như anh và bao đồng đội khác đã gắn bó bao năm với bà con nơi đây. Sự gắn bó ấy càng tô đẹp thêm nghĩa tình: “Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, một lòng chung tay bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO