Biên phòng - Làng gốm Bàu Trúc (xã Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vốn nổi tiếng từ xưa bởi nghề làm gốm của những người phụ nữ. Có thời gian, nghề gốm ở Bàu Trúc tưởng như đã mai một do không cạnh tranh được trên thị trường. Trước hoàn cảnh đó, một người đàn ông duy nhất trong làng đã đứng ra làm nghề gốm.

Người đàn ông đầu tiên trong làng dám “bước qua lời nguyền”
Bằng tâm huyết, trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa của mình, Đàng Xem đã khai mở nghề gốm trang trí, đưa sự độc đáo của gốm Bàu Trúc vượt khỏi ranh giới Ninh Thuận, tỏa ra khắp trong Nam ngoài Bắc và vượt lãnh thổ Việt Nam để đến năm châu, mang lại cuộc sống mới cho cộng đồng người Chăm nơi đây. Ông trở thành “báu vật” của làng gốm cổ Bàu Trúc.
Đàng Xem sinh năm 1960, tại làng Bàu Trúc, trong một gia đình có 5 đời làm nghề gốm truyền thống, ở cái nôi của nghề gốm Ninh Thuận, cũng là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Nghề gốm nơi đây được khởi tạo từ gần một ngàn năm trước, bởi ông tổ Pôklông Chan. Thương dân làng Bàu Trúc nghèo khổ, ông đã dạy họ lấy những báu vật của thiên nhiên là đất sét và cát làm thành lu, khạp, chõ, nồi, niêu...
Dân làng Bàu Trúc tôn ông là sư tổ của nghề gốm. Điểm làm nên nét khác biệt của gốm Bàu Trúc với gốm các nơi khác là người thợ làm gốm hoàn toàn thủ công, không làm bằng bàn xoay. Gốm nặn xong đem phơi chỗ râm mát, đến khi khô ráo rồi đem nung. Sản phẩm được nung theo kiểu lò lộ thiên khi người thợ dùng rơm, củi khô chất thành đống rồi đốt. Do đó, các sản phẩm gốm không có màu sắc giống nhau như sản xuất dây chuyền. Gốm Bàu Trúc có màu nâu đỏ tự nhiên của đất rồi điểm xuyết các vệt vàng đỏ, hồng, đen, xám, vệt nâu do quá trình cháy xém khi nung.
Sống trong môi trường làng nghề gốm, từ nhỏ, Đàng Xem đã say mê với gốm. Vốn tính nghịch ngợm của những đứa trẻ miền quê, bắt chước những gì người lớn làm, Đàng Xem thường xuyên tập nặn gốm. Những cục đất sét trở thành một thứ đầy thích thú với Đàng Xem. Khi những trai làng mải mê với việc đồng áng thì Đàng Xem lại say sưa với những sản phẩm gốm mà mẹ và các chị của mình chế tác hằng ngày. Bước vào tuổi 15, Đàng Xem bắt đầu mày mò làm ra những vật dụng phục vụ cho cuộc sống: Nồi, lò, chậu, chum vại...
Đàng Xem cho biết, nghề gốm ở làng Bàu Trúc là nghề chỉ dành cho phụ nữ. Bởi cư dân Bàu Trúc là người dân tộc Chăm theo chế độ mẫu hệ, chỉ con gái mới được người mẹ truyền những bí kíp nghề. Vì thế, các cô gái từ 13 tuổi trở lên bắt đầu học nghề. Chỉ vài năm sau là họ làm được các sản phẩm gốm.
Mấy trăm năm qua, nghệ nhân gốm ở Bàu Trúc toàn là nữ. Như một luật lệ bất thành văn, những công đoạn chế tác gốm ở Bàu Trúc từ thời Pô Kalông Chan đã không có bóng dáng đàn ông. Ngoài việc ra sông Quao lấy đất sét, tất cả công đoạn còn lại đều do phụ nữ đảm trách.
Khi đã bước sang tuổi 40, ông chứng kiến cảnh những lu, nồi, chậu kiểng do mẹ và vợ còng lưng rao bán khắp nơi vẫn không đủ tiền mua gạo, vì không cạnh tranh nổi với những sản phẩm gốm nơi khác và nghề gốm Bàu Trúc dần mai một. Điều đó khiến Đàng Xem phải suy nghĩ và ông đã đi đến quyết định sẽ đứng ra làm gốm cùng với gia đình. Bước đầu, ông học hỏi thêm kinh nghiệm từ chính người mẹ mình và tìm đến những nghệ nhân bậc thầy trong làng. Tiếp đó, ông ra Bát Tràng (Hà Nội), xuống Hải Dương, vào Bình Dương tìm hiểu kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ. Năm 2000, Đàng Xem bắt đầu sản xuất loại gốm đang được thị trường ưa chuộng này.
Khi thấy Đàng Xem nặn nhào đất sét, nhiều bà con dân tộc Chăm ngạc nhiên, có người còn cho là kẻ “gàn dở”, thậm chí, có kẻ xấu bụng còn rêu rao: “Đàng Xem tính mặc váy của vợ!”. Nhưng Đàng Xem vẫn bỏ ngoài tai những lời dèm pha, quyết làm đến cùng.
“Thổi hồn” để gốm Bàu Trúc “hồi sinh”
Bắt tay vào làm gốm, Đàng Xem không đi theo lối mòn là chỉ làm những sản phẩm gia dụng, mà thực hiện cách tân thành những sản phẩm mỹ thuật đa dạng về kiểu dáng và phong cách, như phù điêu, tháp Chăm, bình, lọ... với hoa văn lạ mắt để phục vụ trang trí trong các phòng khách, nhà hàng, quán cà phê, khách sạn... Ban đầu, do không có kinh nghiệm tiếp thị gốm mỹ thuật, những sản phẩm của Đàng Xem chưa được thị trường đón nhận. Sau khi được các sinh viên mỹ thuật về thực tập ở Bàu Trúc tình cờ phát hiện, một đơn đặt hàng giá 3 triệu đồng được gửi đến Đàng Xem như một “chứng chỉ” đầu tiên giúp khơi thông con đường kinh doanh gốm mỹ thuật của Đàng Xem.
Sau đó, ông đưa những sản phẩm gốm Chăm trang trí của mình ra Huế tham dự triển lãm Festival làng nghề và được Công ty TNHH Làng Hương đặt hàng 500 bức phù điêu và 200 bức tượng thiếu nữ Chăm đội nước với tổng giá trị lô hàng lên tới trên 50 triệu đồng. Sau “sự kiện” lô hàng vài chục triệu xuất xưởng này, Đàng Xem được cả làng gốm Bàu Trúc nể phục. Thấy Đàng Xem làm được, nhiều nhà rục rịch chuyển qua làm gốm mỹ nghệ. Đàn ông trong làng cũng mạnh dạn đua nhau làm gốm. Đàng Xem thấy vui vì đã hé mở hướng đi có thể giúp bà con làng gốm có công ăn việc làm, thoát khỏi cảnh nghèo.
Sau khi đi nhiều nơi “tiếp thị” sản phẩm, Đàng Xem nhận ra hàng gốm của mình bị thương lái thu mua với giá rẻ mà bán ra khá cao, thu nhập hơn hẳn người thợ làm gốm, ông nảy ra suy nghĩ là bán gốm giá rẻ nhưng phải đến tận tay khách hàng. Vậy là ngày 5-8-2004, Đàng Xem một lần nữa làm cái việc dân Bàu Trúc chưa ai làm là mở cửa hàng gốm ngay tại làng Bàu Trúc. Cũng tại “sự kiện” đó, truyền thông đã biết đến cửa hàng của Đàng Xem, nhiều khách hàng và khách du lịch tìm tới.
Cửa hàng và xưởng gốm nhà Đàng Xem lại làm xôn xao làng Bàu Trúc vì ngày nào cũng đông khách. Tên tuổi Đàng Xem được nhiều người biết đến như một đại diện xuất sắc của làng gốm Bàu Trúc. Từ đó, Sở Công thương và Trung tâm khuyến công tỉnh Ninh Thuận đã mời ông đứng lớp, dạy nghề, đào tạo cho các cháu học sinh từ bậc trung học cơ sở đến trung học phổ thông cách làm gốm mỹ thuật. Mỗi lớp đào tạo trong thời gian 3 tháng vào dịp hè. Đến nay, ông đã đào tạo gần 200 học viên.
Không ngừng sáng tạo các sản phẩm gốm mỹ thuật theo những ý tưởng mới lạ, Đàng Xem đã tạo được thương hiệu gốm riêng của dòng họ Đàng. Gia đình ông đã phát triển hai khu xưởng sản xuất gốm rộng gần 10.000m2, tạo việc làm cho hơn 20 lao động trong làng. Đàng Xem cũng là chủ của hai cửa hàng gốm mỹ nghệ to nhất làng.
Gần hai chục năm làm gốm, Đàng Xem đã sáng tạo gần 500 mẫu bình, lọ, phù điêu, tượng... mang nét hoa văn Chăm, nhưng chưa bao giờ ông coi những mẫu sản phẩm ấy là của riêng mình. Đàng Xem bảo những mẫu hoa văn, mẫu tượng hay phù điêu ấy được lấy ý tưởng từ cảnh vật và đời sống sinh hoạt của người Chăm, ông chỉ nhận mình là người đàn ông đầu tiên ở Bàu Trúc bỏ ruộng đi làm gốm. Giờ đây, thấy làng Bàu Trúc nhộn nhịp khách du lịch ghé thăm và mua sản phẩm, người làng không còn cảnh gồng gánh đồ gốm bán dạo kiếm tiền chạy ăn từng bữa như xưa mà đã vươn lên làm giàu từ gốm, khiến Đàng Xem mãn nguyện.
Những nỗ lực, đóng góp của Đàng Xem với làng gốm Bàu Trúc đã được chính quyền tỉnh Ninh Thuận ghi nhận. Ông đã vinh dự được đại diện cho các đại biểu của Ninh Thuận về Hà Nội dự "Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017”.
Thanh Thuận