Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Người đồng hành cùng BĐBP trong những chuyến tuần tra

Biên phòng - Hơn 20 năm gắn bó cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu trên những cung đường tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, gìn giữ biên cương, anh Phàn Vần Lỷ luôn là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

p024_7a
Anh Phàn Vần Lỷ (đứng giữa) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải trong một chuyến đi tuần tra. Ảnh: Kim Nhượng

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp theo Đội tuần tra Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải lên mốc 79. Đây là mốc quốc giới xa nhất trong 6 cột mốc, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải quản lý, bảo vệ trên 14,228km đường biên giới. Thượng tá  Bùi Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải cho biết: Từ đồn tới mốc 79 phải đi bộ, băng rừng hơn 40km. Đơn vị phụ trách địa bàn gồm 3 xã là Vàng Ma Chải, Mồ Sì San và Pha Vây Sử. Bà con nơi đây chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao và Hà Nhì, trong đó, nhiều nhất là dân tộc Mông, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trở thành chỗ dựa tin cậy của BĐBP trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Nhiều người dân nhiều năm qua luôn gắn bó, đồng hành với cán bộ, chiến sĩ trong những chuyến tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc như anh Phàn Vần Lỷ, tại bản Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ.

Thiếu úy Lữ Văn Thuấn, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, người trực tiếp đưa chúng tôi đến gặp anh Lỷ nói: “Từ ngày tôi về đây công tác, chưa bao giờ anh Lỷ vắng mặt trong các chuyến tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị”. Thuấn vẫn còn nhớ như in chuyện cách đây hơn một tháng, dịp ấy, cán bộ, chiến sĩ đồn chuẩn bị đi tuần tra lên mốc 79. Khi gọi điện cho anh Phàn Vần Lỷ chuẩn bị để đi cùng thì anh đang bận công việc cách nhà hơn 50km. Thế nhưng, khi nhận được điện, anh vẫn cố gắng thu xếp công việc đi xe máy về để kịp thời gian đi tuần tra cùng với cán bộ, chiến sĩ. Nghe Thuấn kể về anh, chúng tôi càng tò mò muốn gặp ngay “người bạn đồng hành” đáng mến của những người lính mang quân hàm xanh.

Theo con đường đất đỏ từ sau trung tâm UBND xã Mồ Sì San vắt ngang lưng chừng núi, nối dài tới tận cuối bản mất hơn 1 giờ đi bộ mới tới được nhà anh Lỷ. Căn nhà gỗ với những chi tiết hoa văn giữ y nguyên cốt cách văn hóa người Dao đỏ nơi đây. Thấy chúng tôi đến, anh Lỷ ra tận cửa đón: “Hôm nay có lịch đi tuần à cán bộ Thuấn?”. Thiếu úy Thuấn đáp lời: “Không, tôi đến chơi, thăm gia đình anh thôi”. Đứng trước mắt chúng tôi là một người dáng mảnh khảnh, nước da ngăm đen, nhưng săn chắc. Khi được hỏi về những chuyến đi tuần tra lên cột mốc 79, anh Lỷ cho biết: “Mình cũng không nhớ là đã đi bao nhiêu chuyến tuần tra lên mốc 79 nữa. Không chỉ riêng mốc 79 đâu mà cả 6 cột mốc của đồn quản lý, mình đều đi hết. Cũng hơn 20 năm, mình gắn bó với anh em đồn rồi”.

wakv_7b
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải nghỉ ngơi trên đường tuần tra lên cột mốc 79. Ảnh: Kim Nhượng

Chúng tôi thực sự ngạc nhiên, không biết động lực nào khiến anh nhiệt tình và trách nhiệm đến thế? Bất giác, tôi nhắc lại kỷ niệm anh bận việc ở xa hơn 50km và chạy thẳng về nhà để theo kịp chuyến tuần tra, anh Phàn Vần Lỷ cười, nói: “Tuần tra đường biên, cột mốc là một vinh dự đối với cá nhân mình, không phải ai cũng được đi tuần tra đâu. Nương thảo quả của mình nằm sát đường biên, gần mốc 79, không đi tuần tra cùng BĐBP, mình vẫn lên nương rồi ghé qua cột mốc, phát quang bụi rậm, kiểm tra hiện trạng cột mốc”.

Thiếu úy Thuấn nói thêm: “Anh Lỷ nắm chắc quy định ở biên giới lắm. Anh được cán bộ đồn hướng dẫn và giảng giải về quy chế biên giới, rồi hướng dẫn cho bà con tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Từ sự hiểu biết đó, anh còn phổ biến cho bà con bản Séo Hồ Thầu, Tô Y Phìn, Tân Séo Phìn nghe về quy chế này, để mọi người hiểu, làm theo, cùng giữ gìn và bảo vệ cột mốc biên cương, dân bản nể phục anh Lỷ lắm”.

Khi được hỏi về kỷ niệm trong các chuyến tuần tra mà anh nhớ nhất, anh Lỷ chia sẻ: Có lần, anh cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đi tuần tra cột mốc 79, 80, đi được hơn nửa quãng đường rừng, anh bị rắn cắn, mọi người đều lo lắng, nhưng anh vẫn lạc quan, tự mình tìm lá thuốc đắp vào vết rắn cắn. Anh tường tận chỉ dẫn cho cán bộ, chiến sĩ về từng loại thuốc nam có sẵn trong rừng rất quý, từ đó giúp cho cán bộ, chiến sĩ chủ động hơn khi đi tuần tra gặp những tình huống bất trắc. Khi đi rừng gặp phải những tình huống ngã bị thương hay do rắn, rết cắn, anh đều chỉ bảo, hướng dẫn tận tình cho cán bộ, chiến sĩ cách xử lý. Có những chuyến tuần tra, gặp phải mưa lớn phải ngủ lại rừng, anh cũng đều chủ động đi tìm thức ăn, chỉ bảo từng loại cây có thể ăn được, cây không thể ăn được, loại nào độc, loại nào không độc cho các chiến sĩ Biên phòng biết.

Khi được hỏi, tại sao anh lại có được những kiến thức đó, anh chỉ cười, nói: “Có gì đâu, lúc còn bé, mình hay đi cùng bố lên rừng thảo quả, được bố chỉ dạy cho, đi nhiều, chỉ nhiều lần là biết ngay mà”. Bao nhiêu vất vả, khó khăn và hiểm nguy cũng không làm anh chùn bước, không làm anh bỏ cuộc hay thoái thác các chuyến tuần tra.

Chia tay gia đình anh khi trời đã xế chiều, tôi cảm thấy may mắn, khi gặp được những con người rất đỗi bình dị mà có tấm lòng trong sáng yêu Tổ quốc, yêu đường biên, cột mốc quốc gia như anh Phàn Vần Lỷ. Trên suốt một dải biên cương của đất nước, đã có biết bao nhiêu người dân đã không quản ngại khó khăn, vất vả lẫn hiểm nguy, luôn đồng hành với những người lính mang quân hàm xanh để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO