Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Người Dao đỏ ở Tòng Sành bảo tồn cây thuốc bản địa

Biên phòng - Nhiều năm qua, người Dao đỏ ở xã Tòng Sành (Bát Xát) sinh sống dựa vào rừng và có ý thức bảo vệ những loại cây thuốc quý mọc tự nhiên dưới tán rừng. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, diện tích rừng dần bị thu hẹp, đa dạng sinh học ở một số khu rừng cũng vì thế bị ảnh hưởng, dẫn đến nguồn gen cây thuốc bản địa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng… Để giúp đồng bào Dao đỏ bảo tồn được nguồn gen cây dược liệu và những bài thuốc quý của dân tộc mình, có nguồn thu nhập ổn định, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Chương trình UNREDD Việt Nam tại Lào Cai xây dựng mô hình Tổ hợp tác bảo vệ rừng và cây dược liệu tại xã Tòng Sành.

e8va_11
Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn đồng bào Dao ở Tòng Sành cách bảo tồn cây dược liệu. Ảnh: Kiều Lê

Hiện, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn cây dược liệu tự nhiên tại xã Tòng Sành. Ban Quản lý Chương trình UNREDD đã phối hợp với UBND xã Tòng Sành tổ chức cho bà con người Dao đỏ trong xã tham quan học tập tại Công ty Cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (viết tắt là Công ty SAPANAPRO) tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa. Qua học tập, bà con đã tiếp cận những kinh nghiệm để xây dựng vườn ươm cây giống và khu bảo tồn một số loại cây dược liệu quý. Một số người Dao ở xã Tòng Sành am hiểu về cây dược liệu đã điều tra thực tế, xác định, tại địa bàn xã có 24 loại cây dược liệu chính, trong đó có 8 loài phù hợp với nhu cầu thu mua để chế biến thuốc chữa bệnh của Công ty SAPANAPRO.

Bà Lò Lở Mẩy, thôn Chu Cang Hồ tâm sự: “Được bố mẹ dạy các bài thuốc từ cây lá trên rừng, nên tôi biết rất nhiều bài thuốc chữa các bệnh thông thường như đau lưng, đau nhức xương khớp, thuốc tắm bồi bổ sức khỏe. Tôi rất phấn khởi khi tham gia Tổ hợp tác. Hy vọng mô hình này hoạt động hiệu quả, không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho nhiều gia đình, còn là dịp để mọi người biết đến cây thuốc quý của người Dao đỏ”.

Sau thời gian khảo sát và tiến hành thực hiện triển khai mô hình, Ban Quản lý Chương trình UNREDD đã phối hợp với UBND xã Tòng Sành thành lập được 3 Tổ hợp tác bảo vệ rừng và cây dược liệu (Chu Cang Hồ, Tả Tòng Sành, Séo Tòng Sành) với 63 thành viên, hầu hết là người dân tộc Dao đỏ có kinh nghiệm, kiến thức trong việc thu hái, chế biến thuốc nam. Đồng thời, xã Tòng Sành cũng xác định được các vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý dưới tán rừng. Hiện, đã có 20 hộ người Dao đỏ đăng ký tham gia trồng cây dược liệu với diện tích dự kiến khoảng 9,8ha, tập trung vào một số cây thuốc phù hợp với nhu cầu  thu mua của Công ty SAPANAPRO, như ghẻ siết, chu tại may, đìa giản, đìa bù tan... với nhóm công dụng làm thuốc tắm là chủ yếu.

Ông Chảo Láo Sì, Tổ trưởng Tổ hợp tác bảo vệ rừng và cây dược liệu Chu Cang Hồ phấn khởi cho biết: “Đây là tổ chức tự nguyện của những người làm nghề rừng thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành. Thành viên của Tổ hợp tác đều có chung mục đích, quyết tâm cùng nhau quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với khai thác, bảo tồn, gây trồng và phát triển các loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng theo hướng bền vững. Sau này, Tổ hợp tác sẽ là người đại diện cho các gia đình trong tổ thu gom dược liệu, tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng bán các sản phẩm cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của Nhà nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên”.

Hiện, người Dao đỏ ở Tòng Sành đang có trong tay “kho báu” cây dược liệu quý mọc dưới tán rừng. Mặc dù vậy, nguồn dược liệu quý không phải là bất tận, nếu không biết cách khai thác khoa học cũng như bảo vệ, phát triển mà khai thác theo kiểu “tận thu” sẽ đẩy những cây thuốc quý đến bờ vực cạn kiệt. Bên cạnh thành lập các Tổ hợp tác bảo vệ rừng và cây dược liệu, Ban Quản lý Chương trình UNREDD còn kết nối để UBND xã Tòng Sành ký Biên bản ghi nhớ phối hợp với Công ty SAPANAPRO trong việc liên kết bảo tồn, phát triển bền vững và tiêu thụ cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn xã Tòng Sành...

Khẳng định ý nghĩa to lớn của mô hình Tổ hợp tác bảo vệ rừng và cây dược liệu ở xã Tòng Sành, ông Chảo Láo Lở, Phó Chủ tịch UBND xã Tòng Sành cho biết: Việc thành lập các Tổ hợp tác bảo vệ rừng và cây dược liệu trên địa bàn xã thực sự hữu ích, không chỉ ngăn chặn nạn “chảy máu” dược liệu, mà còn giúp đồng bào Dao đỏ giữ gìn những giá trị nhân văn trong việc sử dụng những tri thức bản địa về cây thuốc. Việc khai thác cây thuốc tự nhiên một cách khoa học, có phát triển bảo tồn sẽ có đủ thời gian để cây thuốc sinh trưởng, tái sinh theo chu kỳ. Đặc biệt, khi đã có các Tổ hợp tác, thì việc bảo vệ, ngăn chặn nạn khai thác cây thuốc tràn lan theo kiểu “tận thu” sẽ có hiệu quả hơn. Từ cây thuốc dưới tán rừng sẽ tạo sinh kế cho đồng bào Dao thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính tri thức bản địa của dân tộc mình.

Trong tương lai, mô hình Tổ hợp tác này sẽ tiến xa hơn trong việc giúp người Dao đỏ tìm đầu ra cho sản phẩm cây dược liệu, đồng thời giới thiệu các bài thuốc dân gian cổ truyền ra thị trường, hướng tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký thương hiệu...

Kiều Lê

Bình luận

ZALO