Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 04:31 GMT+7

Người đàn ông Nhật Bản góp sức giữ gìn bản sắc văn hóa cao nguyên đá

Biên phòng - Đến thôn Lô Lô Chải trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hỏi về ông Yasushi Ogura thì từ già tới trẻ không ai không biết. Thậm chí, họ còn coi ông như người thân trong nhà, dù ông đến từ đất nước Nhật Bản xa xôi. Từ khi biết đến cao nguyên đá Đồng Văn, người đàn ông Nhật Bản này dường như đã “phải lòng” bản sắc văn hóa cùng cảnh sắc và con người nơi đây. Mỗi năm, ông vẫn dành khá nhiều thời gian đi về giữa Nhật Bản và Hà Giang để thỏa lòng mong nhớ của mình với mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc Việt Nam.

5kb6_23
Ông Yasushi trò chuyện với con gái vợ chồng chủ quán cà phê Cực Bắc. Ảnh: Thanh Thuận

“Kết” Hà Giang từ lần đến đầu tiên 

Tôi gặp ông Yasushi (62 tuổi) tại tại bản Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú. Trò chuyện với ông Yasushi mới thấy được tâm nguyện của người đàn ông Nhật Bản này với việc bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch cộng đồng của các dân tộc trên miền đá Hà Giang. Ông Yasushi cho biết, ông đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994. Năm 2002, trong một lần đặt chân đến thăm mảnh đất Hà Giang, ông đã “kết” ngay vùng đất này bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, có 22 dân tộc anh em sinh sống với bức tranh văn hóa đa sắc màu. Điều đó càng thôi thúc ông Yasushi đi sâu tìm hiểu về miền núi đá vùng cao Hà Giang và con người nơi đây. Ông cũng bắt đầu học tiếng Việt qua sách vở và internet. 

Đến với cao nguyên đá, ông thích đạp xe đạp và đi bộ rong ruổi trên các cung đường uốn lượn hay trong những bản làng còn nguyên những nhà trình tường cổ với mái ngói âm dương đã rêu phong, cổng đá, hàng rào đá... để chụp ảnh, hỏi thăm các gia đình người dân về lối sống, văn hóa, truyền thống dân tộc... Những nơi ông đặt chân đến luôn được người dân đón tiếp niềm nở. Ông tự hào đã đến hầu hết các xã của 2 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc trên cao nguyên đá Đồng Văn bằng xe đạp và cho biết sẽ còn đi lại vì chẳng bao giờ chán.

Năm 2014, trong một lần đến tham quan thôn Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú, ông Yasushi rất thích thú khi bắt gặp nhiều nhà trình tường cổ, cảnh quan đẹp, tuy vậy, đời sống của người dân trong thôn vẫn còn khó khăn. Lúc đó, trong Yasushi nảy ra ý định mở quán cà phê tại đây với mong muốn giúp người dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập từ chính ngôi nhà truyền thống của mình cùng với bản sắc văn hóa đặc sắc, lâu đời của người Lô Lô. Quán cà phê sẽ là địa điểm giới thiệu văn hóa người Lô Lô với du khách gần xa. Ngoài ra, ông còn giúp một hộ khác ở thôn Lô Lô Chải 95 triệu đồng sửa sang lại nhà cửa để thí điểm làm dịch vụ homestay, hướng dẫn nhiều nhà trong thôn kinh doanh homestay. “Nếu không làm gì thì phong tục văn hóa người Lô Lô sẽ bị mai một. Nhà trình tường truyền thống rất quý, trong khi có người dân muốn phá bỏ nhà trình tường để xây nhà bằng xi măng. Nếu mở quán cà phê hay làm homestay tại chính ngôi nhà trình tường của gia chủ thì sẽ giữ được nhà trình tường, sẽ bảo tồn được bản sắc văn hóa” - Ông Yasushi chia sẻ.

Phải đến năm 2015, khi quán cà phê do ông đầu tư chính thức đi vào hoạt động, ông mới gắn bó với Hà Giang thường xuyên hơn, có “kế hoạch” hơn. Vậy là mấy năm nay, cứ mỗi tháng, ông Yasushi lại từ Nhật Bản bay đến Hà Nội và dành khoảng 12 ngày lên các huyện trên cao nguyên đá Đồng Văn để tìm hiểu, khám phá và quảng bá cho vẻ đẹp của thiên nhiên, bản sắc văn hóa, con người... nơi đây. 15 ngày còn lại, ông bay về Nhật để chăm sóc mẹ già trên 90 tuổi. 

Qua những chuyến đi - về giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Yasushi đã kết nối với một số đài truyền hình, báo chí, công ty lữ hành của Nhật Bản để quảng bá về du lịch của vùng cao nguyên đá còn nhiều bí ẩn với người Nhật. Ngày nay, du khách Nhật tìm đến Đồng Văn, Mèo Vạc ngày một đông có phần đóng góp không nhỏ của ông. Với tình yêu dành cho các dân tộc trên cao nguyên đá, ông Yasushi cho biết, sẽ bằng mọi cách để bảo vệ những nét văn hóa, phong tục, tập quán, kiến trúc... riêng có của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc Việt Nam. 

Quán cà phê đầu tiên nơi cực Bắc

Ngồi nhâm nhi cà phê ở quán Cà phê Cực Bắc (thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), ông Yasushi nhớ lại quãng thời gian năm 2014, khi ông có ý định giúp người dân nơi đây mở quán cà phê. Ông cho biết, thôn Lô Lô Chải có cảnh quan đẹp, nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, người dân chủ yếu là người Lô Lô có bản sắc văn hóa độc đáo. Đó sẽ là sức hấp dẫn để khách du lịch tìm đến. Việc mở quán cà phê rất hợp lý, vừa tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến khi thực hiện là một công việc đầy khó khăn, bởi năm 2014, người dân ở đây không biết đến quán cà phê, không có văn hóa cà phê nên không ai mặn mà với ý tưởng kinh doanh của ông. Dù vậy, ông vẫn không nản lòng.

Sau khi đi khảo sát gần 100 căn nhà trong thôn Lô Lô Chải, ông Yasushi quyết định chọn ngôi nhà của anh Dìu Dỉ Chiến và chị Lục Thị Vấn để mở quán cà phê. Đó là ngôi nhà có tuổi đời gần 200 năm, đúng chuẩn của người Lô Lô với trình tường, hàng rào đá bao quanh, lại nằm gần đầu thôn. Khi đã chọn được nhà rồi nhưng thuyết phục chủ nhà lại là việc khó khăn với ông Yasushi. Ông cần mẫn, kiên trì thuyết phục từng thành viên trong gia đình, mãi rồi mọi người mới đồng ý. 

Thế là ông Yasushi đầu tư hơn 100 triệu đồng mua bàn ghế gỗ, ấm, chén, quầy bar, làm 2 nhà vệ sinh hiện đại, sạch sẽ... cho gia đình anh Dìu Dỉ Chiến. Ông còn nhờ 2 cô gái từ Hà Nội lên dạy chủ nhà cách pha cà phê, các loại đồ uống, cách phục vụ, những câu giao tiếp tiếng Anh thông dụng... Đầu năm 2015, quán cà phê Cực Bắc chính thức khai trương với wifi miễn phí và các loại đồ uống đa dạng chẳng kém ở thành phố. Dân phượt có thêm một điểm check-in nơi cực Bắc của Tổ quốc, chỉ cách đường biên giới Việt - Trung chưa đầy 1 km. 

Từ đó, ông Yasushi coi thôn Lô Lô Chải và Hà Giang như quê hương thứ hai của ông. Với ông, việc bảo tồn được giá trị bản địa, bản sắc dân tộc mới là mục tiêu chính. Quán cà phê là phương tiện giúp người Lô Lô kiếm được tiền mà không  đánh mất bản sắc. “Tôi hy vọng, quán cà phê Cực Bắc và dịch vụ homestay sẽ giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ những tài sản quý giá đó - cũng là cách để kéo khách đến với mình”,  ông Yasushi tâm sự. 

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO