Biên phòng - Dưới cái nắng oi bức của mùa Hè, theo chân anh Ating Đlông, cán bộ văn hóa xã Tà Lu, chúng tôi đến thăm nhà anh Alăng Thân (51 tuổi), dân tộc Cơ Tu ở tổ đoàn kết Aréh (thôn Aréh - Đhrồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Khi vừa bước chân vào nhà, trước mắt chúng tôi là căn nhà rộng rãi, thoáng đãng. Chúng tôi đã thật sự bị “choáng” bởi rất nhiều ché cổ được anh Thân trưng bày kín cả ba gian trong ngôi nhà của mình một cách ngay ngắn, thẳng hàng...

Anh Alăng Thân cho biết, trong một lần lên xã Tr’Hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam) thăm người bà con sinh sống tại thôn Voòng, anh được chú Cơlâu Blao, là anh bên mẹ kể về những chiếc ché (jớ/chớ) truyền từ đời này qua đời khác của người Cơ Tu. Trước khi ra về, chú Cơlâu Blao tặng anh một chiếc ché cổ rất đẹp. Ban đầu, anh chưa am hiểu lắm về giá trị của ché, nhưng càng tiếp cận nhiều với các già làng, những người lớn tuổi am hiểu phong tục tập quán của người Cơ Tu, anh càng trở nên đam mê tìm hiểu.
Anh Thân nhớ lại, vào năm 1998, anh đưa chiếc ché đầu tiên về nhà, đó là ché màu xanh có điểm hạt cườm (jớ a’jrai). Thời điểm đó, ché này trị giá bằng 1 con bò. Cha anh là người không đồng tình vì niềm đam mê lạ đời của anh. Bạn bè, người thân ai cũng bảo anh Alăng Thân “năm sôi, ba lạnh”. Thậm chí, ngay cả mẹ anh cũng không đồng tình với việc làm của con mình. Nhưng không vì thế mà anh nản lòng, trái lại, niềm đam mê trong anh ngày càng lớn hơn.
Năm 1999, anh lại về vùng A Xân (huyện Tây Giang) mua thêm chiếc ché quý màu xanh hình hoa lá, mây trời (jớ tr’loi), chiếc ché có hình tượng con rồng (jớ k’roong), trị giá thời điểm đó bằng 2 con trâu, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Anh em họ hàng bảo rằng, với số tiền đó có thể mua được xe máy mà đi, chứ mua ché về nhà để làm gì, nhưng anh Thân đều bỏ ngoài tai. Cứ thế, mỗi năm, anh đều có chuyến đi về thăm người thân, họ hàng, anh em ở vùng cao Tây Giang, anh lại tìm mua được thêm những chiếc ché xưa (jớ ti), đôi khi anh mua cả ché mới (jớ ngướp) về đặt ở nhà mình.
Anh Thân cho chúng tôi biết thêm: “Mặc dù kinh tế của gia đình không khá giả, nhưng tôi cảm thấy mình là người may mắn, hạnh phúc khi ché cổ bén “duyên” với mình”. Theo anh Thân, để sở hữu được một chiếc ché cổ, thì người sưu tầm dồi dào về tiền bạc thôi chưa đủ mà phải là người có duyên, bởi “bảo vật tìm chủ” không phải là chuyện xưa nay hiếm. Mỗi vật cổ đều có linh khí riêng, ché cổ vốn là vật thiêng trong tín ngưỡng của người Cơ Tu. Người Cơ Tu am hiểu phong tục tập quán, thông thạo, hiểu biết, chỉ cần quan sát các họa tiết được trang trí bề ngoài của ché là biết tên của từng loại ché ngay.
Anh Thân đi đến gian bên trái ngôi nhà, sờ tay vào chiếc ché cổ nhất có hình tượng con rồng (jớ k’roong) và giới thiệu với chúng tôi: Ché này có lâu lắm rồi. Người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam quan niệm, cái ché như một vật thiêng. Vì vậy, người Cơ Tu có nhiều nghi thức để cúng ché. Khi mua được một cái ché mới, họ tổ chức một lễ nhỏ để cúng mừng ché, vật cúng chỉ là một con gà và một chai rượu để thết đãi bà con quanh xóm; nếu mua được một cái ché quý thì vật cúng có thể là một con heo và vài ché rượu cần để mời cả làng. Trong hôn nhân, ché là một vật dẫn cưới quan trọng của người Cơ Tu, nó là tài sản phải có khi làm lễ đính hôn và lễ cưới. Khi một gia đình muốn cưới vợ cho con trai thì phải có ít nhiều ché để làm sính lễ; nhà trai càng giàu thì phải trả càng nhiều ché theo tục lệ thách cưới, đòi sính lễ của nhà gái.
Theo tục lệ của người Cơ Tu, người chết cũng được “chia của”, trong trường hợp này, cái ché phải bị đục thủng ở đáy chôn quanh nhà mồ như món quà dành cho người thân đã mất về thế giới bên kia. Bên cạnh đó, ché cũng được phụ nữ Cơ Tu dùng để cất các vật quý như: Chuỗi mã não, chuỗi hạt cườm nhiều màu và vải dệt thổ cẩm; các vật quý này được cất giữ trong ché để tránh bị côn trùng, chuột hoặc các loài thú khác cắn phá.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 30 năm giữa bộn bề cuộc sống, anh Thân luôn đam mê sưu tầm ché cổ, đến nay, số lượng ché mà anh mua về khoảng 20 chiếc. Ché có nhiều loại và kiểu dáng khác nhau, song mỗi chiếc ché lại có ý nghĩa và tên gọi khác nhau như: Ché xưa (jớ ti), ché mới (jớ ngướp), ché màu xanh (jớ jaroong), ché màu xanh bạc (jớ tr’loi), ché màu xanh có điểm hạt cườm (jớ a’jrai)...
Với anh Thân, những chiếc ché mà anh có là vô giá và bộ sưu tập ché cổ của anh là tài sản không thể định giá được. Rất nhiều người đã tìm đến để mua lại, trong đó có người đã trả giá hàng trăm triệu đồng cho một chiếc ché cổ, nhưng anh Thân không bán. Bởi nó đều gắn với những câu chuyện của gia đình anh, với tập tục văn hóa truyền thống không thể thiếu vắng rượu cần - loại thức uống được đựng trong những chiếc ché quý. Đó chính là sự gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa cổ truyền tốt đẹp của người Cơ Tu.
Cũng nhờ tìm hiểu rõ về nguồn gốc, giá trị tinh thần mà mỗi chiếc ché như chứa đựng kiến thức của anh Thân về phong tục, tập quán của đồng bào Cơ Tu. Bên cạnh lưu giữ ché xưa, anh Thân còn là người đàn ông Cơ Tu đam mê cồng chiêng. Anh có bộ chiêng 3 chiếc, trong đó có 1 chiêng núm và 2 chiêng bằng. Với năng khiếu bẩm sinh và khả năng cảm thụ, anh Thân đã tự học và biết đánh cồng chiêng. Vì vậy, mỗi khi trong nhà có khách đến thăm, anh thường đánh cồng chiêng biểu diễn cho khách để vừa thưởng thức, vừa nhâm nhi ché rượu cần thơm ngon.
Trao đổi với chúng tôi, anh Bơ Ling Trao, Chủ tịch UBND xã Tà Lu cho biết: Từ lâu, ý thức được các giá trị văn hóa dân tộc Cơ Tu, gia đình anh Alăng Thân đã tích cực lưu giữ những chiếc ché quý và cồng chiêng của người Cơ Tu, góp phần truyền lại cho thế hệ mai sau. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình anh Thân và bà con Cơ Tu trong xã gìn giữ, bảo vệ, không được bán cồng chiêng, ché cổ, các chuỗi cườm... nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương.
Nguyễn Văn Sơn