Biên phòng - Thời gian qua, Bộ Y tế liên tục phát đi thông tin cảnh báo về hiện tượng lừa đảo tiêm vaccine phòng Covid-19 dịch vụ. Vì ở Việt Nam, người dân được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 hoàn toàn miễn phí.
Thế nhưng, thông qua những hình thức quảng bá khác nhau trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi, người dân vẫn nhận được lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo lời quảng cáo, một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa nên chào mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia nhập khẩu hoặc mua vaccine tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng...
Điển hình như ngày 29-7, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Minh Phụng (sinh năm 1996, ngụ tại thành phố Thủ Đức) lừa đảo nhiều người dân chuyển tiền để đăng ký tiêm vaccine Pfizer giá 1,25 triệu đồng/liều, AstraZeneca 1,08 triệu đồng/liều... Phụng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo để đăng tải nội dung lừa đảo. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, Phụng chặn liên lạc, chiếm đoạt số tiền được chuyển.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, lợi dụng dịch Covid-19, đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều chiêu trò để chiếm đoạt tài sản của người dân.
Thông dụng nhất là kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn tham gia vào các App mạo danh đầu tư vaccine phòng Covid-19. Đầu tư càng nhiều thì mức lãi suất càng cao. Khi nhiều người “sập bẫy” thì App cũng sập theo và không thể rút lại tiền.
Ngoài ra, bọn tội phạm cũng tạo các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế, kính bảo hộ, nước rửa tay khử khuẩn... Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận. Thủ đoạn này đã từng xảy ra trên mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến đã bị cơ quan chức năng xử lý như: App r383; honapply.vn; miniboon.vn...
Lý giải cho các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, biến tướng nở rộ trong thời gian gần đây và khiến nhiều người bị lừa hàng tỷ đồng, các chuyên gia pháp luật chỉ ra, các đối tượng đánh trúng tâm lý quan tâm đến dịch bệnh, thông tin về vaccine, thuốc điều trị Covid-19... của người dân để “giăng bẫy”. Vì nôn nóng muốn được tiêm vaccine phòng Covid-19, một số người đã lên mạng tự mày mò tìm mối, chấp nhận trả tiền để được tiêm sớm và mất tiền oan cho kẻ lừa đảo.
Rõ ràng, khi Nhà nước chưa cho phép cung ứng vaccine trả phí, mà người dân tự chọn dịch vụ này đồng nghĩa tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Đó là chưa kể, người tiêm “lậu” vaccine cố tình lấy đi cơ hội của những người thuộc nhóm ưu tiên đang rất cần vaccine.
Dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, đơn vị, nơi tiêm chủng tiếp tay cho dịch vụ tiêm vaccine trả phí, đưa người ngoài danh sách tiêm vào lịch tiêm. Bộ Y tế cần tăng cường khuyến cáo, người dân chỉ đi tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Đặc biệt, tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.
Thiết nghĩ, để ngăn ngừa, loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh, người dân khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.
Chính phủ đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vaccine nhằm tiêm chủng miễn phí cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng khi cơ quan y tế thông báo.
Hoàng Lâm