Biên phòng - Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận người dân trên địa bàn do Đồn Biên phòng Tam Chung, BĐBP Thanh Hóa phụ trách vẫn còn thói quen sử dụng súng, vũ khí tự chế để săn bắn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh địa bàn biên giới. Trước thực tế tình hình, thời gian qua, Đồn Biên phòng Tam Chung đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động để nhân dân giao nộp súng, vũ khí tự chế, vật liệu nổ để tiêu hủy theo quy định pháp luật.

Địa bàn xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa do Đồn Biên phòng Tam Chung phụ trách có diện tích tự nhiên rộng lớn, nơi có khoảng 837 hộ/4.011 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh sinh sống. Từ bao đời nay, cuộc sống của nhân dân trên địa bàn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, làm nương, rẫy. Cuộc sống gần gũi, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, khiến cho một thời gian dài người dân địa phương có thói quen sử dụng súng, vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng.
Những năm gần đây, khi nhận thức pháp luật của nhân dân được nâng lên, tỉ lệ người dân sử dụng súng, vũ khí tự chế đã giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn, nhận thức giản đơn, một bộ phận người dân trên địa bàn xã Tam Chung vẫn cất giấu, sử dụng các loại súng tự chế để săn bắn động vật, chim rừng. Việc sử dụng súng tự chế, các loại vũ khí săn bắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho thân chủ và những người xung quanh, cũng như nguy cơ dẫn đến bất ổn về an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Tam Chung đã chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ biên giới, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân trên địa bàn. Cùng với quá trình bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Một trong những nội dung trọng tâm được Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Chung chỉ đạo các đội, tổ công tác thường xuyên thực hiện, đó là tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, các công cụ hỗ trợ nguy hiểm.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, đạt được mục tiêu các bản làng không còn người dân tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nguy hiểm, đơn vị đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân. Trong đó, đơn vị đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng duy trì các buổi tuyên truyền pháp luật lưu động vào các thôn, bản, nơi có đông dân cư sinh sống.
Phần lớn các buổi tuyên truyền được BĐBP và chính quyền địa phương thực hiện vào thời gian nông nhàn, nhất là vào các buổi tối. Biện pháp tuyên truyền thông qua họp dân, hoạt động chiếu phim, tọa đàm trao đổi trực tiếp giữa cán bộ tuyên truyền viên với nhân dân để bà con bày tỏ những suy nghĩ, vướng mắc đến BĐBP và chính quyền địa phương có các biện pháp tháo gỡ.
Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung cho biết: “Chúng tôi thường xuyên duy trì công tác tuyên truyền lưu động pháp luật đến các bản làng và vận động nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nguy hiểm. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt thông tin về một số cá nhân cố tình tàng trữ, lén lút sử dụng vũ khí để săn bắn, từ đó, tranh thủ sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ để trực tiếp đến tuyên truyền, vận động người dân giao nộp và ký cam kết không tái sử dụng nữa”.
Cùng với việc tổ chức các biện pháp tuyên truyền, Đồn Biên phòng Tam Chung cũng triển khai công tác hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Thông qua các hoạt động như hỗ trợ cây, con giống, giúp đỡ ngày công, cán bộ BĐBP vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Nhờ chủ động làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trong năm 2022, đã có 17 công dân trên địa bàn đến Đồn Biên phòng Tam Chung giao nộp 17 khẩu súng tự chế, trong đó, 10 khẩu súng cồn, 7 khẩu súng kíp. Hiện tượng người dân trên địa bàn sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ để săn bắn động vật đã giảm xuống đáng kể, tình hình an ninh địa bàn được đảm bảo.
Ông Giàng A Chống, Bí thư kiêm Trưởng bản Ón, xã Tam Chung cho biết: “Nhờ cán bộ BĐBP và chính quyền địa phương tuyên truyền, bà con trong bản hiểu rõ việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy hiểm cho chính mình cũng như mọi người xung quanh. Từ đó, nhân dân đã tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ cho BĐBP để tiêu hủy theo quy định”.
Viết Lam