Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 06:21 GMT+7

Người dân biên giới thấp thỏm theo giá nông sản

Biên phòng - Câu chuyện mà người dân huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu hay đề cập tới nhất là sự trồi, sụt của giá nông sản do đầu ra không ổn định. Thu nhập của hàng ngàn hộ dân người dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, không quá khi nói rằng, giá nông sản đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng hộ dân.

Anh Chu Lòng Tư cho biết, năm nay, ớt trung đoàn vừa mất mùa, vừa mất giá. Ảnh: Bích Nguyên

Giá nhiều loại nông sản sụt giảm

Chúng tôi đến xã Thu Lũm, huyện Mường Tè đúng mùa thu hoạch ớt trung đoàn, một loại cây đặc sản của vùng đất này. Đang vào chính vụ, nhưng nhiều người dân vẫn để ớt trên cây, không thu hái vì chưa được giá. “Lúc cao điểm, giá bán lẻ ớt trung đoàn lên tới 250.000 đồng/kg. Bà con phấn khởi lắm. Thế nhưng năm nay, mưa nhiều, năng suất ớt sụt giảm, buồn hơn nữa là giá ớt giảm xuống từng ngày” - anh Chu Lòng Tư, dân tộc Hà Nhì, bản Thu Lũm 2 cho hay.

Theo anh Tư, người dân xã Thu Lũm chủ yếu là người dân tộc Hà Nhì. Cuộc sống của đa số người dân hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp, cùng với khoanh nuôi, trồng, bảo vệ rừng. Trong những năm qua, đời sống của bà con trong xã có nhiều thay đổi nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bà con chuyển dần diện tích trồng lúa, ngô sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như cây ớt trung đoàn, sâm Lai Châu, tam thất, sả... Anh Tư giải thích: “Gọi là ớt trung đoàn vị trái ớt này cay lắm, đến mức các anh bộ đội nói cả trung đoàn ăn 1 quả. Ớt này có mùi thơm rất đặc trưng, vị cay nồng khiến ai ăn một lần nhớ mãi”.

So với các loại ớt khác thì ớt trung đoàn quả to hơn, đòi hỏi điều kiện trồng khắt khe, nếu trời mưa nhiều quá hoặc nắng nóng quá cây sẽ chết hoặc cho ít trái. Mỗi cây ớt trung đoàn cho từ 2-3kg quả. Lúc cao điểm, giá loại ớt này lên tới 250.000 đồng/ kg. Chính vì vậy, nhiều hộ dân ở Thu Lũm tận dụng các khoảnh đất trống để trồng ớt hoặc trồng xen canh với cây khác. Nhà nào ít cũng trồng vài chục cây, nhà nhiều trồng 1-2 sào. Thế nhưng, điều khiến anh Tư cũng như những người trồng ớt khác thấp thỏm là giá cả lên xuống thất thường. “Năm 2020-2021, giá ớt lên cao khoảng 200.000 đồng/kg, tư thương còn phải vào vườn thu hái cùng nhưng năm nay, giá giảm chỉ 120.000 đồng -150.000 đồng/kg mà không có người thu mua. Trong khi đó, trái ớt tươi rất dễ hư hỏng, vào mùa thu hoạch, nếu không bán được thì chỉ có thể xóc muối để bảo quản” - anh Tư chia sẻ.

Không chỉ cây ớt, một loại cây chủ lực khác ở biên giới Mường Tè là sa nhân cũng chịu chung số phận khi đầu ra không ổn định, giá cả lên xuống thất thường. Ông Phùng Phù Cà, Phó Chủ tịch xã Ka Lăng buồn rầu kể cho chúng tôi về sự rớt giá thê thảm của loại cây dược liệu này. “Trước khi xảy ra dịch Covid-19, thương gia ở Lào Cai tới đây thu mua sa nhân với giá 1,2 triệu đồng/kg. Thế nhưng, trong 2 năm qua, loại cây này liên tục giảm giá, hiện chỉ còn 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Có không ít người dân ở đây đứng ra thu mua sa nhân của dân phải đổ bỏ, thua lỗ hàng chục triệu đồng vì không bán được”.

Câu chuyện giá nông sản tăng, giảm bất ngờ còn có sự “góp mặt” của cây sả Java. Trong những năm gần đây, loại cây này được coi là một trong những loại cây xóa đói giảm nghèo ở Mường Tè bởi tinh dầu sả rất có giá. Đây là giống sả có nguồn gốc từ Ấn Độ, sinh trưởng phát triển nhanh, cho hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm đậm. Đặc biệt, cây sả này khá dễ trồng, vốn đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, có thể trồng thâm canh, chỉ khoảng 3 tháng được thu hoạch một lần.

Ông Chu Xế Lù, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thu Lũm cho biết, giai đoạn từ năm 2015-2020, dầu sả có giá trị, việc tiêu thụ khá thuận lợi. Người dân chủ yếu bán cho tư thương xuất sang Trung Quốc. Giá tinh dầu sả giao động khoảng 500.000 đồng đến 600.000 đồng/lít, đặc biệt có thời điểm nhu cầu sử dụng tinh dầu sả trong nước lớn, giá 1 lít tinh dầu sả lên tới 700.000 đồng/lít, nhưng thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 200.000 đồng/lít.

Xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều khó

Những người dân mà chúng tôi trò chuyện ở các xã biên giới của huyện Mường Tè cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản nói chung đều gặp khó khăn cả ở thị trường nội địa lẫn xuất bán sang Trung Quốc khiến cho giá cả các mặt hàng đều sụt giảm. “Trước đây, chúng tôi thường bán dầu sả qua cửa khẩu U Ma Tu Khoòng. Với giá bán 500.000 đồng/lít, có năm, tôi thu được khoảng 70 triệu đồng từ bán dầu sả. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch Covid-19, phía Trung Quốc đóng cửa khẩu, xây dựng hàng rào biên giới nên mọi loại hàng hóa đều không xuất sang Trung Quốc được. Giá dầu sả hiện giảm xuống còn khoảng 200.000 đồng/lít mà rất khó bán”- ông Chu Lù Chừ, xã Thu Lũm cho biết.

Người dân Thu Lũm ngâm ớt trung đoàn với muối để bán dần. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Lỳ Pó Chừ, Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm thông tin: “Hiện, toàn xã Thu Lũm có khoảng 500 ha sả. Những năm qua, loại cây này mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân. Thế nhưng, giống như một số loại cây trồng khác, giá dầu sả cũng rất bấp bênh. Hiện tại, giá dầu sả giảm sâu khiến thu nhập của người trồng sả giảm mạnh, cuộc sống của người dân vì thế cũng trở nên khó khăn hơn”.

Đề cập đến câu chuyện“được mùa, mất giá”, giá cả bấp bênh, không có đầu ra, ông Phùng Phù Cà ngậm ngùi nói: “Từ xưa tới nay, nông sản của bà con làm ra được nhưng việc tìm thị trường tiêu thụ luôn gặp khó khăn. Thực tế, có nhiều loại nông sản bà con trồng được rất nhiều, nhưng tìm được thị trường hoặc giá bán quá thấp, bà con đành phải làm thức ăn cho vật nuôi hoặc đổ bỏ rất xót xa. 2 năm qua, cửa khẩu U Ma Tu Khoòng đóng cửa nên hàng hóa không xuất bán sang Trung Quốc được, trong khi đó, bán trong nội địa thì khó khăn vì đường sá quá xa xôi, chi phí vận chuyển lớn, người nông dân không có lãi”.

Để nông dân không còn phải thấp thỏm theo giá nông sản, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cần xây dựng các mô hình liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá và tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các “nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà máy, nhà băng...) để bao tiêu sản phẩm, có lối ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp vẫn còn rất xa vời với bà con biên giới Mường Tè.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO