Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

Người dân bản Chênh Vênh thu “trái ngọt” từ rừng

Biên phòng - Nhiều năm trước, người Bru - Vân Kiều ở bản Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Việc khai thác rừng ồ ạt khiến diện tích rừng bị thu hẹp, gây ra nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, nhờ thay đổi về nhận thức và cách làm, giờ đây, người dân vẫn sống nhờ rừng nhưng theo một cách khác, đó là chăm sóc, bảo vệ để hưởng lợi từ rừng.

Gia đình anh Hồ Văn Noi có thêm thu nhập nhờ việc làm ống hút, đồ mỹ nghệ từ tre, nứa. Ảnh: Trúc Hà

Nếu không tính các hộ người đồng bằng lên đây làm kinh tế mới thì bản Chênh Vênh có 80 hộ với hơn 300 nhân khẩu người Bru-Vân Kiều. Trước đây, cây cà phê từng là cây xóa đói, giảm nghèo và “cứu rừng”, bởi cà phê được giá,nhiều gia đình trở nên khá giả. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cà phê xuống thấp, chỉ 4-5 nghìn đồng/kg, không đủ chi phí phân bón cũng như công thu hoạch, nên các hộ dân đã bỏ canh tác dù chưa tìm ra nguồn thu thay thế. Thêm vào đó, dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp và kéo dài, khiến cuộc sống của người dân càng vất vả hơn. Chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Hướng Phùng, BĐBP Quảng Trị đã vận động, kêu gọi và tiếp nhận nhiều phần quà của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã phần nào giúp người dân vượt qua được khó khăn. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, người dân đều có mong muốn ổn định cuộc sống bằng sinh kế bền vững đó là chăm sóc, bảo vệ rừng và hưởng lợi từ rừng.

Trên địa bàn xã Hướng Phùng có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, để giúp người dân khai thác tối đa nguồn lực sẵn có này, UBND xã Hướng Phùng, Ban Quản lý bản Chênh Vênh đã định hướng cho người dân bản Chênh Vênh chuyển hướng từ khai thác rừng ồ ạt sang chăm sóc, bảo vệ rừng. Đó là nhận bảo vệ rừng, trồng dặm rừng, trồng cây trẩu lấy hạt ở những diện tích đất đồi trọc. Đặc biệt, đồng bào Bru-Vân Kiều được tạo điều kiện tiếp cận những công việc cho thu nhập để ổn định cuộc sống trước mắt, đó là làm ống hút từ tre, nứa hay làm du lịch cộng đồng.

Anh Hồ Văn Noi, Tổ phó Tổ mây tre đan cho biết: Năm 2015, những người làm trong tổ chức phi chính phủ Y tế Hà Lan đưa cho anh xem 8 ống hút bằng tre và hỏi: “Ở các thành phố đang có nhu cầu làm ống hút bằng tre thay cho ống hút nhựa. Chúng tôi có thể nhận các đơn hàng. Anh có làm được không?”. Nhìn những chiếc ống hút, anh nghĩ đến những dóng tre, nứa vẫn gặp mỗi lần đi rừng nên trả lời: “Ở rừng có loại thế này. Các anh hãy dạy chúng tôi cách làm”. Và, suốt 6 năm qua, 11 gia đình trong thôn đã có thu nhập khá từ việc sản xuất ống hút từ tre, nứa. Anh Noi chia sẻ thêm: “Làm ống hút cũng khá vất vả, dày công. Chúng tôi phải vào rừng lấy cây, cắt theo kích cỡ quy định, luộc 8 giờ, rửa sạch, phơi khô từ 1-3 nắng, mài miệng ống bằng máy, vệ sinh miệng ống bằng giấy nháp và đóng hộp. Khi đã nhận đơn hàng, chúng tôi phải hoàn thành theo thời gian thỏa thuận. Nếu đến ngày hẹn mà không đủ số lượng để giao sẽ bị hủy đơn hàng. Các tổ viên cũng phải cam kết không được bán sản phẩm ra để đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất khi có đơn hàng”.

Cũng theo anh Noi, với 3 nghìn đồng một ống hút loại 1, loại 2 giá 2 nghìn đồng, trong khi phải vào rừng lấy nguyên vật liệu, mất khá nhiều thời gian để cho ra sản phẩm hoàn thiện, nhưng đối với người dân trong bản thì việc làm này rất có ý nghĩa, dù tiền không nhiều nhưng mang lại nguồn thu ổn định. Nhờ chăm chỉ, tích cực làm việc nên có giai đoạn, chỉ trong 3 tháng, Tổ mây tre đan đã thu được 70 triệu đồng. Ngoài làm ống hút, Tổ mây tre đan còn làm những đồ mỹ nghệ từ cây bương, luồng. Với bàn tay khéo léo của mình, các tổ viên cũng chế tác ra những ống đựng hương, đũa. Việc sử dụng máy móc giúp đẩy nhanh tiến độ cũng như tăng độ đẹp cho sản phẩm. Các sản phẩm làm ra được bao tiêu, luôn được khách hàng khen ngợi.

Từ lâu, thác Chênh Vênh khá nổi tiếng với nhiều người ở huyện Hướng Hóa. Đó là ngọn thác đổ từ trên cao như dải mây, xunh quanh là cây cổ thụ với những giò lan lơ lửng tạo nên cảnh quan vô cùng đẹp mắt. Từ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, chạy theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh ra phía Bắc chỉ khoảng 40km nên vào dịp cuối tuần, nhiều đoàn đến đây nghỉ dưỡng, ngắm cảnh. Nắm bắt được nhu cầu này, đầu năm 2021, Ban Quản lý bản Chênh Vênh đã làm 6 chòi phục vụ khách du lịch. Tổ viên mặc áo đồng phục, có nhiệm vụ giới thiệu cho du khách câu chuyện về vùng đất, sự tích của thác cũng như từ đâu mà có cái tên Chênh Vênh. Khi khách có nhu cầu ngồi tại chòi, tùy thuộc vào thời gian, tổ viên sẽ thu từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng. Từ ngày Khu du lịch cộng đồng thác Chênh Vênh đi vào hoạt động đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, Ban Quản lý cũng khuyến khích người trong thôn chăn nuôi gà, vịt hoặc lấy đặc sản măng, rau rừng, chanh leo, cà phê hạt bán phục vụ khách du lịch để có thêm nguồn thu. Ông Hồ Xuân Chiến, nguyên Trưởng bản Chênh Vênh hào hứng: “Ngày hôm nay, Tổ du lịch thu được 1,5 triệu đồng. Những người làm phục vụ sẽ nhận được một phần tiền bồi dưỡng, số còn lại giao cho Ban Quản lý đưa vào quỹ để chi cho các hoạt động chung của bản. Chúng tôi rất vui vì có thêm thu nhập, nhưng vui hơn cả là nhiều người biết đến cảnh đẹp của bản Chênh Vênh”.

Các tổ viên phục vụ tại Khu du lịch cộng đồng thác Chênh Vênh. Ảnh: Trúc Hà

Ông Hồ Văn Diện, Bí thư Chi bộ bản Chênh Vênh chia sẻ: “Việc làm ống hút và đồ mỹ nghệ từ tre, nứa đem lại thu nhập tuy không nhiều nhưng khá ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, cà phê thì rớt giá, người dân gần như không có nguồn thu từ loại cây từng được coi là chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương. Bởi vậy, chúng tôi rất mong sẽ có thêm nhiều đơn hàng để có thêm nhiều hộ dân có thể tham gia cung ứng hàng hóa, từ đó,giúp người dân nâng cao thu nhập”.

Thực tế, nguồn thu từ việc làm ống hút và đồ mỹ nghệ từ tre, nứa hay việc thu dịch vụ phục vụ khách du lịch tại thác Chênh Vênh tuy không giúp người dân làm giàu, nhưng chắc chắn tạo ra nguồn thu khá ổn định cho người dân nơi đây. Đặc biệt, nếu kiên trì với những việc đã và đang làm thì người dân bản Chênh Vênh có thể sống khỏe nhưng vẫn giữ được rừng cho con cháu đời sau.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO