Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Người đam mê truyền thụ tình yêu nhạc cụ

Biên phòng - Theo chân anh Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót, chúng tôi ghé thăm ông Lê Xuân Diệu (71 tuổi), dân tộc Cor ở thôn 1, xã Trà Cót khi ông đang cắt đo những thanh tre để chế tác nhạc cụ. Bỏ dở công việc làm đàn, ông tiếp chuyện chúng tôi.

Ông Diệu truyền dạy cách chế tác đàn Kađlóc cho thế hệ trẻ người Cor trong thôn. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nhạc cụ, ông Diệu vào góc nhà cầm cây đàn Vơró ra và khéo léo chỉnh dây đàn. Vừa đàn, ông vừa hát một đoạn dân ca Cor với ý nghĩa mời khách. Mặc dù tôi không biết tiếng Cor, nhưng thú thật ngay lập tức, tôi bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn trước âm hưởng vui tươi của làn điệu dân ca Cor và của đàn Vơró mà ông Diệu đang say sưa thể hiện.

Ông Diệu tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Kót (nay là thôn 1), xã Trà Kót trong lời ru, tiếng hát, tiếng cồng chiêng âm vang, những nhạc cụ từ tre nứa trong những lễ hội, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Cor. Từ nhỏ, tôi hay được nghe người làng chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Nghe nhiều thành quen, âm nhạc ngấm vào người lúc nào không biết. Thấy người già trong làng chế tác các loại đàn, làm sáo ta lía, tôi cũng bắt chước làm theo”.

Được biết, ông Diệu không những thuộc nhiều làn điệu dân ca truyền thống của người Cor, mà ông còn am hiểu và chơi rất hay về trống, đàn đá vào loại nhất xã Trà Kót hiện nay. Ông Diệu bảo, khác với nhiều loại nhạc cụ khác, để sử dụng chiếc đàn Vơró và đàn Kađlóc, người chơi đàn phải dùng một tay giữ đầu của ống nứa, tay kia khẩy đàn, tạo ra âm thanh. Đàn Vơró và đàn Kađlóc có âm thanh rất độc đáo, diễn tả tình cảm giữa con người với thiên nhiên, môi trường nơi người Cor sống.

Đàn Vơró và đàn Kađlóc là hai loại nhạc cụ luôn được đàn ông dân tộc Cor chơi trong những đêm sáng trăng ở trên chòi canh rẫy từ tháng 3 đến tháng 6. Vào mùa lễ hội, hai loại nhạc cụ này hòa vào trong lễ mừng được mùa, Tết ngã rạ, ăn cơm mới...

Tiếng đàn Vơró và đàn Kađlóc cùng những làn điệu dân ca Cor cũng là một phương tiện thổ lộ tâm tư, tình cảm của một cô gái đã đến tuổi lấy chồng, nhưng chưa có chàng trai nào vừa ý đến cầu hôn. Âm thanh của đàn nghe mộc mạc nhưng vô cùng sâu lắng và thiết tha, thể hiện được một phần nét hoang sơ của núi rừng, nơi người Cor sinh sống từ bao đời. Và rồi, qua các lần hò hẹn, nhiều đôi trai gái người Cor nên duyên vợ chồng trong sự đùm bọc, yêu thương của gia đình và cộng đồng.

Với dáng người mảnh khảnh, nước da đen sạm, ông Diệu là một người có niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình bất tận. Bên cạnh việc chế tác đàn, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, mặc dù tuổi đã cao, bằng nhiệt huyết, trách nhiệm của mình, ông Lê Xuân Diệu là người đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cor. Hằng ngày, ông vẫn dành nhiều tâm huyết và thời gian truyền dạy cho con, cháu cách chơi các nhạc cụ với mong muốn con cháu giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc Cor.

Ông bảo: “Tôi luôn muốn được nhìn thấy thế hệ trẻ dân tộc Cor sẽ như tôi, mỗi khi cầm cây đàn, cất lên tiếng hát là cùng nhau ra sức bảo tồn vốn văn hóa truyền thống từ ngàn đời nay tổ tiên, ông bà Cor để lại”.

Anh Huỳnh Tấn Bường - một người dân trong thôn khi tâm sự về ông Lê Xuân Diệu cho rằng: “Với niềm đam mê nhạc cụ, ông Diệu mong muốn mang âm hưởng của chúng tới nhiều nơi để mọi người dân đều biết đến nhạc cụ truyền thống của người Cor. Những lúc rảnh rỗi, ông Diệu thường ngồi kể về ý nghĩa của các loại nhạc cụ để con, cháu trong gia đình biết, yêu quý và trân trọng hơn văn hóa dân tộc mình. Ông Diệu là người đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cor”.

Đem chuyện ông Lê Xuân Diệu với niềm đam mê và tình yêu nhạc cụ dân tộc Cor, chị Phạm Thị Nga, cán bộ Văn hóa - thông tin xã Trà Kót cho hay: “Ông Diệu từng tham gia biểu diễn nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật ở huyện và tỉnh, là người góp công gìn giữ âm hưởng, linh hồn của âm nhạc người Cor. Trước nguy cơ biến mất của những loại nhạc cụ truyền thống của người Cor trong nhịp sống hiện đại, nhiều năm qua, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Diệu luôn mong mỏi được truyền thụ hết kiến thức và tình yêu âm nhạc của mình cho thế hệ trẻ trong thôn. Đối với người Cor trên địa bàn xã hiện nay, ông Diệu là cầu nối giúp thế hệ trẻ biết trân trọng và quý văn hóa của dân tộc. Những người như ông Diệu được xem như “báu vật” văn hóa phi vật thể của dân tộc Cor”.

Chia tay, ông Diệu tiễn chúng tôi về bằng tiếng đàn Vơró với nhiều cảm xúc lâng lâng như nỗi lòng hoài vọng về một cái gì đã qua không trở lại.

Tôi thầm nghĩ, văn hóa Cor như mạch nguồn con sông Kót quê ông chảy dài vô tận và mong rằng, ông Diệu sẽ truyền được tình yêu cho nhiều người không chỉ biết làm nhạc cụ để đánh, thổi mà còn mang những nét văn hóa riêng của điạ phương giới thiệu với các bạn bè khắp nơi. Qua đó, cùng nhau ra sức bảo tồn vốn văn hóa truyền thống từ ngàn đời nay mà tổ tiên, ông bà Cor để lại.

Nguyễn Văn Sơn

Bình luận

ZALO