Biên phòng - Đến Hà Giang nhiều lần, tôi được mọi người giới thiệu về nghệ nhân Thào Thị Chúa, người dân tộc Mông, ở huyện Mèo Vạc nhưng vẫn chưa gặp được bà. Phải đến gần đây, tôi mới có dịp gặp được nghệ nhân Thào Thị Chúa - người phụ nữ hết lòng với văn hóa dân tộc mình, khi bà xuống Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
|
Nghệ nhân Thào Thị Chúa. |
Lần này nghệ nhân Thào Thị Chúa mang xuống tặng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) nhiều đồ cổ gắn liền với cuộc sống của người Mông bà sưu tầm được trong thời gian qua. Đó là một bộ đồ làm bếp của người Mông, gồm cối giã ớt, 1 tô gỗ cổ, 8 cái thìa, 1 cái rổ… Không dễ dàng để có được những món đồ này trong tay, nhưng bà Chúa sẵn sàng tặng cho Làng như một cách để trao truyền, phổ biến văn hóa của đồng bào mình cho các dân tộc anh em.
Hằng tuần, bà thu xếp thời gian đi tới các bản làng của người Mông sinh sống, bất kể xa hay gần. Cũng có nhiều khi, bà tranh thủ những chuyến "được đi đây đi đó" mà sưu tập những vật dụng quý. Bà Chúa kể, đi sưu tầm những đồ dùng đó không hề đơn giản, có những thứ phải cất công đi nhiều lần mới thuyết phục được chủ nhà để lại cho.
Bởi bà con dân tộc Mông rất thật, có người hiểu thì sẵn sàng tặng lại bà Chúa "giữ hộ"; có người thì lại nghi ngờ bà là người đi buôn đồ cổ nên không chịu bán. Phải nhiều lần trò chuyện, người dân mới hiểu rõ ý nghĩa công việc bà Chúa đang làm, nên họ đã vui vẻ để lại cho bà. Có lần, để có cái chum bạc cổ, bà phải nài nỉ chủ nhà để lại cho mình, đổi mất 2 cái nồi quân dụng và các thêm mấy trăm nghìn đồng. Cũng có người bảo "bà này đi lấy cái chả đâu vào đâu, toàn thích những cái ngày xưa người ta đã vứt đi rồi". Nghe những lời ấy, bà Chúa chỉ cười mà nói rằng vì đó là "sở thích của tôi".
Hiện nay, ai có dịp bước chân vào nhà nghệ nhân Thào Thị Chúa sẽ thấy như bước vào một bảo tàng tư nhân. Ở đó, có những cổ vật rất quý giá của người Mông như tô gỗ cổ làm bằng gỗ kim giao, cối giã ớt khoảng ba bốn trăm năm, đàn nhị có nguồn gốc từ một bản người Mông heo hút, đàn Mông, rồi khăn, váy cổ được dệt thật cầu kỳ và công phu bằng chất liệu của rừng. Đặc biệt là chiếc chum gỗ cổ và bầu rượu có từ khoảng 300 năm.
Nghệ nhân Thào Thị Chúa cho biết, chiếc bầu rượu ấy đã "chứng kiến" không biết bao nhiêu đám hỏi vợ qua bao nhiêu đời của con trai Mông. Với bà, những cổ vật đó thật sự vô giá, vô giá không phải giá trị vật chất mà là ở giá trị văn hóa và bảo tồn văn hóa. "Bây giờ tôi sưu tập được một lọ giã ớt mà tiền nhiều cũng không mua được. Đi cả huyện Mèo Vạc cũng không có. Vứt cũng không vỡ, rất nặng. Gỗ ấy là gỗ kim giao", nghệ nhân Thào Thị Chúa tự hào.
|
Chiếc chum gỗ cổ và một số vật dụng của người Mông. |
"Tôi rất yêu dân tộc mình"
Không chỉ sưu tập những đồ vật gắn với sinh hoạt đời thường, nghệ nhân Thào Thị Chúa đặc biệt quan tâm sưu tập những nhạc cụ truyền thống của người Mông và rất có duyên với cây khèn. Theo bà Thào Thị Chúa, khèn rất quan trọng với người Mông, là sợi dây nối giữa thế giới thần linh với con người. Người Mông bao đời nay đều gắn bó với cây khèn và tiếng khèn của dân tộc mình. Tiếng khèn theo các chàng trai Mông đến lễ hội, đến chợ phiên và thay lời yêu thương trước cổng nhà người con gái mình yêu.
Đến khi giã từ cõi đời, tiếng khèn cũng là bạn của người âm. Tiễn đưa người chết đến ngã ba đường, khèn xoay ba lần để kết nối âm dương… nhưng lớp trẻ ngày nay không nhiều người biết múa khèn nữa. Hiện cả Mèo Vạc cũng chỉ còn lại 2, 3 nghệ nhân biết làm khèn và họ cũng không muốn làm nữa, vì "làm khèn thì để bán cho ai".
"Tôi rất yêu dân tộc mình", nghệ nhân Thào Thị Chúa nói. Có lẽ tình yêu ấy xuất phát từ sự am hiểu của bà, hiểu ngọn nguồn từng đồ vật, hiểu ngọn nguồn tiếng khèn Mông. Và bởi thế, bà tiếc nếu một ngày nào đó tiếng khèn Mông bị mai một. Vì vậy, bà Thào Thị Chúa lại lao vào đào tạo, lập nên một đội văn nghệ của người Mông, lấy những tiết mục múa khèn là chủ đạo. Bà dạy cho họ từ những điệu múa khèn độc đáo cho đến những bài hát mang âm hưởng của vùng cao nguyên đá này.
Bà còn chú trọng truyền dạy cho lớp thanh thiếu niên trong bản tất cả những hiểu biết của mình về điệu múa khèn. Giờ đây, bà đã đào tạo được những học trò xuất sắc như: Mua Mí Sính, Thào Mí Nô, Mua Mí Hồng, Thào Mí Chơ, Mua Mí Thừ, Mua Mí Tủa, Giàng Thị Chở… Đội khèn lần đầu tiên ra hội thi ở Bắc Giang, được giải Nhất các dân tộc phía Bắc…
Bộ sưu tập của nghệ nhân Thào Thị Chúa ngày càng dày thêm, phong phú thêm theo mỗi bước chân của bà đi sưu tập khắp các bản làng người Mông heo hút. Sắp bước vào tuổi 60, nghệ nhân Thào Thị Chúa vẫn luôn khát khao gìn giữ được trọn vẹn những nét văn hóa của dân tộc mình. Bà cũng mơ ước mở được một bảo tàng tư nhân để trưng bày, phổ biến các vật dụng cổ của người Mông. Nếu ước mơ không thành hiện thực, sau này bà sẽ tặng tất cả số cổ vật của mình có được cho Bảo tàng lưu giữ, trưng bày…
Nghệ nhân Thào Thị Chúa nhiều năm liền được UBND tỉnh Hà Giang, UBND huyện Mèo Vạc trao tặng Bằng khen, đặc biệt, năm 2003, bà vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội. Không chỉ tham gia công tác giỏi, trong gia đình, bà là một người vợ, người mẹ, người bà đảm đang, mẫu mực… |