Biên phòng - Sau lần được chung vui trong buổi họp mặt của những đồng đội thuộc Trung đoàn 10 Công an vũ trang (nay là BĐBP) cách đây hai năm, nay tôi mới có dịp hội ngộ cùng các anh. Những người lính Biên phòng dù là của một thời sinh tử trên chiến trường Cam-pu-chia, hay khi đã trở thành những cựu binh vẫn luôn giữ trong mình tinh thần, ý chí, sự hồn hậu và hào sảng không thể trộn lẫn. Tạm xa mọi huyên náo của phố phường, "nhân sinh quan" của người lính hòa quyện với con đường quê mát rượi càng làm sáng lên ý nghĩa về hạnh phúc, đôi khi chỉ là những điều giản dị và an bình thế.
|
Mỗi năm, gia đình cựu binh Nguyễn Xuân Trường thu hàng trăm triệu đồng từ ao cá. Ảnh: Khánh Ngọc |
Đồng hành với tôi trên hành trình gặp gỡ những người một thời sinh tử là anh Vũ Xuân Tú, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 10. Trông anh thật giản dị và nhiệt tình, với những vị trí công việc mà anh hiện nắm giữ khiến tôi thực sự tin anh luôn là điểm tựa vững vàng cho đồng đội. Anh hiện là Hội phó Hội Người Khuyết tật tỉnh Hải Dương, Giám đốc Công ty CP-XD Thương mại Dịch vụ Hải Dương - một doanh nghiệp may mặc, thủ công cho người khuyết tật.
Anh Tú say sưa kể với chúng tôi về người đồng đội Nguyễn Xuân Trường, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 622, người có biệt tài cảm hóa những đối tượng hảo hán nhất, thời còn là lính tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia, nay trở về địa phương làm kinh tế giỏi và là cán bộ được quần chúng tín nhiệm.
Đôi tay còn lấm lem bùn đất, trong bộ quân phục úa màu, anh Trường chạy ra vồn vã đón chúng tôi. Cùng với anh Tú, anh Trường là một thành viên tích cực trong Ban liên lạc, luôn nỗ lực kết nối các thành viên, chia sẻ, trao đổi cùng họ những cách thức tạo thu nhập cho gia đình.
Chúng tôi thật sự bất ngờ và mãn nhãn với "cơ ngơi" của người cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trường. Trong khuôn viên khoảng 3 mẫu đất được quy hoạch bài bản, khép kín với đầy đủ vườn, ao, chuồng, khiến ai đặt chân đến đây cũng đều cảm thấy như được trút bỏ mọi lo toan của cuộc sống. Bên chén nước trà xanh thoang thoảng mùi hương bưởi, chúng tôi được nghe anh Trường kể về những ngày chiến đấu gian khổ trên chiến trường Cam-pu-chia và những gian nan, thử thách lo cuộc sống mưu sinh.
Trở về từ chiến trường, cũng giống như bao người dân quê, anh Trường phải vật lộn với công việc đồng áng mới tạm đủ cho gia đình và nuôi 3 đứa con trai ăn học. Anh chia sẻ, do địa thế bất lợi của khu đất triều trũng, người dân thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ quê anh chỉ trông chờ vào 1 vụ lúa bấp bênh mà không có nghề phụ.
Vật vã tìm hướng đi, anh Trường loay hoay nghiên cứu, rồi tiến hành be đắp cải tạo ruộng lúa, chuyển đổi phương thức sản xuất. Để cầm cự với cuộc sống hằng ngày, vợ chồng, con cái anh phải tằn tiện từ mớ rau, con cá, nhận hàng thêu thuê thủ công ở xã bên. Thế rồi, mô hình mơ ước của anh cũng thành hình. Mỗi năm một chút, tiền lãi thu được anh Trường đầu tư dần vào trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, riêng 3 ao cá của anh cho thu hoạch trên 30 tấn cá mỗi năm, mang về nguồn thu trên 300 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, giúp đỡ nhiều người dân trong vùng, anh Trường còn là một cán bộ năng nổ, tâm huyết, có nhiều đóng góp cho địa phương. Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, anh Trường được chính quyền và nhân dân tin tưởng giao cho nhiều vị trí công tác. Năm 1995, anh được tín nhiệm bầu làm Trưởng Công an xã Hưng Đạo.
Phát huy tinh thần và trách nhiệm của người lính, trong suốt 10 năm đương nhiệm, anh Trường đã góp phần làm trong sạch địa bàn, bảo đảm cuộc sống yên bình cho người dân nơi đây, những việc tưởng như phức tạp đều được anh giải quyết ổn thỏa. Và bây giờ mặc dù đã nghỉ công tác địa phương nhưng mỗi khi có vụ việc khó giải quyết, anh Trường vẫn là người được lãnh đạo địa phương tìm đến tham khảo ý kiến.
Trải qua quãng đời tuổi trẻ đầy trải nghiệm, đến giờ, khi tuổi đã xế chiều, anh Trường cảm thấy cuộc sống thật thanh thản. 3 con trai anh đều đã thành đạt. Ngôi nhà 2 tầng to đẹp trong làng rất ít khi mở cửa, vì vợ chồng anh chị còn lo quản lý, phát triển kinh tế trang trại. Khuôn viên rộng lớn là thế mà thường chỉ có hai vợ chồng cùng làm, chỉ đến khi thu hoạch mới thuê người giúp. Thật vui khi được biết, trang trại của anh Trường giờ là điểm dừng chân nghỉ ngơi của bà con trong xóm mỗi buổi sớm mai hoặc khi chiều về. Cuộc sống của người dân quê anh giờ cũng đã không còn khó khăn như trước...
Câu chuyện về người lính thật giản dị. Hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc trở về, không chút vụ lợi, họ vẫn lao động hăng say, đóng góp trí tuệ, sức lực cho địa phương, cho gia đình và xã hội. Hình ảnh của anh Tú, anh Trường cùng bao nhiêu những đồng đội khác nữa, sẽ mãi đẹp lung linh, như những ngôi sao xanh tỏa sáng...