Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Người con của chiến khu Ba Lòng

Biên phòng - Từ năm 2007 đến nay, toàn lực lượng BĐBP có 29 đồng chí bị thương trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và được cơ quan chức năng làm thủ tục công nhận Thương binh. Hiện, các đồng chí thương binh BĐBP dù ở cương vị công tác nào cũng luôn nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những tấm gương thương binh BĐBP như thế.

Trung tá Phan Thanh Hoàng trò chuyện cùng phóng viên Báo Biên phòng. Ảnh: Phước Trung

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất cách mạng - chiến khu Ba Lòng (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), Trung tá Phan Thanh Hoàng cùng cháu của mình là Thượng úy Phan Hồng Vũ đã có rất nhiều cố gắng, phấn đấu trong học tập, công tác để luôn xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương. Ngay cả khi phải đổ máu khi trực tiếp làm nhiệm vụ, trong những người lính ấy vẫn cháy lên khát vọng được cống hiến cho biên giới.

Trung tá Phan Thanh Hoàng, Trưởng ban Quân lực, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị dễ gây thiện cảm với người đối diện bởi lối nói chuyện khiêm nhường. “Cái duyên” đến với BĐBP của Trung tá Phan Thanh Hoàng bắt đầu từ truyền thống cách mạng của gia đình. Khoảng năm 1957, mẹ của cậu bé Trần Đình Dũng (sau này là Phó Tư lệnh BĐBP) bị địch ám sát khi đang làm nhiệm vụ. Lúc ấy, cậu bé Trần Đình Dũng chưa đầy 10 tuổi, được chị gái Đặng Thị Cơ (mẹ của Trung tá Phan Thanh Hoàng) mang về nuôi dưỡng cho đến khi được 14 tuổi thì vào chiến khu Ba Lòng theo cách mạng. Trong suốt những năm tháng quân ngũ, Thiếu tướng Trần Đình Dũng luôn là niềm tự hào của cả gia đình, bởi vậy, không chỉ có 2 người con trai nối nghiệp cha mà 3 cháu trai của ông cũng xung phong nhập ngũ vào lực lượng BĐBP Quảng Trị.

Trung tá Phan Thanh Hoàng có tới 9 năm công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Những năm 2000 nổi lên tình trạng khai thác vàng trái phép ở xã A Vao (huyện Đakrông) và đi liền với đó là sự phức tạp của tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ phục vụ cho các bãi vàng không phép.

Ngày 22-4-2008, khi tham gia phá chuyên án mua bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay Phan Thanh Hoàng đã bị xe đối tượng gây tai nạn, vỡ xương mỏm chày, kết quả giám định thương tật bị thương tổn 31% sức khỏe. Thế nhưng, điều đáng nói là sau này, anh không vì thế mà vắng mặt trong các “trận đánh” với các loại tội phạm.

Thời điểm năm 2010, các đối tượng mua bán ma túy bắt đầu “tìm đường mới” để đưa ma túy từ Lào về Việt Nam thay vì cung đường cũ qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cầu Treo. Đón bắt được điều đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã triển khai nhiều biện pháp để “đón lõng” các ông trùm. Vào lúc 17 giờ, ngày 24-10-2013, tại khu vực sát biên giới gần cửa khẩu quốc tế La Lay, Phó Đồn trưởng Phan Thanh Hoàng cũng trực tiếp tham gia Chuyên án 652LV do Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Trị, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay phối hợp với Ty An ninh tỉnh Salavan đấu tranh, bắt 3 đối tượng người Lào gồm Thạo Si Thăn, Chăm Tha Vong Khôn và Si Xăm Mút đang vận chuyển 10.000 viên ma túy tổng hợp vào Việt Nam tiêu thụ.

Câu chuyện của Trung tá Phan Thanh Hoàng có phần đặc biệt hơn khi nhắc đến cháu ruột, Thượng úy Phan Hồng Vũ, Đội trưởng Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Ba Nang, người từng bị thương khi đấu tranh với tội phạm ma túy. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Phan Hồng Vũ nhận công tác ở Đội đặc nhiệm của Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Trị.

Tháng 1-2016, Thượng úy Vũ tham gia chuyên án triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Anh được giao nhiệm vụ bám theo xe đối tượng. Qua đoạn đường thuộc xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, xe của Thượng úy Phan Hồng Vũ xảy ra va chạm với xe của đối tượng. Gương mặt của anh gần như biến dạng hoàn toàn. Bố mẹ lo lắng tính mạng của người con học giỏi, lại hiếu thảo, lúc ấy, chỉ có Trung tá Phan Thanh Hoàng bình tĩnh vừa lo cho cháu cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế, vừa trấn an anh chị ở quê nhà.

Trung tá Phan Thanh Hoàng chia sẻ, anh rất tự hào về cháu, cũng là đồng đội của mình luôn can trường, dũng cảm. Sau gần 1 tháng điều trị, Thượng úy Phan Hồng Vũ quay trở lại công việc. Trong các chuyên án của Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Trị, anh đều xung phong tham gia, khi thì làm trinh sát ngoại tuyến, lúc lại trực tiếp đánh bắt đối tượng và “tham gia nhiều quá nên cũng không nhớ hết được” - như lời anh chia sẻ. Ở Đồn Biên phòng Ba Nang, Thượng úy Vũ luôn được đánh giá là cán bộ nhiệt tình và trách nhiệm với công việc. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, là Đội trưởng Kiểm soát hành chính, anh phải vừa cơ động thực hiện nhiệm vụ giữa các chốt trên biên giới, vừa tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch cho người dân. Vợ anh là bác sĩ Bệnh viện Lao Phổi Quảng Trị, là tuyến đầu chống dịch nên cũng phải trực 24/24 giờ ở cơ quan. Con gái chỉ mới được 1 tuổi, đành phải gửi về cho ông bà chăm sóc. Hoàn cảnh gia đình là vậy, thế nhưng, Thượng úy Phan Hồng Vũ không lơ là, xao nhãng mà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dịch Covid-19 tạm yên thì anh lại ra Học viện Biên phòng học tập. Vậy nên, gia đình của anh chưa có ngày đoàn tụ.

Nổi tiếng vì thành tích phòng chống tội phạm, thế nhưng, đối với Trung tá Phan Thanh Hoàng, quãng thời gian ở biên giới với biết bao kỷ niệm gắn bó với đồng bào lại là những tháng ngày đáng nhớ nhất.

Đó là việc làm “hòm tiết kiệm” ở Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Mỗi lần có việc vui, anh em đều “bỏ ống”. Số tiền ấy được dùng để mua gạo hỗ trợ cho các hộ khó khăn trong bản La Lay Việt Nam và bản La Lay của Lào. Tuy ít ỏi nhưng vô cùng quý giá đối với những người cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Khách khứa đến làm việc, thăm đơn vị khi biết việc làm ý nghĩa trên đã không ngần ngại mở hầu bao. Từ đó, Trạm trưởng Phan Thanh Hoàng đề xuất với Ban chỉ huy triển khai kế hoạch hỗ trợ ổn định cho 6 cháu học sinh nghèo (thời điểm đó chưa có Chương trình “Nâng bước em tới trường”) và 6 gia đình khó khăn ở bản La Lay Việt Nam, bản La Lay Lào bằng gạo và tiền. Thậm chí, trạm cũng bỏ tiền ra xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” (kéo điện thắp sáng các đường đi trong bản La Lay Việt Nam).

Nghe Trung tá Phan Thanh Hoàng kể chuyện, tôi hiểu rằng, biên giới là quê hương, đồng bào Vân Kiều là anh em ruột thịt của người lính Biên phòng này từ rất lâu rồi...

Trúc Hà

Bình luận

ZALO