Biên phòng - Luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của thôn, bản, đội ngũ những người có uy tín đang âm thầm đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng các dân tộc trên mọi miền biên cương của Tổ quốc. Dưới đây là những điển hình tiêu biểu trong số 163 đại biểu tham dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp tổ chức trong 2 ngày 21 và 22-12, tại Hà Nội.

Già làng mẫu mực ở vùng biên
Được bà con tín nhiệm bầu làm già làng, hơn 10 năm qua, già làng Pơloong Jim, ở thôn A Rầng 1, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã tích cực vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, ông đã nhiều lần cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cùng BĐBP tuần tra đường biên, mốc giới, bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn thôn.
Già làng Pơloong Jim chia sẻ: “Được nhân dân tín nhiệm bầu là người có uy tín, tôi luôn cố gắng giúp đỡ bà con dân bản trong cuộc sống. Nói đi đôi với làm, trước hết, bản thân tôi phải gương mẫu để mọi người làm theo. Cùng với đó, tôi luôn chia sẻ, truyền đạt cho bà con các kiến thức về pháp luật để phòng tránh các tệ nạn xã hội. Điều hay, điều phải thì hướng dẫn cho nhân dân, điều có hại thì phải khuyên bảo người ta tránh xa. Đặc biệt, trong cuộc sống làm ăn phải tận tình giúp đỡ những hộ khó hơn mình, hướng dẫn họ cách làm ăn để nhanh chóng thoát nghèo”.

Người đảng viên gương mẫu
Thôn biên giới Bản 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có 50 hộ với 222 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Là một già làng, một đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng, nhiều năm qua, già làng Hồ Đơ đã tích cực tham mưu cho cán bộ thôn khuyến khích, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Già làng Hồ Đơ cũng tích cực thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, tham gia giám sát các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Đặc biệt, già làng Hồ Đơ có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ BĐBP và cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, loại bỏ hủ tục, thực
hiện tốt nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội...
Trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, đường biên, cột mốc, già làng Hồ Đơ là người tiên phong tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng bản làng bình yên. Bản thân ông cũng đã phát hiện, thông báo để Đồn Biên phòng Thuận kịp thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn 8 trường hợp người dân chấm dứt hoạt động xâm canh sang đất của Lào; kịp thời ngăn chặn 23 đối tượng vượt biên trái phép; cung cấp 32 nguồn tin khác có liên quan giúp BĐBP làm tốt công tác bảo vệ đường biên, cột mốc.
Phát huy giá trị tốt đẹp của người Rơ Măm
Già làng A Blong là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Rơ Măm tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ông đã cùng các đảng viên trong làng đi đầu trong việc từ bỏ hủ tục và lưu giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp để bà con trong làng noi theo. Hiện tại, người Rơ Măm luôn duy trì 3 lễ hội quan trọng nhất liên quan đến vòng đời của cây lúa rẫy: Chọc tỉa, cúng mừng lúa lên đòng và cúng lúa mới. Không gian văn hóa cồng chiêng cũng được người dân trong làng giữ gìn và bảo tồn. Người dân làng Le hiện nay biết bảo ban nhau học tập, truyền dạy lại cho lớp trẻ cách đánh cồng chiêng, nhất là những bài chiêng dùng trong các lễ hội của dân tộc Rơ Măm.
Là người nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, già làng A Blong hiểu rõ lợi ích của việc học hành đến tương lai của con em trong làng, vậy nên ông luôn tuyên truyền, vận động các gia đình cho con em được đến trường đầy đủ. Con cái của ông cũng được ông động viên, khuyến khích học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt. Ông rất tự hào khi làng Le bây giờ có nhiều người học hành đỗ đạt, làm việc ở cấp huyện, cấp tỉnh. Già làng A Blong chia sẻ: “Có cái chữ, cuộc sống của người dân ngày càng đổi thay hơn”.

Bí thư Chi bộ “9x” năng động
Anh Chìu Văn Phúc, sinh năm 1990, ở thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là một Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn. Thôn Phai Lầu là địa bàn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong thôn trên 30%. Điều khiến người Bí thư Chi bộ trẻ này băn khoăn nhất là phải làm sao để người dân trong thôn thoát được đói nghèo.
Năm 2016, anh Phúc mạnh dạn thành lập hợp tác xã trồng rau sạch với các loại nông sản thế mạnh của địa phương, như: Củ cải, rau cải, cây thuốc cổ truyền... Để học hỏi thêm các kiến thức, kỹ thuật canh tác, anh chủ động tìm hiểu các thông tin qua mạng in-tơ-nét, sau đó mang kiến thức học được áp dụng cho sản xuất của gia đình và phổ biến thêm cho nhiều hộ dân trong thôn cùng làm theo. Anh cũng triển khai các mô hình nuôi lợn, dê để bà con học hỏi và áp dụng, qua đó, từng bước thay đổi tư duy của người dân về phát triển sản xuất. Ngoài ra, anh cũng chủ động đăng tải, giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã qua mạng xã hội để tìm hiểu, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Anh Phúc chia sẻ, toàn bộ bà con trong thôn là người Dao, nhận thức còn nhiều hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Người dân trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp. Là cán bộ thôn, anh phải làm gương để bà con học tập. Có thể hiệu quả kinh tế bước đầu chưa cao, nhưng quan trọng nhất là bà con có sự thay đổi trong nhận thức, mạnh dạn phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.
Thành Chung