Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 16/09/2024 10:28 GMT+7

Người Chứt ở Hà Tĩnh sang trang mới

Biên phòng - Ngày càng có nhiều đứa trẻ ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được sinh ra với bố hoặc mẹ là người dân tộc Chứt. Chúng lớn lên thông minh, khỏe mạnh, tạo niềm tin về sự đổi thay ở vùng đất vốn còn nhiều khó khăn. Sau nhiều năm, BĐBP Hà Tĩnh làm cầu nối se duyên nhiều chàng trai, cô gái đồng bào dân tộc Chứt có điều kiện tìm hiểu, tiến tới hôn nhân với bạn đời ở những địa phương khác, là người dân tộc khác. 

Trung tá Dương Thanh Tịnh là cầu nối se duyên để giúp thanh niên đồng bào Chứt kết hôn với người dân tộc, địa phương khác. Ảnh: Viết Lam

Hạnh phúc trong những gia đình trẻ

Khi nhận thấy Trung tá Dương Thanh Tịnh, cán bộ tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh bước vào đầu ngõ, cô bé Hồ Nguyễn Thục Quyên, 5 tuổi đang chơi ở sân liền chạy vào nhà gọi lớn: “Bố, mẹ ơi! Ông Tịnh sang thăm!”. Thoạt nhìn, bé Quyên có ngoại hình lớn hơn tuổi, nước da trắng trẻo, bước đi nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Nghe con gái gọi, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Nhân và Hồ Thị Duyên vội bước ra hiên nhà, niềm nở đón người thân quen. Cũng như nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Chứt khác ở bản Rào Tre, vợ chồng trẻ Nhân và Duyên cùng con gái sống trong ngôi nhà sàn nhỏ được BĐBP Hà Tĩnh và chính quyền địa phương xây tặng từ nhiều năm trước. Xung quanh ngôi nhà được trồng rất nhiều cây xanh, còn có cả ruộng lúa nước.

Qua câu chuyện giữa cán bộ Biên phòng với người dân mới biết, Duyên là người dân tộc Chứt, được sinh ra, lớn lên ở đây. Từ bé, dù gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại, nhưng được sự động viên của BĐBP, Duyên đã nỗ lực học tập, trở thành một trong những người dân tộc Chứt đầu tiên học hết bậc phổ thông trung học. Khi rời ghế nhà trường trở về với bản làng, cô gái trẻ trở thành một trong những nhân tố tích cực hỗ trợ cán bộ Biên phòng ở tổ công tác bản Rào Tre vận động đồng bào Chứt thay đổi suy nghĩ, cách sản xuất, từ bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới.

Còn Nhân, chàng trai trẻ dân tộc Kinh ở cùng xã Hương Liên, trong một lần vào bản Rào Tre tham gia hoạt động Đoàn thanh niên đã bị ánh mắt của thiếu nữ người dân tộc Chứt níu giữ. Họ vượt qua những khoảng cách về văn hóa, dân tộc để thương yêu, kết duyên vợ chồng. “Sau lần gặp đầu tiên, em khá ấn tượng nên có xin số điện thoại liên lạc. Trong những lần trò chuyện, em thấy Duyên rất chân thật, thấu đáo mọi việc. Chúng em thương yêu nhau lúc nào không biết. Khi tình yêu đủ lớn, em xin phép gia đình được cưới Duyên làm vợ. Ban đầu, bố mẹ có chút ái ngại vì trong vùng chưa có ai kết hôn với đồng bào Chứt. Nhưng sau nhiều lần trực tiếp gặp con dâu tương lai, mọi thành viên trong gia đình em đã vui vẻ ủng hộ. Bây giờ, cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng chúng em vẫn sống rất hạnh phúc khi có con gái khỏe mạnh, chăm ngoan” - Nhân khẳng định.

Rời nhà của đôi vợ chồng trẻ Nhân và Duyên, Trung tá Tịnh cho biết thêm, hiện, bản Rào Tre có 8 thanh niên đồng bào Chứt kết hôn với người ngoài bản, trong đó, có 6 cặp vợ chồng đã sinh con. Tất cả các gia đình trẻ đều đang có cuộc sống hạnh phúc, sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Nói rồi, anh dẫn chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình vợ chồng trẻ Hồ Nghĩa và Hồ Thị Kham, nằm ở khu dãn dân mới của đồng bào Chứt (cách bản Rào Tre chừng 4 km).

Khu vực này mới được quy hoạch, cả dãy nhà sàn vẫn còn mùi sơn, chưa có bóng cây lớn, nắng rát mặt trong những ngày hè. Chị Kham dẫn cậu con trai Hồ Viết Tiềm, 5 tuổi, xuống tận chân nhà sàn đón khách quý. Cậu bé Tiềm cũng có nước da ngăm đen của đồng bào Chứt, nhưng cặp mắt sáng, thân hình rắn rỏi, toát lên sự nhanh nhẹn. Trong ngôi nhà sàn, chị Kham cho biết, những ngày hè, chồng thường đi rừng tìm mật ong, phải 3-4 ngày mới về. Tiền bán mật ong là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình. Tìm hiểu mới hay, chị Kham cũng là người dân tộc Chứt, nhưng được sinh ra, lớn lên ở xã Lâm Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, mới theo chồng về bản Rào Tre làm dâu và đang quen dần với cuộc sống nơi đây.

Lính Biên phòng se duyên

Hàng chục năm trước, BĐBP Hà Tĩnh đã phát hiện đồng bào Chứt vốn sinh sống nơi “sơn cùng thủy tận”, với nhiều tập tục lạc hậu, bệnh tật, đe dọa đến sự tồn vong của tộc người này. Sau đó, BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động đồng bào Chứt về Rào Tre lập bản, định cư lâu dài. Cũng từ đó đến nay, cán bộ tại tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng luôn bám địa bàn, trực tiếp hướng dẫn, giúp đồng bào Chứt xây dựng cuộc sống mới. Trung tá Tịnh cho hay: “Những ngày đầu về nơi định cư mới, từ người già đến trẻ em người Chứt đều không biết chữ, mới chỉ vài người nói được tiếng phổ thông. Thậm chí, người dân còn chưa quen với việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Do bất đồng ngôn ngữ, đồng bào lại nhút nhát, tự ti nên chúng tôi muốn truyền đạt điều gì đó cũng rất khó, chỉ còn cách làm trước, giải thích sau”.

Từ đó, cán bộ Biên phòng ở tổ công tác bản Rào Tre đã chọn những gia đình đồng bào Chứt biết tiếng phổ thông, vừa chủ động sắp xếp lại nơi ăn ở, sinh hoạt, vừa khuyến khích họ khuyên bảo các hộ trong bản làm theo. Khi có được lòng tin của nhân dân, những người lính Biên phòng nghĩ đến những chuyện xa hơn, bắt đầu từ chuyện đẩy lùi hủ tục, giúp dân xóa bỏ tư tưởng “đói không lo, no không mừng”. Để làm được điều đó, ban ngày, bộ đội bám thực địa đôn đốc, hướng dẫn bà con khai hoang đất trồng lúa nước, đêm đến làm thầy giáo đứng lớp giảng dạy xóa mù chữ cho dân bản. Sau nhiều năm kiên trì đứng lớp truyền đạt, phần lớn người dân trong bản đều đã biết tiếng phổ thông, biết đọc, biết viết.

Đến nay, sau cả quá trình dài với những chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đặc biệt của BĐBP Hà Tĩnh, chính quyền địa phương, cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre đã có nhiều đổi thay tích cực. Thế nhưng, hôn nhân cận huyết thống vẫn là một thách thức, rào cản lớn đối với sự phát triển toàn diện của đồng bào Chứt. “Tuổi thọ của dân bản rất thấp, nhiều đứa trẻ sinh ra mang nhiều khiếm khuyết trên cơ thể, nguyên nhân được xác định là do hôn nhân cận huyết thống” - Trung tá Tịnh chia sẻ.

Để duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng dân số của đồng bào dân tộc Chứt, cán bộ tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre đã xây dựng Chương trình “Nhịp cầu se duyên”, với mục đích để những bạn trẻ đồng bào dân tộc Chứt có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, kết hôn với thanh niên ở những địa phương khác. Để làm được điều này, cán bộ tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre đã kết nối với chính quyền địa phương xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (nơi cũng có đồng bào Chứt định cư) để tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân. Từ đó, các bạn trẻ hai bên có điều kiện tìm hiểu nhau, BĐBP cũng huy động nguồn kinh phí để tổ chức đám cưới cho những thanh niên đồng bào Chứt kết hôn với người ở địa phương, dân tộc khác.

Viết Lam

Bình luận

ZALO